Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 15/01/2025 07:13 (GMT +7)
4 tiểu đoàn cực mạnh NATO đến Ba Lan, Baltic
Thứ 3, 14/06/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ triển khai 4 tiểu đoàn cực mạnh tại 3 quốc gia Baltic và Ba Lan nhằm đối phó với các nguy cơ có thể xảy đến với các nước thành viên của tổ chức này.
Xe tăng của quân đội Mỹ trong cuộc tập trận Saber Strike tại Latvia ngày 11/6. Ảnh: EPA/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, đây là tuyên bố Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra tại cuộc họp báo hôm 13/6 ở Brussels (Bỉ), 1 ngày trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại trụ sở của liên minh.
Người đứng đầu NATO khẳng định, sự hiện diện của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương tại các quốc gia Baltic và Ba Lan sẽ được tăng cường. Các tiểu đoàn sẽ được triển khai quay vòng trong 4 quốc gia Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan chứ không hiện diện thường trực.
Tổng Thư ký NATO cũng nêu rõ đây là cách thức để đáp trả hành động sáp nhập bán đảo Crimea (Crưm) của Nga hồi tháng 3/2014, cũng như phương Tây cáo buộc Moskva hỗ trợ lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine. Theo ông, phòng thủ và răn đe không chỉ dựa trên việc triển khai 4 tiểu đoàn mà là một phần của sự thay đổi sâu sắc về bối cảnh nhằm đáp ứng với những thách thức mà liên minh đang phải đối mặt.
Theo Đại sứ Mỹ tại NATO Douglas Lute, NATO sẽ triển khai lực lượng chiến đấu ở đầu nguồn và mỗi tiểu đoàn sẽ gồm từ 800-1.000 binh sĩ đồn trú quay vòng trong thời gian từ 6 tháng đến 9 tháng. Việc triển khai lực lượng này nhằm bổ sung vào hàng loạt các biện pháp mà NATO tiến hành kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát hồi đầu năm 2014 để tăng khả năng phản ứng của lực lượng quân đội đồng minh và hỗ trợ các quốc gia thành viên NATO có chung đường biên giới với Nga.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra từ ngày 8-9/7 tới ở Vácsava, Ba Lan, người đứng đầu nhà nước và chính phủ các quốc gia thành viên NATO sẽ phải tái khẳng định việc triển khai lực lượng cũng như quyết định các nội dung chi tiết về lực lượng này như quy mô, cách thức và thành phần.
Về phần mình, Nga kịch liệt phản đối các động thái trên của NATO, coi quyết định tăng quân tới biên giới phía Đông của tổ chức này và sát biên giới Nga như một hành động thách thức.
Ý kiến ()