Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 27/01/2025 12:17 (GMT +7)
Bầu cử Hạ viện Séc: Liệu sao có đổi ngôi?
Thứ 6, 20/10/2017 | 16:41:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Thăm dò dư luận trước bầu cử ở Cộng hòa Séc ngày 20-21/10 cho thấy sự nổi lên của các đảng dân túy và sự thất thế của các chính đảng truyền thống.
Cũng giống như các cuộc bầu cử mới đây ở Đức và Áo, một số đảng có tư tưởng tự do, cực hữu có khả năng giành ghế tại Quốc hội.
Cuộc bầu cử Hạ viện và Chính phủ mới lần này thu hút sự tham gia của hơn 30 đảng phái khác nhau, nhưng thực chất đó là sự tranh đua giành ghế trong Hạ viện của 8 đảng, trong đó có Phong trào ANO, Dân chủ xã hội (CSSD), Đảng Cộng sản Séc-Morava (KSCM) hay Dân chủ công dân (ODS). Nổi bật hơn cả là Phong trào ANO dân túy theo đuổi đường lối trung hữu của nhà tỉ phú Andrej Babis, người đã phải rời ghế Bộ trưởng Tài Chính hồi tháng 5 vừa qua do cáo buộc hoạt động tài chính không lành mạnh tại công ty của ông.
Cán cân quyền lực thay đổi
Được thành lập vào năm 2011, và chỉ đúng hai năm sau, trong cuộc bầu cử Hạ viện, ANO đã gây ngạc nhiên chính trường Séc khi đạt số phiếu ủng hộ cao thứ hai, chính thức bước chân vào Hạ viện và chính phủ liên minh cầm quyền của Thủ tướng Bohuslav Sobotka. Cam kết chống tham nhũng mạnh mẽ của nhà tỉ phú lớn thứ hai của Séc dường như nhận được sự ủng hộ lớn của những cử tri cấp tiến muốn có sự thay đổi lúc bấy giờ.
Cuộc bầu cử lần này cũng không phải là ngoại lệ. Ngoài cam kết chống tham nhũng, ông Babis đánh trúng tâm lý số đông cử tri Séc hoài nghi châu Âu khi tuyên bố không muốn gia nhập khu vực đồng tiền chung của khối (Eurozone) hay chống người nhập cư.
Dù người đứng đầu Phong trào dính líu vào các vụ bê bối tài chính gần đây, tỉ lệ ủng hộ đối với ANO, theo các cuộc thăm dò dư luận, vẫn rất cao, thậm chí bằng hoặc cao hơn cả hai đối thủ về vị trí thứ hai và thứ ba là Đảng Dân chủ xã hội và Đảng Cộng sản Séc-Morava cộng lại.
Trong khi đó, Đảng Dân chủ xã hội, đảng lớn nhất tại Hạ viện hiện nay và vốn được Liên minh châu Âu ủng hộ, đã mất vị thế dẫn đầu một thời gian dài của mình ngay trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương cuối năm ngoái.
Đặc biệt, uy tín của đảng giảm sút nghiêm trọng sau cuộc khủng hoảng chính trị hồi tháng 5 vừa qua, và với cách giải quyết bị dư luận chỉ trích của mình, thủ tướng Bohuslav Sobotka đã phải rút lui khỏi chức vụ chủ tịch đảng. Theo các cuộc thăm dò dư luận, tỉ lệ ủng hộ Đảng Dân chủ xã hội ở mức 10,5 – 13,5% cho thấy đang có sự đảo chiều trong cán cân quyền lực tại Séc.
Lo ngại xu hướng dân túy
Xu thế trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại châu Âu như đã từng diễn ra ở Hà Lan, Pháp, Đức và mới nhất là Áo cũng đang có ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tại Séc. Ngoài Phong trào ANO, một số đảng nhỏ theo tư tưởng dân túy hoặc cực hữu đang nổi lên và có khả năng giành ghế tại Hạ viện.
Cũng phần lớn nhờ lập trường công khai chống lại người nhập cư, chống chủ nghĩa Hồi giáo và chống EU mà Đảng Tự do và Dân chủ trực tiếp (SPD) vốn có quan hệ với Mặt Trân dân tộc của ứng cử viên Marine Le Pen tại Pháp nhận được sự ủng hộ của một bộ phận cử tri Séc. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỉ lệ ủng hộ đảng SDP của doanh nhân gốc Nhật Bản Tomio Okamura tăng lên mức gần 10%, quá đủ để cho đảng này bước chân vào Hạ viện.
Tương tự, Đảng Cướp biển (Pirate) – một chi nhánh của phong trào cướp biển quốc tế chủ trương ủng hộ quyền dân sự, dân chủ trực tiếp và cải cách – bất ngờ dành được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới trẻ Séc một tuần trước ngày bầu cử. Với kêu gọi loại bỏ cách tính thuế điện tử (EET) gây tranh cãi, minh bạch hóa hoạt động chính phủ và muốn bầu cử theo hình thức điện tử, tỉ lệ ủng hộ Pirate tăng lên 8,5% – 9,5%, dọn đường cho đảng có ghế tại Hạ viện.
Đối chọi với EU?
Với tỉ lệ ủng hộ đứng đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, Phong trào ANO được dự đoán sẽ dành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này, và thủ lĩnh đảng, ông Andrej Babis – người được mệnh danh là một “Donald Trump” của Séc – sẽ là ứng cử viên sáng giá cho chức vụ Thủ tướng. Tuy nhiên, việc thành lập liên minh cầm quyền chắc chắn sẽ không dễ dàng sau những bê bối gần đây của ông Babis.
Hầu hết các đảng đối thủ đều loại bỏ khả năng sẽ hợp tác với Phong trào ANO để thành lập liên minh cầm quyền một khi ông Babis còn là thủ lĩnh của phong trào.
Họ không muốn bắt tay với một người đang trong giai đoạn bị cảnh sát khởi tố và điều tra với cáo buộc gian lận tiền hỗ trợ đầu tư của Liên minh châu Âu, cũng như các vụ bê bối khác. Họ cũng lo ngại một người thâu tóm quyền lực chính trị, kinh tế và truyền thông như Babis sẽ là một mối đe dọa to lớn đối với nền dân chủ non trẻ của quốc gia Trung Âu này.
Nếu Phong trào ANO không thể dàn xếp thành lập được chính phủ mới, cơ hội sẽ mở ra cho các đảng khác, nhưng chắc chắn nhà tỉ phú số hai của Séc không muốn bỏ lỡ thời cơ.
Ông Babis từng nói rằng ông sẽ không để ai khác có quyền lãnh đạo nếu Phong trào ANO giành chiến thắng, và bản thân Phong trào ANO cũng không có ứng cử viên nào sáng giá hơn vào chức vụ Thủ tướng. Ngoài ra ông còn nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Milos Zeman – người tuyên bố sẽ đề cử ông vào chức vụ người đứng đầu chính phủ nếu Phong trào ANO giành thắng lợi.
Chắc chắn Phong trào ANO, nếu giành thắng lợi, sẽ phải thỏa hiệp phân chia quyền lực trong chính phủ liên minh cầm quyền với các đảng khác. Chưa biết liên minh mới sẽ ra sao, nhưng sự trỗi dậy của phe dân túy trong Hạ viện phản ánh thực trạng chung của nền chính trị châu Âu hiện nay và là một tin không vui đối với Liên minh châu Âu trong việc duy trì sự gắn kết chính trị toàn khối./.
Hữu Bình/VOV-Praha
Ý kiến ()