Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 18/01/2025 13:40 (GMT +7)
Bến Lức sản xuất lúa Hè thu: Nông dân đối mặt với nhiều khó khăn
Thứ 7, 07/05/2022 | 20:57:44 [GMT +7] A A
Vụ lúa Hè thu năm nay, nông dân huyện Bến Lức phải đối mặt với giá cả phân bón tăng mạnh, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao.
Canh tác 1,5hecta ruộng, thu hoạch vụ lúa Đông xuân được hơn 12 tấn lúa, bán với giá 5.500 đồng/kg, nhưng sau khi hạch toán lại hết các khoản chi phí đầu tư, ông Võ Văn Điều, ở xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, chỉ thu lợi nhuận hơn 15 triệu đồng, tương đương 1 triệu đồng/công. Theo ông Điều, năng suất và giá bán vụ lúa Đông xuân năm nay cũng tương đương năm rồi, nhưng do chi phí phân bón tăng cao nên thu nhập chỉ bằng phân nửa năm trước. Mới vừa xuống giống xong vụ Hè Thu năm nay mà ông Điều không giấu được sự lo lắng, bởi giá phân bón cứ tăng như hiện nay mà giá lúa vụ Hè thu tới đây không có chuyển biến thì một vụ mùa nữa sẽ không có lợi nhuận.
Ông Võ Văn Điều cho biết: “Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhiên liệu đều tăng nên hy vọng giá lúa tới đây có khởi sắc hơn để nông dân trồng lúa an tâm sản xuất. Chứ với tình hình như hiện nay thì nhiều nông dân không dám đầu tư, từ đó dẫn tới năng suất lúa sẽ thấp. Quá trình bón phân cho lúa cũng sẽ cân đối, chứ không dám mạnh tay như trước đây”.
Thời điểm này, trên khắp cánh đồng ở huyện Bến Lức, nông dân đều chịu chung áp lực phân bón đè nặng. So với thời điểm trước tết Nguyên đán 2022, giá phân bón hiện đã tăng từ 5-8%. Có loại biến động giá theo tuần, như kali liên tục tăng vọt. Theo bà con nông dân, một vụ lúa cần 3 đợt bón phân, mỗi đợt tương đương từ 10-15kg. Với giá phân bón hiện nay, tiền phân bón cho mỗi công lúa tăng hơn 500.000 đồng so với năm rồi. Để thích ứng, nhiều hộ đã tính toán tiết kiệm chi phí, chuyển sang sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ. Bởi giá thành mỗi bao phân hữu cơ loại 50kg có giá chỉ tầm 200.000-250.000 đồng, vừa rẻ vừa không làm hại cho đất về lâu dài.
Kỹ sư Nguyễn Văn Cơ, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Bến Lức cho biết thêm: “Vụ Hè thu năm 2022 nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn từ giá cả phân bón, vật tư nông nghiệp, nhiên liệu tăng mạnh. Chính vì thế ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng máy móc để giảm chi phí. Tăng cường ứng dụng các loại phân hữu cơ vào sản xuất để vừa giảm chi phí vừa cải tạo đất. Áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ứng dụng công nghệ sinh thái, ứng dụng chế phẩm nấm xanh trong phòng trừ rầy nâu… Ngoài ra, nông dân cần hạn chế phun thuốc trừ sâu, rầy đối với trà lúa dưới 40 ngày sau sạ để bảo tồn thiên địch, tránh bộc phát dịch hại ở giai đoạn sau. Bón phân cân đối giữa đạm - lân - kali, không bón thừa đạm nhất là trên các trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Trong điều kiện xảy ra xâm nhập mặn có thể sử dụng phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng giúp rễ lúa phát triển để hấp thu dinh dưỡng và nước,…”
Kế hoạch vụ lúa Hè thu năm nay huyện Bến Lức sẽ gieo sạ khoảng 4.700ha, tiến độ xuống giống hiện nay đạt hơn 80% kế hoạch, nông dân chủ yếu sử dụng một số giống chủ lực có khả năng chống chịu mặn như: OM 5451, OM 18, ST 24, ST 25, RVT, Đài thơm 8, nếp... Trước áp lực của dịch bệnh, giá vật tư, chi phí đầu vào ở mức cao, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Không thực hiện biện pháp phun ngừa khi sâu, rầy ở mật số thấp để tránh tình trạng sinh vật gây hại bộc phát trên đồng ruộng.../.
Việt Hằng – Lê Hạnh
Ý kiến ()