Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 15/01/2025 17:11 (GMT +7)
Bảo vệ vùng trồng cây ăn quả đặc sản trước hạn, mặn
Thứ 5, 24/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Trước diễn biến thiên tai hết sức phức tạp, tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương triển khai các giải pháp khẩn cấp ứng cứu, bảo vệ 77.000 ha vườn cây ăn trái tại các huyện phía Tây nằm về thượng lưu sông Tiền Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước.
Tại huyện Cai Lậy, nơi có trên 7.500 ha vườn chuyên canh sầu riêng chất lượng cao và hàng nghìn héc ta cây vú sữa Lò Rèn, cây ăn quả có múi và các cây trồng có giá trị khác trong ngày 8/3 vừa qua, mặn từ hướng sông Hàm Luông phía Bến Tre và sông Tiền từ hướng Mỹ Tho đã lấn sâu tấn công các xã ven sông phía Nam huyện Cai Lậy gồm Ngũ Hiệp, Tam Bình, Mỹ Long, Long Tiên và Long Trung. Độ mặn đo được có lúc lên đến 1,07 phần nghìn khiến chính quyền và người dân lo lắng bởi nơi đây chưa có hệ thống đê bao và công trình phòng chống hạn mặn, thiên tai hoàn chỉnh như vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh.
Nông dân Tiền Giang dùng máy bơm chống hạn. Ảnh: Trần Việt – TTXVN |
Trước tình hình trên, Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang thường xuyên theo dõi, quan trắc, cập nhật độ mặn trên sông để kịp thời thông báo cho các địa phương và nhân dân trong vùng có giải pháp ứng phó thích hợp. Đối với những vùng trọng điểm, có nguy cơ cao, triển khai ngay kế hoạch đắp đập, ngăn mặn bảo vệ sản xuất kết hợp với tổ chức ra quân làm thủy lợi nội đồng, khai thông dòng chảy, dọn cỏ rác và lục bình để đưa nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.
Anh Lê Văn Lý, cán bộ Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang cho biết, hơn 10 ngày qua, tổ của anh trực liên tục theo dõi độ mặn 2 giờ/lần tại 4 điểm: Bến đò Tam Bình (sông Tiền), kênh Cây Cồng, kênh Hai Tân, cầu Tam Bình và cầu Cả Sơn để cập nhật thông tin. Từ đó làm cơ sở đưa ra những khuyến cáo cụ thể cho bà con vùng chuyên canh tại các xã Tam Bình, Long Tiên đối phó kịp thời tình trạng xâm nhập mặn, không để ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Đáng mừng là qua các phương tiện thông tin đại chúng, nông dân đã tiếp cận, cập nhật tình hình xâm nhập mặn và tích cực đối phó theo khuyến cáo.
Ngay trong buổi sáng 23/3, có rất đông nhà vườn đem mẫu nước vườn nhà đến trụ sở UBND xã Tam Bình nhờ cán bộ Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang đo theo dõi độ mặn. Nông dân Nguyễn Văn Bồn, cư ngụ tại ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình canh tác 4.000 m2 sầu riêng đem mẫu nước đến đo và cho biết, kết quả đo độ mặn còn 0,02 phần nghìn, giảm 0,03 phần nghìn so với ngày 15/3 vừa qua.
Anh Lê Văn Lý cho biết, kết quả quan trắc, trong 4 ngày qua độ mặn có chiều hướng giảm. Ngày hôm qua, đo quan trắc lúc 7 giờ sáng, độ mặn tại bến đò Tam Bình (sông Tiền) đã giảm xuống mức 0 phần nghìn. Trên kênh Cây Cồng còn 0,01 phần nghìn, kênh Hai Tân còn 0,01 phần nghìn, đoạn sông qua cầu Tam Bình còn 0,01 phần nghìn và đoạn qua cầu Cả Sơn còn 0,02 phần nghìn. Tuy nhiên, trong những ngày tới vào đợt triều cường và nếu gió chướng thổi mạnh thì e rằng độ mặn tăng cao đe dọa nội đồng.
Ông Nguyễn Tấn Nhũ, Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cho hay, xã có trên 1.600 ha vườn cây ăn quả; trong đó 85% là vườn trồng chuyên canh sầu riêng. Trước tình hình xâm nhập mặn diễn biến nhanh, phức tạp, địa phương đã đắp 8 đập lớn ngăn mặn trên các con kênh trục chính, 24 cống có khẩu độ từ 1,5 – 2 m, 200 đập nhỏ khẩu độ dưới 1 m. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông cũng tăng cường các giải pháp khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện khó khăn hiện thời, khuyến cáo bà con sử dụng tiết kiệm nước tưới, giữ vệ sinh nguồn nước, triển khai nhanh các biện pháp đối phó thích hợp theo hướng dẫn khi xâm nhập mặn trong vùng diễn biến phức tạp.
Bà Trần Thị Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy cho biết, trước mắt, địa phương đã đầu tư trên 4 tỷ đồng triển khai các công trình phòng chống xâm nhập mặn, bảo vệ vườn cây ăn quả chuyên canh; trong đó có đắp 41 cống ngăn mặn, nạo vét 6 tuyến kênh nội đồng phục vụ tưới tiêu. Nhờ vậy, đến nay huyện cơ bản bảo vệ được vùng trồng cây ăn quả chuyên canh. Thiên tai xâm nhập mặn chưa gây ra những thiệt hại đáng kể.
Ý kiến ()