Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 07:28 (GMT +7)
Ấn Độ tiếp tục đình chỉ các chuyến bay thương mại
Thứ 5, 01/10/2020 | 15:13:00 [GMT +7] A A
Ngày 30/9, Tổng cục hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) thông báo tiếp tục tạm đình chỉ các chuyến bay thương mại quốc tế đến và đi từ nước này cho đến ngày 31/10 tới.
Khám sức khỏe cho các bệnh nhân tại trung tâm điều trị COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ.
Ảnh: AFP/TTXVN
Ấn Độ đã đình chỉ các chuyến bay thương mại quốc tế khi áp đặt phong tỏa toàn quốc cuối tháng 3 vừa qua để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Các chuyến bay nội địa đã được nối lại từ ngày 25/5. Nhà chức trách Ấn Độ khai thác các chuyến bay quốc tế đặc biệt kể từ tháng 5 và các chuyến bay dưới hình thức “cầu hàng không” với một số quốc gia kể từ tháng 7.
Trong khi đó, giới chức Jordan cùng ngày cảnh báo chính phủ nước này có thể áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn trên cả nước sau khi ghi nhận 1.767 ca mắc mới COVID-19 trong ngày. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất tại quốc gia Trung Đông này kể từ khi đại dịch bùng phát.
Người phát ngôn chính phủ Amjad Adailah cho hay trong trường hợp diễn biến dịch nguy hiểm khiến nhà chức trách khó kiểm soát, Chính phủ Jordan có thể phải phong tỏa hoàn toàn trên cả nước. Bên cạnh đó, chính phủ cũng tăng khung hình phạt lên 1 năm tù giam đối với những đối tượng vi phạm lệnh cấm tổ chức đám cưới, lễ tang, tiệc và các sự kiện khác có hơn 20 người tham gia. Ngoài ra, các trường học cũng tạm đóng cửa trong 2 tuần. Các đền thờ, phân xưởng, nhà hàng được phép hoạt động đến ngày 1/10 song phải thực thi các quy định y tế nghiêm ngặt.
Bước đầu, giới chức Jordan sẽ áp đặt lệnh phong tỏa tại trại tị nạn Baqaa ở ngoại ô thủ đô Amman trong ngày 1/10. Baqaa là một trong những trại tị nạn người Palestine lớn nhất tại khu vực Trung Đông với hơn 200.000 người tạm trú. Trại này đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc COVID-19.
Chính phủ Jordan quan ngại lệnh phong tỏa hoàn toàn sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào viện trợ này. Dự báo, kinh tế Jordan sẽ giảm 6% trong năm nay và đây là mức giảm đầu tiên trong vòng 10 năm qua.
Hiện Jordan đã ghi nhận tổng cộng 11.816 ca mắc COVID-19 với 61 ca tử vong. Từng là một trong số các quốc gia có số bệnh nhân COVID-19 thấp nhất tại Trung Đông trong những tháng đầu tiên dịch bệnh bùng phát, song Jordan chứng kiến tình trạng gia tăng số ca mắc mới trong tháng 9. Giới chức Jordan quan ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
Cùng ngày 30/9, Thủ tướng Algeria Abdelaziz Djerad đã thông qua một loạt biện pháp nhằm quản lý cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến đại dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Algeria nêu rõ, với sự chấp thuận của Tổng thống Abdelmadjid Tebboune và sau khi tham vấn Ủy ban Khoa học giám sát sự tiến triển đại dịch COVID-19 và Cơ quan y tế Algeria, Thủ tướng Abdelaziz Djerad đã thông qua một loạt biện pháp như dỡ bỏ phong tỏa một phần đối với 10 tỉnh thành có tình hình dịch bệnh cải thiện đáng kể, gồm Bouira, Tebessa, Médéa, Illizi, Boumerdes, El Tarf, Tindouf, Tipaza, Ain Defla và Relizane; gia hạn thêm 30 ngày (kể từ ngày 1/10) đối với lệnh phong tỏa một phần – từ 23h00 hôm trước đến 6h hôm sau – tại 11 tỉnh thành gồm Bejaia, Blida, Tlemcen, Tizi-Ouzou, Algiers, Jijel, Annaba, Oran, Batna, Sétif và Constantine; dỡ bỏ biện pháp cấm các phương tiện giao thông đô thị công cộng và tư nhân trong những ngày cuối tuần; duy trì các biện pháp cấm trên toàn lãnh thổ đối với mọi hình thức tụ tập đông người và nhóm gia đình, đặc biệt là tổ chức cưới hỏi và các sự kiện.
Tình hình dịch bệnh ở Algeria trong những ngày gần đây đã ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực, tuy nhiên chính quyền nước này khuyến cáo người dân không nên mất cảnh giác và phải tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các biện pháp phòng chống dịch.
Theo thống kê từ Ủy ban Khoa học giám sát diễn biến đại dịch COVID-19 của Algeria, tính đến chiều 30/9 nước này đã ghi nhận tổng cộng 51.530 ca mắc COVID-19 với 1.736 ca tử vong, trong đó ghi nhận thêm 162 ca mắc mới và 8 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Hiện Algeria xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất do COVID-19, sau Nam Phi, Maroc, Ai Cập, Ethiopia và Nigeria.
https://baotintuc.vn/the-gioi/an-do-tiep-tuc-dinh-chi-cac-chuyen-bay-thuong-mai-20201001104924616.htm
Ý kiến ()