VOV.VN – Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ diễn ra vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp (23/4/2017), nhưng cuộc chạy đua vẫn diễn biến rất phức tạp.
Tình hình và thế tương quan hiện nay giữa các đối thủ chính như sau:
|
Ông Francois Fillon. Ảnh: AFP |
Francois Fillon
Điểm nhấn của cuộc đua là số phận thăng trầm của ứng cử viên cánh hữu Francois Fillon, thuộc đảng Những người Cộng hòa (LR).
Sau khi loại 2 đối thủ sừng sỏ Nicolas Sarkozy và Alain Juppé tại cuộc bầu cử sơ bộ của cánh hữu, ông Francois Fillon được coi là người có triển vọng nhất giành ghế Tổng thống trong bối cảnh cánh tả đang khủng hoảng, phái cực hữu chưa xóa đi được ấn tượng xấu về một đảng bảo thủ và phân biệt chủng tộc, bài ngoại.
Tuy nhiên, vụ “Penelopgate” bỗng đặt ông Francois Fillon vào tình thế hết sức khó khăn. Bị tố cáo tạo việc làm ảo cho vợ con, thu nhập bất hợp pháp gần 1 triệu euro khi còn là nghị sỹ, ông chịu sự ngờ vực của dư luận và sẽ bị các thẩm phán triệu tập vào 15/3 tới và có khả năng sẽ bị khởi tố.
Uy tín của ông trong các cuộc thăm dò giảm sút mạnh. Từ vị trí dẫn đầu trong số các ứng cử viên, ông bị tụt xuống hàng thứ 3, sau ứng cử viên đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) Marine Le Pen và ứng cử viên tự do của phong tào “Tiến bước” Emmanuel Macron. Hiện chỉ có 1/4 cử tri Pháp muốn ông Francois Fillon tiếp tục cuộc đua vào ghế Tổng thống Pháp còn trong nội bộ đảng LR, con số ủng hộ ông Fillon giảm xuống còn 53% so với 67% ở cuộc thăm dò trước đây. Có đến 83% số người được hỏi cho rằng Francois Fillon có ít khả năng thắng cử.
Nhiều chính trị gia hàng đầu rời khỏi đội ngũ ủng hộ ông, điển hình là Thierry Solère, phát ngôn viên, hay Bruno Le Maire, phụ trách các vấn đề quốc tế và châu Âu của Fillon.
Mặc dù vậy, ông Fillon vẫn kiên quyết theo đuổi cuộc đua. Để tập hợp sự ủng hộ, chiều 5/3, ông đã kêu gọi và phát biểu trước một cuộc mitinh lớn (trên 40.000 người) tại quảng trường Trocadero-Paris.
Trong bối cảnh đó, phương án B (thay thế Francois Fillon bằng một đại diện khác trong đảng) được nhiều người trong nội bộ đảng LR nêu lên. Tuy nhiên, việc lựa chọn đã gặp khó khăn. Khuôn mặt nổi bật nhất là ông Alain Juppé.
Qua điều tra dư luận, nếu thay thế Francois Fillon, ông Alain Juppé sẽ dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ, vượt lên trên Marine Le Pen và Emmanuel Macron. Nhưng trong một tuyên bố công khai chiều 6/3, Alain Juppé đã không chấp thuận là người thay thế. Đây là sự tái khẳng định tuyên bố của ông trước đó ít lâu, khi phương án B mới được nêu lên.
Nguyên nhân không được nói rõ, nhưng theo giới quan sát, là người đã thua trong cuộc bầu sơ bộ, ông Alain Juppé không muốn là người tận dụng sự thất thế của ông Francois Fillon. Thêm nữa, là người thận trọng, Alain Juppé thấy thời gian trước mắt còn quá ít để đứng ra thực hiện cuộc vận động, trong khi đó bản thân Francois Fillon vẫn không chịu bỏ cuộc.
Sau tuyên bố của Alain Juppé (đồng nghĩa với việc LR không ra được phương án B), tình hình của Francois Fillon được cải thiện hơn. Chiều 6/3, Ủy ban chính trị của LR đã tái khẳng định sự thống nhất ủng hộ đại diện Francois Fillon.
Mặc dù gặp khó khăn, ông Francois Fillon vẫn đang giữ một số ưu thế: Ông có lượng cử tri ủng hộ ổn định khi chính thức được gần 4 triệu cử tri cánh hữu và trung dung lựa chọn thông qua cuộc bầu cử sơ bộ. Ngoài ra, trong số các ứng cử viên, Francois Fillon hiện người duy nhất đã giành đủ 500 phiếu bảo trợ theo luật định để tranh cử Tổng thống. Emmanuel Macron của “Tiến Bước” mới được gần 500 phiếu, Benoit Hamon của PS đạt 334 phiếu, Marine Le Pen của FN, mới chỉ có hơn 100 phiếu. Hạn chót để các ứng cử viên thu thập đủ 500 phiếu bảo trợ là 18h ngày 17/3.
Bà Marine Le Pen. Ảnh: AFP |
Marine Le Pen
Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy, ứng cử viên của đảng cực hữu FN Marine Le Pen vẫn duy trì được tỷ lệ ủng hộ ổn định (26 – 28% số phiếu). Đặc biệt, bà luôn đạt trên 40% số phiếu ủng hộ của tầng lớp công nhân.
Bà Marine Le Pen đạt được chỉ số tín nhiệm như vậy trong hoàn cảnh cũng vướng vào một sự cố gần giống với vụ “Penelopgate” khi bà bị cáo buộc chi sai 300 ngàn Euro trong việc sử dụng trợ lý, không phải vì công việc của Nghị viện châu Âu mà phục vụ cho đảng FN của bà.
Tỷ lệ ủng hộ ấy cho thấy, với khẩu hiệu “nước Pháp trước tiên”, những mục tiêu và chương trình hành động của FN đã đi vào những vấn đề lớn của xã hội Pháp, tác động đến tâm lý bộ phận không nhỏ dân chúng đang bức xúc trước cuộc khủng hoảng nhập cư, các cuộc khủng bố Hồi giáo cực đoan, tình hình kinh tế khó khăn và nạn thất nghiệp, truyền thống và bản sắc dân tộc bị đe dọa trước sự thâm nhập của văn hóa ngoại lai… Điều này cũng phản ánh sự phát triển chung của các đảng cánh hữu và trào lưu dân túy ở châu Âu dưới sự tác động của sự kiện Anh tách khỏi EU (Brexit) và việc Donal Trump lên làm Tổng thống Mỹ.
Với tỷ lệ ủng hộ ấy, khả năng bước vào vòng hai là rất lớn. Vấn đề còn lại là ai sẽ là đối thủ của bà và liệu bà có vượt qua ranh giới bấy lâu nay để giành chiến thắng chung cuộc? Ranh giới ấy là ấn tượng xấu của dân chúng Pháp với chính sách bảo thủ cực đoan và phân biệt chủng tộc, tôn giáo của FN, cho dù điều đó đã được xoa dịu gần đây. Tiếp đó, nước Pháp dường như chưa dễ chấp nhận một phụ nữ lên làm Tổng thống.
Ông Emmanuel Macron. Ảnh: AFP
Bị đẩy xuống hàng thứ ba về tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận tuần trước, ứng cử viên tự do của phong trào “Tiến bước” Emmanuel Macron đã khẩn trương khắc phục những “khiếm khuyết” của mình, khôi phục vị thế.
Do bị phê phán là thiếu một chương trình hành động cụ thể, ngày 2/3 Emmanuel Macron đã công bố chương trình tranh cử với sáu nội dung chính: cải cách trường học, thị trường lao động, hiện đại hóa nền kinh tế, vấn đề an ninh, chiến lược quốc tế và nâng cao đạo đức trong đời sống chính trị..
Giảm chi tiêu công 60 tỷ Euro, đề ra kế hoạch đầu tư công 50 tỷ Euro và hạ thuế bắt buộc 20 tỷ Euro…đó là những con số nổi bật trong dự án kinh tế cho nước Pháp được Emmanuel Macron cam kết thực hiện nếu ông đắc cử.
Emmanuel Macron cũng đang cố gắng tranh thủ liên minh. Bởi, với tư cánh ứng cử viên tự do, không thuộc cánh nào cả cùng sự trẻ trung, năng động, hứa hẹn những đổi mới là thế mạnh, nhưng cũng là điểm yếu của ông. Emmanuel Macron đang thiếu nguồn cử tri ủng hộ vững chắc và lực lượng các chính trị gia gạo cội.
Ngày 22/2, Chủ tịch Phong trào Dân chủ (MoDem), François Bayrou tuyên bố không ra tranh cử và đề nghị một liên minh với Emmanuel Macron nhằm làm lành mạnh hóa và đổi mới đời sống chính trị nước Pháp.
Đây là điều khá bất ngờ và là cơ hội lớn với Emmanuel Macron. François Bayrou từng là người thể hiện sự phản đối mạnh mẽ bộ luật kinh tế sửa đổi do Emmanuel Macron chủ trì khi còn là Bộ trưởng kinh tế, thường gọi là “Luật Macron”. Quyết định này cho thấy ông François Bayrou đã bỏ qua những bất đồng nhỏ liên minh với Emmanuel Macron vì lợi ích cao nhất của nước Pháp. Điều này chứng minh cho khả năng tập hợp nhiều lực lượng của Emmanuel Macron. Bản thân Emmanuel Macron thấy ở đề nghị này “một bước ngoặt trong chiến dịch tranh cử”.
Qua điều tra, 2/3 người Pháp tán thành liên minh Macron-Bayrou. 62% cho rằng ông François Bayrou đã có một quyết định đúng đắn khi liên minh với Emmanuel Macron. 50% số người được hỏi cho rằng sự ủng hộ của François Bayrou là một chỗ dựa quan trong trong chiến dịch tranh cử của Emmanuel Macron.
Cũng qua điều tra, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên của phong trào “Tiến bước” Emmanuel Macron tăng 3 điểm sau tuyên bố của François Bayrou, đạt 22,5%, đứng sau ứng của viên của đảng cực hữu FN Marine Le Pen, đạt 26,5%.
Điều đáng lưu ý là quyết định của François Bayrou dường như đang tạo hiệu ứng để một số đảng phái và phong trào khác liên minh với Emmanuel Macron.
Hiện nhiều chính trị gia cánh tả như Francois Patriat; Rchard Ferrand; Gérard Collomb; và mới đây là Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian tuyên bố ủng hộ Emmanuel Macron (chứ không phải ủng hộ ứng cử viên của PS Benoît Hamon như lẽ thường).
Benoît Hamon
Đánh bại cựu Thủ tướng Manuel Valls, nhân vật được xem là có triển vọng nhất trong cuộc lựa chọn ứng cử viên của đảng Xã Hội, với tỷ lệ 58,87% -41,13% phiếu bầu, cựu bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon, một nhân vật thiên tả, bất ngờ giành quyền đại diện ra tranh cử Tổng thống.
Nhưng theo các thăm dò dư luận, Benoît Hamon luôn ở hạng yếu, đứng sau Marine Le Pen (FN), François Fillon (LR), Emmanuel Macron (Tiến bước), chỉ ngang hàng với Jean-Luc Melanchon (cánh tả cấp tiến). Nhiều khả năng ông sẽ bị loại ngay từ vòng một cuộc bầu cử Tổng thống.
Tuy nhiên, Benoît Hamon là một bất ngờ sau bầu cử sơ bộ cánh tả và không loại trừ việc ông có thể gây nên những bất ngờ mới nếu biết tập hợp các lực lượng cánh tả. Ông đang tích cực tiến hành chiến dịch vận động. Mới đây ông được sự liên minh của Yannick Jadot thuộc đảng Môi trường Xanh châu Âu (EELV).
Theo điều tra, nhiều khả năng ứng cử viên Marine Le Pen của FN sẽ về nhất tại vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Và vòng hai sẽ là cuộc đối đầu giữa bà Marine Le Pen với François Fillon hoặc Emmanuel Macron.
Không vượt qua được ranh giới truyền thống, bà Marine Le Pen sẽ chịu thất bại với tỷ lệ 44% so với 56% số phiếu nếu gặp François Fillon và 41% so với 59% số phiếu nếu gặp Emmanuel Macron. Nhưng dù thế nào, thì đây cũng là điều trệch khỏi nếp thường trong các cuộc bầu cử Tổng thống Pháp là 2 đối thủ của cánh tả và cánh hữu gặp nhau ở vòng cuối. Và thật đặc biệt nếu lần đầu tiên, một nhân vật trung dung lên nắm quyền ở Pháp./.
Thái Dương/VOV-Paris
Ý kiến ()