Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 17/01/2025 04:59 (GMT +7)
Bao giờ nông sản hết… ế?
Thứ 6, 30/06/2017 | 11:38:00 [GMT +7] A A
Từ đầu năm 2017 đến nay, có lẽ “giải cứu”, “nông sản ế”… là những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trên các mặt báo cũng như vấn đề được tranh luận gay gắt ở kỳ họp Quốc hội vừa qua.
Vấn đề làm thế nào để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, không còn chờ “giải cứu” đã trở thành đề tài nóng nhất hiện nay.
Tháo gỡ vòng luẩn quẩn từ đâu?
Tại vựa sản xuất nông nghiệp lớn nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian gần đây, việc khuyến khích người dân trồng cây này, nuôi con nọ chủ yếu là do thương lái Trung Quốc sang tung tin. Thương lái Trung Quốc thường xuống tận nơi thu mua sản phẩm, đẩy nhu cầu lên cao bằng việc tăng giá mua mà không có ký kết hợp đồng ràng buộc.
Về phía chính quyền địa phương thì luôn mong muốn sản phẩm của nông dân sản xuất có đầu ra nên họ ít “nhúng tay” vào việc này. Và khi người nông dân đổ xô vào trồng, nuôi quá nhiều, thương lái Trung Quốc lại “bày trò” không tiêu thụ hết, ép giá xuống dưới giá thành. Vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn từ cây trồng này sang vật nuôi khác và cuối cùng nông dân chịu thiệt thòi.
Thu hoạch dưa hấu ở xã Tam Phước, huyện Phú Ninh. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN |
Khi một nông sản đang rơi vào tình trạng dư thừa, rớt giá trầm trọng thì người nông dân thường “đổ lỗi” cho cơ quan quản lý nhà nước, vì không định hướng thị trường, để người dân tự “bơi” là chính.
Còn chính quyền địa phương sở tại hay đơn vị quản lý nhà nước liên quan lại “viện cớ” rằng, dù biết trước nhưng không thể can thiệp vào lợi ích của dân, nhất là khi giá đang tăng, thu nhập tốt.
Ai cũng có lý của mình và kết quả là xuất hiện những chiến dịch giải cứu trên phạm vi cả nước, nào là “dưa hấu nghĩa tình”, “chuối nghĩa tình”, “khoai lang nghĩa tình”, giờ là “heo nghĩa tình”…
Gắn bó lâu năm với nông nghiệp, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, điểm mấu chốt khiến nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam rơi vào hiện trạng này là do tình trạng sản xuất phần lớn mang tính cá thể và manh mún. Người nông dân lại có thói quen “hùa” theo đám đông, thấy ai làm có thu nhập tốt thì bắt chước mà ít không suy nghĩ đến vấn đề cung – cầu thị trường. Trong khi đó, khâu dự báo, định hướng thông tin thị trường hầu như bị phía cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội ngành hàng “bỏ quên” hoặc có nhưng rất ít khi.
Để phá vỡ vòng luẩn quẩn triền miên này, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, chính bản thân người nông dân phải được thực tế này để thay đổi tư duy sản xuất. Họ phải đoàn kết lại với nhau thông qua việc tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác ở địa phương để tiếp cận với thông tin thị trường, quy trình canh tác tiên tiến.
Đồng thời, phải khuyến khích những doanh nghiệp có tâm, có tầm, xông xáo, nắm bắt nhu cầu thị trường tham gia vào chuỗi sản xuất. Những doanh nghiệp này vừa đóng vai trò là người mua, vừa hợp đồng sản xuất với nông dân thông qua các hợp tác xã để đưa quy trình sản xuất theo tiểu chuẩn VietGap hay GlobalGap cho nông dân. Từ đó, nông sản làm ra sẽ có chất lượng cao, đảm bảo yêu cầu của thị trường và hơn hết là có nơi tiêu thụ ổn định.
Thiếu đầu ra, giá cả phụ thuộc vào thương lái khiến xoài Cam Lâm (Khánh Hòa) rơi vào cảnh được mùa, mất giá. Trong ảnh: Phân loại xoài Úc tại một vựa xoài ở huyện Cam Lâm. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN |
Tiến sĩ Võ Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cũng cho rằng, việc giải cứu nông sản bền vững phải có giải pháp tổng thể bắt đầu từ nhà nước, phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến khâu sản xuất thì mới giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản.
Đồng thời, phải tổ chức rộng rãi hình thức kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, bởi chỉ có dựa trên mô hình hợp tác xã thì mới giải quyết được bài toán sản xuất manh mún, mới có thể đưa công nghệ sản xuất hiện đại, tổ chức liên kết với doanh nghiệp dễ dàng.
Đẩy doanh nghiệp lên làm “đầu tàu”
Còn nhớ vào đầu năm 2017, nhiều nông dân Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh… “đứng ngồi không yên” khi giá chuối cấy mô sụt giảm thấp, chuối chín rục trong vườn nhưng không có nơi tiêu thụ.
Trong khi đó, tại trang trại trồng chuối ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An của Công ty TNHH Huy Long An mọi hoạt động vẫn sôi động như bình thường. Sản phẩm chuối FOHLA của công ty này được bán trong các siêu thị trong nước hay xuất khẩu vẫn duy trì trên dưới 20.000 đồng/kg, trong khi người dân bán chỉ vài ngàn đồng cũng không có ai mua.
Để làm được điều này, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết, bản thân ông đã phải tự đi tìm hiểu thị trường, phối hợp với các chuyên gia để nghiên cứu thời gian, mật độ canh tác cũng như những đòi hỏi về an toàn thực phẩm.
Đáng chú ý, công ty này đã mời đối tác Nhật Bản sang thăm trang trại, kiểm tra chất lượng, mức độ an toàn sản phẩm trước khi ký kết hợp đồng. Chính nhờ điều này mà FOHLA là sản phẩm chuối đầu tiên của Việt Nam được vào hệ thống siêu thị Don Kihote, Daiei, Aeon ở Nhật Bản từ tháng 4/2016, không chỉ ở Tokyo mà còn nhiều các tỉnh khác.
Không chỉ riêng ông Huy, một số doanh nghiệp ngoài ngành đang có ý định lấn sân sang nông nghiệp cũng bắt đầu từ thị trường.Đơn cử như trường hợp của công ty Minh Hưng – một doanh nghiệp công nghiệp chuyên sản xuất nhựa, dệt may, ông Lâm Đạo Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Minh Hưng cho biết, trước khi có bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp đã mất hơn 5 năm để đi nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác, tìm hiểu cách thức tiếp cận thị trường, sản xuất… Việc có đầu ra là một chuyện, sản phẩm có đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường mới là điều quan trọng.
“Mục tiêu của chúng tôi không phải trở thành một doanh nghiệp trồng trọt lớn mà sẽ đầu tư xây dựng các cánh đồng mẫu sản xuất theo quy trình canh tác đạt chuẩn quốc tế. Từ đó, tập hợp nông dân, hợp tác xã cùng sản xuất theo quy trình canh tác của doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm”, ông Hưng nói.
Nhìn lại những mô hình sản xuất nông nghiệp còn “đứng vững” trên thị trường hiện nay, hầu hết đều có bóng dáng của các doanh nghiệp và sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân.
Việc làm thế nào để những doanh nghiệp có tâm, có tầm tham gia đầu tư vào nông nghiệp được xem là yếu tố căn cơ nhất để giải quyết tình trạng nông sản ế. Chỉ khi lực lượng này đủ mạnh mới có thể “kéo” ngành ra khỏi những bất cập liên quan đến yếu tố sản xuất manh mún và những vấn đề liên quan đến thị trường như hiện nay.
Mặc dù ngay từ khi tiếp nhận vị trí của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia nhiều hội nghị quan trọng của ngành nông nghiệp, đồng thời luôn nhấn mạnh vai trò đầu tàu của doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Chính phủ và Nhà nước cần có những giải pháp, hành động cụ thể hơn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là liên quan đến chính sách tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền, ưu đãi khi đầu tư vào nông nghiệp, cơ sở hạ tầng…
Ý kiến ()