Thứ Tư, 15/01/2025 12:52 (GMT +7)

Ba trụ cột trong cấu trúc an ninh mới của châu Á

Thứ 3, 12/10/2021 | 16:20:00 [GMT +7] A  A

ASEAN, QUAD và AUKUS là ba trụ cột gánh vác an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới. ASEAN đóng vai trò xây dựng chuẩn mực. QUAD tháo gỡ vấn đề, còn AUKUS ngăn chặn xung đột quân sự.

Tiến sĩ Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình an ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Viện Hudson đánh giá đây chính là cấu trúc an ninh mới của châu Á.

Cụ thể, theo ông Cronin, các cuộc họp thường niên của những lãnh đạo, bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là nền tảng của hợp tác và ngoại giao toàn diện.

Quốc kỳ các nước tham dự hội nghị ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok tháng 11/2019. Ảnh: AFP

Đối thoại Bộ Tứ (QUAD) không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia thúc đẩy vận hành chuỗi cung ứng các mặt hàng công thiết yếu, trong đó có vaccine ngừa COVID-19, đồng thời duy trì trật tự dựa trên quy tắc ở phạm vi rộng lớn hơn.

Hiệp ước Australia – Anh – Mỹ (AUKUS) hứa hẹn đem đến công nghệ phòng thủ tiên tiến cần thiết để duy trì sự cân bằng sức mạnh quân sự cho khu vực.

Củng cố các thể chế ASEAN

ASEAN là tổ chức lớn nhất trong ba câu trúc trên và sức mạnh của khối này bắt nguồn từ cam kết đoàn kết của 10 nước thành viên. Sự khác biệt giữa Indonesia, Singapore, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar đòi hỏi sự kiên nhẫn ở mức độ cao để tìm ra tiếng nói chung. Ưu tiên hàng đầu của ASEAN chính là giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng chủ quyền và tôn trọng pháp quyền, củng cố các chuẩn mực khu vực.

Trong thời đại cạnh tranh quyền lực đang trỗi dậy, ASEAN cố gắng ngăn chặn chủ nghĩa siêu dân tộc, thúc đẩy trao đổi thương mại và thiết lập quạn hệ chung sống hòa bình ở châu Á. Tuy nhiên, mục tiêu chuyển đối thoại thành hành động của khối không phải lúc nào cũng dễ dàng có được. Điều các nước ASEAN có thể chấp nhận được là không phải đương đầu với các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên biển.

Các quốc gia hòa bình ở Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Đông đã phải chịu đựng một chiến dịch gây áp lực dồn dập trên biển của Trung Quốc: máy bay vận tải quân sự hạng nặng Y-20 tập trận ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam cùng với việc lực lượng tuần duyên, lực lượng dân quân biển xâm phạm và giám sát hoạt động của tàu thuyền trong các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

Tiến sĩ Patrick Cronin cho rằng Trung Quốc có thể sớm sử dụng hạm đội gồm các thiết bị không người lái nhằm kiểm soát các khu vực thuộc phạm vi “đường lưỡi bò 9 đoạn”, tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông cùng các cấu trúc đảo mà các nước láng giềng đã khẳng định chủ quyền.

Ngược lại, hoạt động tự do hàng hải của Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, trong đó có cả phán quyết của Tòa Trọng tài Liên hợp quốc (ICC) năm 2016 đối với một số tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro từng lập luận: “Không quốc gia nào có quyền yêu sách các vùng biển quốc tế lâu đời là của riêng họ”.

Và nếu ASEAN chưa có khả năng chống lại sự áp bức trên biển của Bắc Kinh và các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ không đủ tính răn đe, thì ASEAN cần có thêm sự giúp đỡ.

Mức độ hợp tác của hai cơ chế QUAD và AUKUS tạo ra sự thay đổi lớn trong lịch sử an ninh khu vực. Mặc dù cả hai cơ chế này chưa thể ngay lập tức giải quyết vấn đề ở Biển Đông, nhưng đều thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực.

Bộ Tứ

QUAD, viết tắt của Đối thoại Tứ giác An ninh, là một cơ chế an ninh quan trọng nhất đang nổi lên tại châu Á. Đối thoại giữa bốn nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia thảo luận về biện pháp để ngăn chặn Trung Quốc thống trị khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Mặc dù mới đang ở thời kỳ phôi thai và ra tuyên bố ít liên quan đến Trung Quốc song QUAD là một cột mốc quan trọng trong cấu trúc an ninh khu vực. “Bộ tứ kim cương” không chỉ củng cố các thể chế ASEAN đã được thiết lập, mà còn biểu trưng cho tiềm năng phát triển các quy tắc và giải pháp chung trong khu vực, đồng thời thúc đẩy sự kết hợp của các quan hệ đối tác an ninh nhỏ bên cạnh như AUKUS.

Tàu của hải quân Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ tham gia cuộc tập trận Malabar 2015 ngày 18/10/2015. Ảnh: AFP/TTXVN

Chiến lược và chức năng hành động của QUAD không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào mà thiên về các nguyên tắc chung. Mục đính kép của QUAD là duy trì trật tự dựa trên luật lệ tự do và đưa ra các giải pháp cho những thách thức toàn cầu cấp bách.

Tính đối ngẫu của việc quan tâm đến các quy tắc và khắc phục sự cố đã thiết lập cho QUAD một chương trình nghị sự mang tính nhân văn mà các chính phủ khác cũng có thể đóng góp. Như các nhà lãnh đạo Bộ Tứ đã khẳng định trong tuyên bố chung ngày 24/9, mục tiêu của họ là thúc đẩy trật tự tự do, cởi mở, dựa trên luật lệ, căn cứ theo luật pháp quốc tế và không bị ép buộc, để củng cố an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương và hơn thế nữa.

Phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây đã nhấn mạnh cách tiếp cận này. Ông nói: “Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, khẳng định Mỹ quyết tâm không chuyển từ cạnh tranh có trách nhiệm sang xung đột. Sử dụng Bộ Tứ để nâng cao các nguyên tắc chung cũng như tìm ra giải pháp cho những thách thức cấp bách, chẳng hạn như đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, là một cách khôn ngoan để xây dựng hòa bình lâu dài.

Gần đây, các nhà lãnh đạo Bộ Tứ đã đưa ra những biện pháp đáp ứng hàng loạt thách thức cấp bách. Họ đang trên đà cung cấp 1,2 tỷ liều vaccine COVID-19 trên toàn cầu, một phần bằng cách mở rộng năng lực sản xuất tại công ty Biological E của Ấn Độ.

Tương tự, việc tạo ra mạng lưới cảng Los Angeles – Mumbai – Sydney – Yokohama để tạo ra sự đổi mới trên các hành lang vận chuyển không phát thải khí nhà kính, là một cách hữu hình để chống lại biến đổi khí hậu. QUAD cũng đạt được tiến bộ trong công nghệ mới nổi, không gian mạng và không gian.

Bốn nhà lãnh đạo đã công bố kế hoạch thành lập các Nhóm liên lạc tiêu chuẩn kỹ thuật, Sáng kiến chuỗi cung ứng chất bán dẫn và Nhóm điều phối cơ sở hạ tầng. Họ cũng đã công bố thành lập một nhóm không gian mạng cao cấp để thiết lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đáng tin cậy. Xa hơn, họ thành lập một nhóm làm việc về không gian, tập trung vào việc chia sẻ dữ liệu vệ tinh cho các mục đích hòa bình.

Và chương trình QUAD Fellowship sẽ đưa 100 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm tại bốn quốc gia thành viên tham gia các chương trình khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (Stem) trong hệ thống trường đại học Mỹ. Mạng lưới nhân sự này sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác công nghệ chiến lược mà lợi ích của nó sẽ lan tỏa khắp khu vực.

Từ sức khỏe, khí hậu đến viễn thông và không gian vũ trụ, khoa học và công nghệ tuân theo các tiêu chuẩn của QUAD, cũng như giải quyết vấn đề theo định hướng hành động của cơ chế này. Khả năng lãnh đạo đối với các công nghệ quan trọng và mới nổi quyết định liệu một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở sẽ tiến lên phía trước và thích ứng, hay sẽ phát triển thành một trật tự khu vực khép kín và đầy tính cưỡng ép.

AUKUS thúc đẩy thành lập các liên minh nhỏ

QUAD là một cấu trúc thiên về mặt an ninh, cung cấp sức mạnh cho các liên minh và nhóm liên kết nhỏ, đảm bảo quyền tự chủ chiến lược cũng như khả năng tương tác.

Nền tảng trên dẫn tới việc hình thành AUKUS, một biện pháp dàn xếp phòng thủ “tiểu đa phương” (minilateral) mới tham vọng nhất. Mỹ và Anh sẽ giúp Australia đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN), đồng thời cung cấp cơ sở hạ tầng và hỗ trợ đào tạo họ.

Không ít quốc gia phản đối việc Mỹ chuyển giao công nghệ động cơ hạt nhân nhạy cảm cho Australia. Tuy nhiên, các quan chức ở Canberra, Washington và London vẫn mường tượng về một cam kết sâu rộng nhằm đảm bảo sự cân bằng quyền lực thuận lợi để tăng cường khả năng răn đe quân sự.

Bằng cách tham gia cùng với Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ với tư cách là thành viên câu lạc bộ SSN, Australia sẽ có được tiềm lực trên biển mà tàu ngầm thông thường không thể mang lại.

SSN có thể bảo vệ lãnh thổ Austrlia tốt hơn, đồng thời đóng góp vào liên minh các quốc gia có cùng chí hướng, đảm bảo an ninh trọng điểm trên toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mặc dù hiệp ước AUKUS đột ngột xuất hiện, nhưng tham vọng của Australia để có được một hạm đội tàu ngầm mạnh hơn đã ẩn giấu từ lâu.

Nếu các báo cáo rằng Nga và Trung Quốc đang hợp tác xây dựng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ tiếp theo cho các phương tiện hải quân là chính xác, thì quyết định trang bị tàu ngầm hoạt động “thật êm, thật sâu” của Hải quân Hoàng gia Australia là điều dễ hiểu.

AUKUS không chỉ là một giải pháp công nghệ để xây dựng các SSN mà còn là một biện pháp bố trí phòng thủ linh hoạt để đối phó với các chương trình hiện đại hóa quân sự vượt trội của Trung Quốc. Các liên kết an ninh mạng cùng thỏa thuận hợp tác của nó cũng ít cứng nhắc hơn so với những liên minh chính thức.

Chủ nghĩa đa phương không theo thể thức tập trung vào các vấn đề cụ thể có thể lấp đầy các lỗ hổng trong những khuôn khổ an ninh hạn chế của châu Á. Việc đưa Australia tham gia vào cuộc tập trận thường niên Malabar giữa Ấn Độ – Mỹ – Nhật Bản được tổ chức vào tháng 8, không làm giảm đi thực tế rằng cuộc tập trận hải quân này diễn ra bên ngoài khuôn khổ QUAD.

Thực chất là hợp tác quốc phòng tiên tiến này trở nên dễ dàng hơn ở cấp độ song phương hoặc ba bên. Trên thực tế, hoạt động quốc phòng chung Mỹ – Ấn tiên tiến nhất, trong đó chia sẻ thông tin và hợp tác phát triển các phương tiện bay phóng từ trên không, đang diễn ra giữa hai nước.

Các nước Đông Nam Á và các nước trong khu vực có vai trò quan trọng trong việc giúp duy trì sự cân bằng quyền lực cùng cam kết mạnh mẽ đối với các nguyên tắc chung và luật pháp. Một số nhóm hợp tác nhỏ hơn có thể củng cố các thể chế của ASEAN, thúc đẩy họ thoát khỏi tình trạng tê liệt, đồng thời hỗ trợ cho nhiệm vụ lớn hơn nhằm xây dựng một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

QUAD và sự ra đời của AUKUS thể hiện đồng thời tính liên tục và sự thay đổi trong trật tự khu vực. Các cấu trúc đa phương này là biểu tượng cho cấu trúc an ninh mới của châu Á, trong đó các nhóm nhỏ tăng cường cả quan hệ song phương lẫn các thể chế đa phương tập trung vào ASEAN.

Nhưng mối quan hệ ngày càng dày đặc giữa Bộ Tứ cùng với thỏa thuận quốc phòng AUKUS cho thấy các chính phủ đang thích ứng để duy trì hòa bình và an ninh trong bối cảnh an ninh đang thay đổi.
ASEAN, QUAD và chủ nghĩa AUKUS đều có thể góp phần thúc đẩy mục tiêu chung là một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng, tự do hàng hải và độc lập.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Straits Times)
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ba-tru-cot-trong-cau-truc-an-ninh-moi-cua-chau-a-20211011163831548.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu