Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 14/01/2025 19:26 (GMT +7)
Biến chứng bệnh tim ở trẻ tiêm vaccine COVID-19: Rất hiếm, không đáng ngại
Thứ 3, 02/11/2021 | 16:01:00 [GMT +7] A A
Dữ liệu và kết quả nghiên cứu mới nhất tại Mỹ giúp trấn an các bậc phụ huynh. Bởi chứng viêm cơ tim sau tiêm vaccine ngừa COVID-19 là rất hiếm gặp và nếu có cũng chỉ ở thể nhẹ, tạm thời. Nguy cơ về bệnh tim do mắc COVID-19 ở trẻ nhỏ còn lớn hơn nguy cơ từ tiêm vaccine.
Nguy cơ viêm cơ tim sau tiêm vaccine nhỏ hơn nhiều so với nguy cơ tim bị tổn hại do nhiễm COVID-19 ở trẻ nhỏ. Ảnh: NYT
Giới chức y tế Mỹ đang rà soát, đánh giá dữ liệu về mối liên hệ giữa vaccine ngừa COVID-19 của Moderna với chứng viêm cơ tim hiếm gặp ở trẻ vị thành niên. Phản ứng phụ về viêm cơ tim cũng từng là nguyên nhân khiến giới chuyên gia y học, cơ quan quản lý y tế Mỹ cẩn trọng trong cấp phép sử dụng khẩn cấp với vaccine của Pfizer.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 29/10 đã phê duyệt tiêm vaccine Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi. Kế đến, giới cố vấn khoa học tại Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) trong ngày 2/11 (giờ địa phương) sẽ nhóm họp để đánh giá, rà soát dữ liệu trước khi ra quyết định về việc khuyến nghị tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em trong độ tuổi này hay không.
Câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay là: Tác dụng phụ viêm cơ tim thực sự ở mức nào? Các bậc cha mẹ có phải quan ngại về tiêm vaccine cho con em mình hay không?
Câu trả lời là “hoàn toàn không” – nhiều chuyên gia am tường về các nghiên cứu gần đây khẳng định. Vaccine của Pfizer và Moderna đúng là có làm tăng nguy cơ viêm cơ tim sau tiêm, nhưng nguy cơ này là rất nhỏ. Nếu xuất hiện phản ứng phụ về viêm cơ, thì đó đều là những ca thể nhẹ, trẻ em đều phục hồi nhanh chóng, khỏi bệnh sau đó.
“Nếu chỉ nhìn vào nguy cơ riêng lẻ, đúng là có lý do để lo ngại. Nhưng bản thân COVID-19 cũng là tác nhân hủy hoại tim vĩnh viễn. Về mặt số liệu, tác hại của COVID-19 đối với tim còn phổ biến hơn”, tiến sĩ Brian Feingold, chuyên gia về bệnh viêm cơ tim ở trẻ em tại Bệnh viện Trẻ em UPMC tại Pittsburgh, Mỹ nhận định.
Viêm cơ tim thường là hệ quả của lây nhiễm virus hay vi khuẩn. Bệnh thường gây ra các triệu chứng như tim đập nhanh, không đều, đau ngực, thở gấp. Trên toàn cầu, tỉ lệ người mắc viêm cơ tim dao động trong khoảng từ 10-20 trường hợp trên 100.000 dân. Nhưng nhiều người trong số này chỉ có triệu chứng nhẹ.
Tại Mỹ, kể từ khi COVID-19 xuất hiện đến nay đã có hàng chục nghìn trẻ em phải nhập viện, 657 trẻ tử vong. Nhiều trường hợp mắc bệnh gặp phải chứng COVID-19 kéo dài, ốm bệnh nhiều tháng sau khi không còn dương tính với SARS-CoV-2. Nguy cơ viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine là thực tế, nhưng “những con số nêu trên còn lớn hơn và đáng lo ngại hơn nhiều”, tiến sĩ Feingold nói.
Những nghiên cứu mới nhất cho thấy nguy cơ mắc viêm cơ tim sau tiêm biến động theo độ tuổi, giới tính và liều. Trong đó, nhóm nguy cơ cao nhất thuộc về nam giới trong độ tuổi từ 16-29 sau liều tiêm thứ hai của vaccine sử dụng công nghệ mRNA như Pfizer hay Moderna. Trong nhóm này, tỉ lệ cũng chỉ là 11 ca/100.000 người tiêm vaccine.
Đáng chú ý, nguy cơ gặp phải tác dụng phụ này giảm theo độ tuổi. Trường hợp trẻ từ 12-15 tuổi mắc viêm cơ tim là hãn hữu sau khi tiêm vaccine Pfizer – vaccine duy nhất hiện nay được cấp phép cho trẻ em ở độ tuổi này. Dữ liệu thống kê cho thấy các vấn đề về tim mạch đối với trẻ thường hiếm gặp hơn ở số nam giới lớn tuổi hươn – tiến sĩ Paul A. Offit, Giám đốc Trung tâm giáo dục vaccine tại Bệnh viện trẻ em Philadelphia nói.
Theo tiến sĩ James de Lemos, chuyên gia tim mạch tại Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Tây Nam Texas (Mỹ), viêm cơ tim liên quan đến vaccine ít phổ biến và ít nghiêm trọng hơn so với những gì quan sát được từ bệnh nhân mắc COVID-19. Tác dụng phụ này dường như cũng không kéo dài. Ngược lại, virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm cơ tim, hủy hoại thành mạch máu, làm tim và các bộ phận khác trong cơ thể gặp tổn thương dài hạn. Virus thậm chí còn khiến người bệnh phải ghép tạng hoặc đối diện với nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên, một số nước Bắc Âu – nơi vaccine Moderna đã được phê chuẩn cấp phép cho người lớn, đã tạm thời dừng việc tiêm chủng với loại vaccine này cho thanh niên dưới 30 tuổi. Quyết định được đưa ra dựa trên bằng chứng cho thấy nguy cơ viêm cơ tim sau tiêm vaccine Moderna cao hơn so với tiêm vaccine Pfizer.
Giới khoa học hiện đang tìm kiếm câu trả lời cho việc tại sao nguy cơ viêm cơ tim sau tiêm ở trẻ em nam lại cao hơn trẻ em nữ, cũng như việc biến chứng này là một dạng phản ứng phụ của các loại vaccine ngừa COVID-19, hay chỉ là loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA. Tập trung nghiên cứu chứng viêm cơ tim sau tiêm sẽ giúp tìm ra câu trả lời về những điều kiện phổ biến nhất.
https://baotintuc.vn/the-gioi/bien-chung-benh-tim-o-tre-tiem-vaccine-covid19-rat-hiem-khong-dang-ngai-20211102144657327.htm
Ý kiến ()