Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 03:47 (GMT +7)
70 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam – Bulgaria: Dấu ấn Xứ sở hoa hồng Bulgaria trong lòng người dân Việt Nam
Thứ 2, 16/11/2020 | 10:39:00 [GMT +7] A A
Việt Nam – Bulgaria có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống. Bulgaria là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam kể từ ngày 8/2/1950. Trong suốt 70 năm qua, Chính phủ, nhân dân hai nước đã không ngừng vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa, khoa học, giáo dục, an ninh quốc phòng…
Với nhiều người Việt Nam đã học tập, làm việc tại Bulgaria, ký ức về những năm tháng sống trên nước bạn vẫn in sâu trong tâm trí. Điển hình như hình ảnh về sự ủng hộ của Chính phủ, nhân dân Bulgaria đối với Chính phủ, nhân dân Việt Nam; những tình cảm chan hòa, mến khách của người dân đối với học sinh, sinh viên Việt Nam… Đó là những biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam – Bulgaria.
Theo dấu chân Bác
Nhân dân Thủ đô Sofia nồng nhiệt chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị chính thức Bulgaria, tháng 8/1957. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát
Là Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria giai đoạn 2005 – 2009, ông Phạm Quốc Bảo là tác giả, chủ biên của nhiều cuốn sách viết về Bulgaria. Ông mới hoàn thành hai cuốn sách “Xứ sở hoa hồng Bulgaria”, “Xứ sở hoa hồng – Khúc sử thi” bằng tiếng Việt. Trước đó, ba cuốn sách của ông là: “Hồ Chí Minh trên đất nước hoa hồng”, “Việt Nam – đất nước, con người”, “Hồ Chí Minh và tình hữu nghị Việt Nam – Bulgaria” bằng tiếng Bulgaria đã được giới thiệu với công chúng. Những cuốn sách của ông đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam – ngoại giao Hồ Chí Minh; truyền bá tư tưởng, văn hóa, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhân dân Bulgaria.
Kể về hành trình theo dấu chân Bác Hồ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria Phạm Quốc Bảo cho biết: “Tháng 5/2005, vào dịp kỷ niệm lần thứ 115 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ một bức ảnh “Nhân dân Thủ đô Sofia nồng nhiệt chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh” được đăng trang trọng trên tờ Báo ảnh Việt Nam của TTXVN đã thôi thúc tôi tìm lại những dấu ấn vĩ đại Bác Hồ đã để lại trên đất nước hoa hồng tươi đẹp và giàu lòng mến khách”.
Với sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Cục Lưu trữ quốc gia của Bulgaria, ông đã xin được nhiều tư liệu quý về chuyến thăm của Bác Hồ và nhờ dịch ra tiếng Việt. Bắt đầu từ đây, hành trình “theo dấu chân Bác Hồ trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Nhân dân Bulgaria lần đầu tiên và cũng là duy nhất từ ngày 13 – 17/8/1957” được bắt đầu.
Cùng với việc sưu tầm tài liệu, ông Phạm Quốc Bảo đã đi tìm gặp các nhân chứng lịch sử – những người đại diện cho nhân dân Bulgaria, đã từng được đón Bác tháng 8/1957.
Những câu chuyện đó được ông Phạm Quốc Bảo ghi lại, thể hiện trong cuốn sách của mình. Đó là câu chuyện của cựu Thiếu tướng an ninh V. Popov, khi đó là Thượng úy trẻ trong hàng ngũ an ninh của nước bạn để bảo vệ Bác. Hay câu chuyện của ba người trong gia đình cụ Vasilka Nikiphorova đã có vinh dự được gặp Bác; câu chuyện của cụ Iordan Costadinov Toncov, Giám đốc Hầm rượu vang khi xưa Bác Hồ đến thăm… Những nhân chứng lịch sử thể hiện rõ sự kính trọng, khâm phục, tình cảm quý báu với Bác Hồ – dấu ấn sâu đậm trong lòng những người bạn Bulgaria, bất chấp những biến động lớn trong quá trình chuyển đổi thể chế chính trị của đất nước.
Theo dấu chân Bác, nhóm biên soạn đã đi nhiều nơi, tìm hiểu, làm việc với nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương, từ Thủ đô Sofia đến Perustitsa, những thành phố, làng mạc, đường đèo, núi non, rừng cây, sông suối… những nơi từng in dấu Bác Hồ đã đi qua, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Bulgaria cho đến ngày nay.
Ông Phạm Quốc Bảo khẳng định: “Theo dấu chân Bác Hồ, chúng tôi đi tìm cội nguồn của mối quan hệ Việt Nam – Bulgaria, để ôn lại những tình cảm cao quý của nhân dân Bulgaria đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu và đối với nhân dân Việt Nam Anh hùng. Đến nay, tình cảm của nhân dân Bulgaria đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi mãi còn đó, như những đóa hoa hồng tươi thắm, luôn tỏa ngát hương thơm, khoe muôn màu sắc trong nắng ấm ban mai của mùa xuân hữu nghị Việt Nam – Bulgaria”.
Trong suốt thời gian giữ vai trò Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria, ông Phạm Quốc Bảo có rất nhiều ấn tượng sâu sắc đối với đất nước, con người nơi đây. Ông cũng là đại sứ nước ngoài đầu tiên đã trải nghiệm 100 địa danh của đất nước Bulgaria.
Vị trí địa lý, địa hình đặc trưng, hoàn cảnh lịch sử hàng nghìn năm cùng với những đặc trưng văn hóa hòa quyện các yếu tố thiên nhiên, những cái hay, nét đẹp, tình cảm hiếu khách, chân thành của đất nước, con người Bulgaria đã được ông Phạm Quốc Bảo trân trọng lưu giữ và ghi lại trong cuốn sách “Xứ sở hoa hồng Bulgaria” sắp ra mắt bạn đọc.
Quê hương thứ hai
Những năm 60 – 90 của thế kỷ trước, mặc dù bị ảnh hưởng bởi chiến tranh rất khốc liệt, nhưng Đảng, Nhà nước ta đã chủ trương đưa những học sinh có năng lực sang các nước Đông Âu học tập, tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến để sau này đất nước hòa bình sẽ quay trở lại phục vụ đất nước. Một trong những lớp học sinh được cử sang Bulgaria khi đó có Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Đại tá Công an Vương Khả Cúc.
Được cử sang học tập tại Bulgaria năm 1969, nhờ kết quả xuất sắc sau 5 năm học tập, chàng trai trẻ Vương Khả Cúc lúc đó được Bộ Đại học Bulgaria và Việt Nam chuyển tiếp cho học nghiên cứu sinh trong 4 năm, bảo vệ luận án Tiến sỹ. Vì thế đầu năm 1986, Vương Khả Cúc từ Bộ Công an trở lại Bulgaria làm thực tập sinh cao cấp. Sau hơn hai năm thực tập và nghiên cứu khoa học, chương trình nghiên cứu của Vương Khả Cúc đã được Viện Hàn lâm khoa học Bulgaria công nhận có khả năng bảo vệ luận án Tiến sỹ khoa học.
Giáo sư Vương Khả Cúc tâm sự: “14 năm 7 tháng được học tập, nghiên cứu khoa học tại Bulgaria, nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Con người Bulgaria rất nhân hậu, có lối sống văn hóa rất gần gũi với người Việt Nam. Trong những năm sinh viên cũng như khi làm nghiên cứu khoa học, tôi luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè, thầy cô, nhà khoa học, các giáo sư, tiến sỹ… Họ có lòng bao dung rộng lượng và giúp đỡ các sinh viên, đặc biệt là sinh viên Việt Nam, rất vô tư, nhiệt tình”.
Nhắc lại quãng thời gian học tập tại Bulgaria, Giáo sư Vương Khả Cúc kể: “Khi đó, sinh viên các nước sang Bulgaria học tập rất đông, chúng tôi phải học từ 10 – 14 giờ nên rất buồn ngủ. Kết thúc học kỳ đó, các môn học của tôi đều đạt 6 điểm – điểm cao nhất trong hệ số điểm của Bulgaria lúc đó. Riêng môn học tôi đã ngủ gật trong giờ, cô giáo chỉ cho 5,5 điểm để tôi cố gắng hơn. Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là tâm sự của cô giáo: Học sinh Việt Nam học tiếng Bulgaria rất khó, nhưng cô luôn thích dạy học sinh Việt Nam, bởi cô hiểu học sinh Việt Nam có đức tính cần cù, chịu khó và có thể vượt qua mọi khó khăn, gian khổ”.
“Dù ở Bulgaria, tôi vẫn có thể biết được những biến động lớn tại Việt Nam. Như chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (12/1972), trong thời gian 12 ngày đêm Mỹ ném bom ở Hà Nội, các công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp; học sinh, sinh viên các trường học ở Bulgaria đều xuống đường biểu tình rất đông. Không những vậy, họ còn trích 1 – 2 ngày lương, đóng quỹ để ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Một số đoàn quân tình nguyện sang Việt Nam để giúp đỡ… Từ những việc đó, tôi thêm hiểu, quý trọng tấm lòng những con người Bulgaria. Họ sống có tình người, luôn ủng hộ chính nghĩa và những điều tốt đẹp” – Giáo sư Vương Khả Cúc bồi hồi nhớ lại.
Những năm tháng học tập, sinh sống tại Bulgaria là những kỷ niệm đẹp đối với Giáo sư Vương Khả Cúc. Trong tự truyện “Miền đất lửa”, Giáo sư Vương Khả Cúc đã dành riêng quyển thứ hai viết về những năm tháng sống tại Bulgaria và đặt tên “Đất nước hoa hồng”. Đây cũng là tấm lòng tri ân của ông đối với đất nước mà mình gắn bó thời trai trẻ.
“Tôi mong khi dịch COVID-19 được kiểm soát, năm 2021, tôi sẽ có dịp trở lại Bulgaria để gặp gỡ bạn bè và những người đã giúp đỡ tôi trong những năm tháng không thể quên đó” – Giáo sư Vương Khả Cúc chia sẻ.
Góp phần vun đắp mối quan hệ hai nước Việt Nam – Bulgaria
Chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 8/1957 đã đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ mít tính chào mừng Người thăm hữu nghị Bulgaria (13/8/1957). Ảnh: TTXVN
Ngày 8/2/1950, Bulgaria và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, khởi đầu cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác lâu dài giữa hai nước. Tiếp đó, chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 8/1957 đã đặt nền móng và ghi dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Bulgaria nhận định: Việt Nam – Bulgaria có quan hệ gắn bó lâu dài. Bulgaria đã dành sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu về tinh thần và vật chất trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam. Giao lưu nhân dân giữa hai nước không ngừng được mở rộng. Hàng nghìn cán bộ, chuyên gia, sinh viên, học sinh, lực lượng lao động chuyên nghiệp của Việt Nam đã được đào tạo ở Bulgaria. Đội ngũ này đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của Việt Nam, cũng như vun đắp cho quan hệ Việt Nam – Bulgaria.
Với nền tảng vững chắc, quan hệ hai nước đã không ngừng được vun đắp trong suốt 70 năm qua và gần đây tiếp tục có những bước phát triển mới rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực chính trị – ngoại giao, kinh tế – thương mại, quốc phòng – an ninh, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch… Bulgaria tiếp tục cấp học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam sang nghiên cứu, học tập; tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam tại Bulgaria làm ăn sinh sống.
Việc thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư du lịch giữa Việt Nam – Bulgaria cũng đã có những bước phát triển tốt. Số lượng khách Việt Nam đi du lịch Bulgaria và các nước Đông Âu đã có sự tăng trưởng. Thời gian tới, việc trao đổi thương mại và các hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch cũng sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.
Hội Hữu nghị Việt Nam – Bulgaria được thành lập năm 1999, nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam -Bulgaria. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương khẳng định: Sau hơn 20 năm thành lập, với hàng nghìn hội viên trên toàn quốc, Hội đã có rất nhiều hoạt động đóng góp cho việc phát triển quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai nước. Hàng năm, Hội tổ chức các lễ kỷ niệm về văn hóa, giáo dục, chữ viết của Bulgaria; phối hợp cùng Đại sứ quán Bulgaria tại Việt Nam tổ chức lễ Quốc khánh; đón tiếp các đoàn cấp cao của Bulgaria sang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Là học sinh Việt Nam được cử sang Bulgaria học tập, bà Nguyễn Thị Thanh Hương rất hiểu và yêu mến đất nước, con người Bulgaria. Vì vậy, bà luôn nỗ lực để làm tốt vai trò Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Bulgaria, góp phần vun đắp cho mối quan hệ giữa hai nước ngày càng nở hoa, kết trái.
https://baotintuc.vn/thoi-su/dau-an-xu-so-hoa-hong-bulgaria-trong-long-nguoi-dan-viet-nam-20201116071814791.htm
Ý kiến ()