Thứ Hai, 20/01/2025 18:19 (GMT +7)

Anh thảo luận lần đầu với các nhà đàm phán chủ chốt EU về Brexit

Thứ 5, 27/04/2017 | 17:36:00 [GMT +7] A  A

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 26/4 đã tổ chức các cuộc thảo luận đầu tiên với giới đàm phán chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề Anh rời khỏi EU (Brexit), ngay trước thềm một cuộc họp thượng đỉnh của EU dự kiến diễn ra ngày 29/4 tới để vạch ra các “giới hạn đỏ”.

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Phố Downing, bà May đã có cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude-Juncker và trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier kể từ khi bà khởi động tiến trình đám phán kéo dài 2 năm đưa Anh rời khỏi “mái nhà chung”.

Cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh EU đã bày tỏ lập trường cứng rắn hơn về chiến lược đàm phán với Anh, theo đó đưa ra các yêu cầu mới về dịch vụ tài chính, nhập cư và các khoản chi phí Anh phải thanh toán trước khi kết thúc tư cách thành viên kéo dài 44 năm trong EU.

Người phát ngôn của Thủ tướng May cho biết cuộc gặp đã thảo luận về việc “xây dựng mối quan hệ đặc biệt và có chiều sâu trong tương lai”. Quan chức này cũng cho rằng bà May sẽ tận dụng cơ hội này để tái khẳng định những mong muốn của mình liên quan tới việc bảo đảm các quyền lợi của công dân EU sinh sống tại Anh và nhận lại những cam kết tương tự từ EU.

Trước đó, ngày 24/4, nhà đàm phán Michel Barnier và các nhà ngoại giao EU đã thống nhất về kế hoạch đàm phán sơ bộ mới nhất, hứa hẹn sẽ có các cuộc đàm phán khó khăn dự kiến kéo dài nhiều tháng với London sau khi EU cam kết không để Anh có được một thỏa thuận tốt hơn khi đã “dứt áo ra đi”.

Theo tài liệu trên, 27 nước thành viên khác của EU sẽ tìm cách buộc Anh tuân thủ nghĩa vụ thanh toán các khoản chi phí bồi thường cho EU ít nhất là trong 1 năm sau khi nước này rời đi vào năm 2019 – dài hơn so với đề xuất trước đó. Ngoài ra, EU cũng sẽ yêu cầu Anh cung cấp cơ chế cư trú lâu dài cho công dân EU đối với những người đã có khoảng thời gian cư trú 5 năm tại nước này, vốn đang được coi là một thách thức đối với Chính phủ bảo thủ của bà May đang kiên quyết theo đuổi chính sách giới hạn nhập cư.

Bản kế hoạch đàm phán của EU cũng khuyến nghị ngành công nghiệp tài chính có ảnh hưởng của Anh không còn phải ràng buộc với bất kỳ thỏa thuận thương mại tương lai nào với EU, theo đó buộc phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của khối này nếu muốn dễ dàng tiếp cận các thị trường của EU.

Về phần mình, bà May vẫn giữ vững lập trường sớm đưa Anh ra khỏi thị trường chung EU để chấm dứt tình trạng công dân EU di cư tự do vào nước này, song lại khẳng định mong muốn thiết lập một quan hệ đối tác mới với EU.

Trong khi đó, phát biểu tại London trong ngày 26/4, Bộ trưởng Anh phụ trách Brexit David Davis thừa nhận Anh và EU sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn sắp tới, theo đó gợi ý cùng thỏa hiệp là điều cần thiết cho cả hai bên. Ông Davis cũng bày tỏ lạc quan cho rằng Anh có những lí do để tin tưởng tiến trình đàm phán sẽ thành công.

Bất chấp các cuộc thảo luận liên tiếp diễn ra gần đây giữa người đứng đầu nước Anh và các nhà đàm phán EU, giới phân tích chính trị cho rằng Anh khó có thể giành được những lợi thế trong đàm phán với EU về Brexit.

Dự kiến, lãnh đạo 27 nước thành viên EU khác sẽ nhóm họp vào ngày 29/4 tới để đặt ra các “giới hạn đỏ” của khối này trong đàm phán Brexit, mặc dù các cuộc đàm phán phải đến tháng 6 tới mới được khởi động.

Trong một diễn biến liên quan tới vấn đề Brexit, Ngân hàng Deutsch Bank của Đức cùng ngày cảnh báo 4.000 nhân viên tại các chi nhánh ở Anh có thể mất việc làm hoặc phải chuyển sang các chi nhánh thuộc EU do hậu quả của việc Anh rút khỏi khối này. Phát biểu tại hội nghị ngân hàng Frankfurt, Giám đốc điều hành của Deutsch Bank, ông Sylvie Matherat cho biết chuyển nhân viên là việc làm cần thiết để đối phó với các tác động của Brexit.

Deutsch Bank là ngân hàng lớn nhất của Đức và chi nhánh tại Anh có tới 9.000 nhân viên, trong đó có 7.000 nhân viên làm việc tại London.

TTXVN/Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu