Thứ Tư, 15/01/2025 20:36 (GMT +7)

Bảo tồn và phát triển cây dược liệu vùng Tây Nguyên

Thứ 5, 07/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Chuẩn bị cho mùa trồng cây dược liệu năm 2016, Trạm dược liệu xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã ươm được trên 200.000 cây giống các loại như sâm Ngọc Linh, ngũ vị tử, quế, ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, sa nhân… để cung cấp cho nhân dân trong huyện và các huyện lân cận. Anh Nguyễn Đình Trái, Cán bộ kỹ thuật Trạm dược liệu Trà Linh cho biết, số lượng 200.000 cây giống các loại được gieo ươm tại Trạm dược liệu Trà Linh chưa đáp ứng được nhu cầu bởi số hộ đồng bào các dân tộc trong huyện tham gia mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng ngày càng tăng.

Không chỉ cung cấp cây giống cho bà con trong huyện, thời gian qua, Trạm dược liệu Trà Linh còn cung cấp cây giống cho đồng bào ở các địa phương lân cận như Bắc Trà My, Nam Giang, Tây Giang… Với quy mô hiện tại thì Trạm dược liệu Trà Linh chưa đáp ứng được nhu cầu của bà con. Anh Trái cho biết thêm, thực tế cho thấy, các loại cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, ngũ vị tử, quế, ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, sa nhân, hoàng đắng… đều thích nghi tốt với môi trường, điều kiện đất đai, khí hậu của các huyện miền núi và phù hợp với trình độ chăm sóc của đồng bào. Vì vậy, Trạm dược liệu Trà Linh cần được đầu tư mở rộng quy mô sản xuất thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu của đồng bào các huyện trong tỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung tâm Sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đỗ Trưởng- TTXVN

Ông Hồ Văn Thuấn, Chủ tịch UBND xã Trà Linh, huyện Nam Trà My cho biết: Trong hai năm 2014 và 2015, xã Trà Linh có 50 hộ đồng bào đăng ký thoát nghèo đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện hỗ trợ cây dược liệu giống để trồng trên diện tích 6 ha dưới tán rừng. Qua hai năm, tất cả các loại cây dược liệu được 50 hộ này trồng dưới tán rừng đều phát triển tốt. Mô hình trồng cây dược liệu được bà con tích cực hưởng ứng. Mong muốn của bà con là được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn nữa cây dược liệu giống để trồng dưới tán lá rừng nhằm tạo sinh kế bền vững và hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy.

Là một trong những địa phương có thế mạnh về tài nguyên rừng của tỉnh Quảng Nam, ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, để giảm nghèo bền vững cho đồng bào, bên cạnh các chương trình, mục tiêu cụ thể, huyện Tây Giang xác định trồng cây dược liệu là hướng xóa nghèo bền vững cho đồng bào. Cây dược liệu rất phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương và tập quán canh tác của đồng bào. Huyện đã và đang chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường hỗ trợ bà con trồng cây dược liệu theo hộ gia đình và theo nhóm hộ gia đình, huyện sẽ hỗ trợ bà con về cây giống và kỹ thuật.
Tỉnh Quảng Nam đã xây dựng Đề án khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015 – 2020. Đề án cũng đặt ra mục tiêu quy hoạch bảo tồn và phát triển các loài cây như ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, sa nhân, đương quy với tổng diện tích gần 7.000 ha; xây dựng mô hình đầu tư, bảo tồn và phát triển cho từng loài cây từ khâu sản xuất giống đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu thực hiện Đề án tại các huyện như Nam Trà My, Tây Giang, Bắc Trà My đã trồng được trên 1.000 ha cây dược liệu các loại dưới tán rừng.
Quảng Nam hiện có hơn 700.000 ha đất lâm nghiệp; điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của đất lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam được đánh giá là phù hợp với các loại cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, ngũ vị tử, quế, ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, sa nhân, hoàng đắng, đương quy, đinh lăng… Với việc hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật cho đồng bào cộng với Đề án khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015 – 2020 đang được các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện và được đông đảo hộ đồng bào tích cực hưởng ứng, mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng được kỳ vọng sẽ là mô hình giảm nghèo bền vững và thân thiện với môi trường tại Quảng Nam.
Đoàn Hữu Trung- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu