Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 17/01/2025 12:55 (GMT +7)
Bê bối trứng ‘bẩn’ khiến nông dân Hà Lan thiệt hại nặng nề
Thứ 3, 15/08/2017 | 15:14:00 [GMT +7] A A
Bất chấp việc trứng không nhiễm fipronil đã được bày bán trở lại trong nhiều cửa hàng trên toàn quốc, người chăn nuôi tại Hà Lan vẫn đang chật vật đối phó với hậu quả của bê bối trứng “bẩn” đang diễn ra tại châu Âu.
Những khay trứng bày bán tại một siêu thị ở Lille, Pháp ngày 11/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Người phát ngôn của Hiệp hội nhà nông và làm vườn tại miền Nam Hà Lan (ZLTO), ông Mark de Jong cho biết, tính đến hiện tại, thiệt hại từ vụ bê bối trên ít nhất lên tới khoảng 150 triệu euro (tương đương 176 triệu USD). Ông de Jong cũng cho biết con số trên còn có thể cao hơn nữa, và phụ thuộc nhiều vào tốc độ các nhà chức trách xử lý cuộc khủng hoảng trứng “bẩn” này.
Bên cạnh đó, ông Rene Roorda, Giám đốc Hiệp hội các nhà bán lẻ Hà Lan (CBL) cho biết rằng các chuỗi siêu thị cũng đã chịu thiệt hại lên tới hàng chục triệu euro. 4.000 siêu thị đã đưa trứng bẩn ra khỏi kệ bán, trong khi hàng triệu quả trứng bị tiêu hủy. Ông Roorda khẳng định các nhà bán lẻ đang làm mọi việc để có thể khôi phục lòng tin của người tiêu dùng.
Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Áo ngày 14/8 thông báo đã phát hiện các sản phẩm có chứa trứng “bẩn” nhập khẩu từ Đức, Hà Lan, Bỉ và Ba Lan. Cụ thể, Cơ quan Y tế và An toàn thực phẩm quốc gia Áo (AGES) cho biết 18 trong tổng số 80 mẫu phân tích của các sản phẩm từ trứng, trong đó có sốt mayonnaise, có dấu vết của fipronil. Tuy nhiên, AGES nhấn mạnh lượng fipronil đo được trong những mẫu phẩm trên là không đáng kể và không đe dọa sức khỏe.
Kể từ khi vụ bê bối trứng nhiễm fipronil bị phanh phui hôm 1/8 vừa qua, hàng triệu quả trứng và các sản phẩm làm từ trứng đã đồng loạt bị rút khỏi kệ hàng tại các siêu thị châu Âu. Vụ việc trên được cho là bắt nguồn từ Hà Lan sau khi một công ty của nước này là Chickfriend sử dụng fipronil tại các trang trại gia cầm để diệt bọ đỏ ký sinh trên gà. Fipronil được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm thú y để diệt bọ chét, rận, bọ chó, nhưng bị Liên minh châu Âu (EU) cấm sử dụng cho các loại động vật chăn nuôi lấy thịt, như gà. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu sử dụng với số lượng lớn, loại hóa chất này có thể “gây nguy hiểm nhẹ” cho thận, gan và tuyến giáp.
Ý kiến ()