Thứ Năm, 16/01/2025 13:08 (GMT +7)

200.000 thuyền viên mắc kẹt giữa biển và bị đối xử thậm tệ suốt 2 năm vì COVID-19

Thứ 4, 07/07/2021 | 09:20:00 [GMT +7] A  A

Trong suốt đại dịch COVID-19, có tới 200.000 thuyền viên bị bỏ lại trên các con tàu lênh đênh giữa biển, còn các công ty sở hữu tàu thì nhắm mắt làm ngơ.

Thuyền viên tàu Ula biểu tình. Ảnh: thenewsminute

Theo Aljazeera, Akash Kumar rất phấn khích khi lần đầu làm thuyền viên trên con tàu chở hàng Ula. Thuyền viên 25 tuổi ở Ấn Độ thích công việc này bởi nó hứa hẹn lương cao và có thể thăm thú thế giới. Tuy nhiên, hi vọng đầu tiên sớm biến thành khoảnh khắc tự do cuối cùng.

Không lâu sau khi lên tàu Ula hồi tháng 2/2019, rời Messaieed ở Qatar, Akash đã chịu cảnh thiếu đồ ăn, nhiên liệu, nước uống. Hồi tháng 9 năm đó, con tàu mất điện tới 19 ngày. Khi cập cảng ở Kuwait tháng 2/2020, đại dịch COVID-19 đang lan nhanh và nước này bị phong tỏa.

Khi chờ tại cảng, chủ tàu Ula là công ty Aswan ở Qatar cho biết không còn tiền để hỗ trợ con tàu. Sau đó, công ty này ngừng trả lương cho các thuyền viên và cắt đứt liên lạc.

Người ta bảo nhóm thuyền viên 19 người trên Ula là phải chờ tới khi hàng hóa trên tàu được dỡ rồi mới có thể rời đi. Vài tuần kéo dài thành vài tháng. Một số thuyền viên như Akash tới nay đã ở trên tàu hơn hai năm.

Các thuyền viên sống khổ sở trên tàu Ula. Ảnh: thenewsminute

Akash kể rằng mình thường khóc trong cabin vì không thể về nhà và bỏ lỡ nhiều sự kiện gia đình cho dù nhà rất gần.

Số thuyền viên bị bỏ rơi trên tàu đã tăng lên trong đại dịch. Theo Công ước Lao động Hàng hải, thuyền viên bị bỏ mặc khi chủ tàu cắt liên lạc hoặc rời tàu mà không hỗ trợ, trả lương, hồi hương các thuyền viên. Liên đoàn Lao động Vận tải Quốc tế (ITF) cho rằng tình trạng này là ung nhọt của ngành tàu biển.

200.000 thuyền viên bị bỏ rơi trên biển không thể về nhà vì biên giới đóng cửa và các biện pháp cách ly để phòng chống COVID-19.

Theo ông Matt Purcell, thanh tra thuộc Liên đoàn Lao động Vận tải Quốc tế, tình trạng lừa đảo trên biển vẫn rất nhiều. Công ty tàu biển có quyền lực lớn với nhân viên, kiểm soát tiền bạc, lịch trình và thời gian họ rời tàu.

Thuyền viên viết về tình cảnh của mình trên thân tàu. Ảnh: thenewsminute

Chủ tịch công ty Aswan đang bị giới chức Qatar truy nã và công ty này bị liệt vào danh sách đen.

Aljazeera có bằng chứng cho thấy công ty Aswan Shipping Denizcilik ở Thổ Nhĩ Kỳ đang quản lý tàu Ula nhưng công ty này chối có mối liên quan tới con tàu và công ty Aswan.

Aswan Shipping Denizcilik cũng vận hành hai tàu là Maryam và Movers 3 – gần đây bị giam giữ ở bờ biển Australia.

Cơ quan An toàn Hàng hải Australia cho biết tàu Maryam không đủ điều kiện đi biển vì không có điện, nước máy, điều kiện vệ sinh và gặp vấn đề về thiết bị an toàn.

Tàu Movers 3 cũng không có nước máy. Tại thời điểm bị bắt giữ, tàu này chỉ có đủ nước uống cho 22 thuyền viên trong chưa đầy 3 ngày.

Trở lại với tàu Ula, nhóm thuyền viên trên tàu từng tuyệt thực để biểu tình phản đối cách đối xử của chủ tàu. Khi họ gọi điện cho ITF kêu cứu, con tàu đang ở Iran và không có điện, nhiên liệu, chỉ còn rất ít đồ ăn, nước uống. Khi đó, 25 thuyền viên đã ốm do thiếu thuốc men, nước sạch và đồ ăn. Có lúc họ chỉ còn đủ khầu phần ăn cho một bữa mỗi ngày. Nhiều người mô tả cuộc sống của họ không khác gì nô lệ thời hiện đại.

Mãi tới tháng 6 vừa rồi, thuyền viên tàu Ula mới được rời tàu nhưng vẫn bị nợ 410.000 USD tiền lương.

Một thợ máy cho biết: “Chúng tôi bị đối xử tệ hơn động vật. Họ quẳng bánh mỳ cho chúng tôi ăn và bảo chạy tàu. Giờ chúng tôi trở thành kẻ ăn mày”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/the-gioi/200000-thuyen-vien-mac-ket-giua-bien-va-bi-doi-xu-tham-te-suot-2-nam-vi-covid19-20210706172619051.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu