Thứ Năm, 16/01/2025 06:42 (GMT +7)

Biến thể Lambda chiếm số đông ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ Latinh

Thứ 6, 30/07/2021 | 10:24:00 [GMT +7] A  A

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 14/7 xếp hạng Lambda (C.37) là “biến thể đáng lo ngại” sau khi một số quốc gia ghi nhận ca nhiễm.

Tại Peru đã có trên Peru 2,1 triệu ca mắc COVID-19. Ảnh: AP

Kênh DW (Đức) cho biết biến thể Lambda được phát hiện lần đầu ở Peru vào tháng 8/2020 và hiện được ghi nhận xuất hiện ở 29 quốc gia với phần lớn là các nước Mỹ Latinh.

Tại Peru, biến thể Lambda của virus SARS-CoV-2 hiện là “thủ phạm” gây ra 80% ca mắc COVID-19 mới tính riêng trong tháng 6. Biến thể này đã lây lan nhanh chóng tại Chile, Argentina, Brazil, Colombia, Ecuador và Mexico.

Chuyên gia virus Jairo Mendez-Rico tại WHO chia sẻ với DW: “Cho đến nay chúng tôi chưa thấy dấu hiệu biến thể Lambda ngày càng hung hăng. Có khả năng biến thể này có tỷ lệ lây nhiễm cao nhưng chúng tôi chưa nắm đủ dữ liệu đáng tin cậy để so sánh nó với biến thể Delta hoặc Gamma”.

WHO đều xếp loại Alpha (B.1.1.7), Beta (B.1.351) Delta (B.1.617.2) và Gamma (P.1) vào nhóm “biến thể đáng lo ngại”.

Nhiều nhà khoa học cho rằng dịch COVID-19 sẽ không kết thúc cho đến khi ít nhất 80% dân số thế giới được tiêm phòng. Các biến thể như Lambda có thể tiếp tục xuất hiện cho đến khi điều đó được hiện thực hóa.

Nhà virus học Pablo Tsukayama tại Đại học Cayetano Heredia (Peru) đã theo dõi sự phát triển của biến thể Lambda trong nhiều tháng. Ông nhận thấy Lambda còn lây lan nhanh hơn cả những biến thể khác được WHO coi là nguy hiểm, vượt qua cả tốc độ của biến thể Gamma tại Brazil.

Ông Tsukayama cho biết: “Chúng ta có 200 ca nhiễm biến thể Lambda vào tháng 12. Nhưng đến cuối tháng 3, biến thể này chiếm một nửa tổng số mẫu được lấy ở Lima. Trong tháng 6, biến thể Lambda chiếm hơn 80% tổng số ca mắc trên toàn quốc. Lambda đã trở thành biến thể thống trị ở Peru trong khoảng thời gian rất ngắn”.

Bên cạnh đó, ông Tsukayama nhấn mạnh: “Với tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới, chúng ta là quốc gia chịu nhiều khó khăn nhất vì COVID-19”. Tính đến cuối tháng 7, số trường hợp tử vong vì COVID-19 tại Peru là trên 195.000 người.

Biến thể Lambda được phát hiện lần đầu ở Peru trong tháng 12/2020. Ảnh: Reuters

Mỹ Latinh với trên 1,4 triệu người tử vong vì COVID-19 có thể trở thành tâm biến thể mới của thế giới. Mỹ Latinh trở thành nơi phát triển của biến thể Lambda bắt nguồn từ sự kết hợp của hệ thống y tế quá tải, thiếu vaccine phòng COVID-19 và người dân không có nhiều cơ hội áp dụng biện pháp an toàn phòng dịch. Chỉ có hai trường hợp ngoại lệ là Chile và Uruguay nơi có trên 60% dân số đã được tiêm vaccine COVID-19.

Ông Tsukayama dự báo thêm: “Có khả năng biến thể mới sẽ xuất hiện trong làn sóng dịch COVID-19 thứ ba tại Nam Mỹ trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9.

Sau hội nghị vào đầu tháng 6 các nhà tài trợ sáng kiến phân phối công bằng vaccine COVID-19 toàn cầu có tên COVAX của WHO và Liên minh Toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI), khoảng 9,6 tỷ USD được dành cho chiến dịch tiêm chủng ở các nước nghèo.

Điều đó có nghĩa là khoảng 1,8 tỷ liều vaccine COVID-19 có thể được phân phối tới 90 quốc gia vào đầu năm tới. Điều đó sẽ không kết thúc cuộc khủng hoảng, nhưng là một sự khởi đầu. Có vẻ như thế giới đang dần nhận ra rằng đại dịch COVID-19 chỉ có thể bị đánh bại với nỗ lực toàn cầu.

Ông Tsukayama nêu bật: “Chiến lược đối với các nước giàu là phải nhanh chóng vận chuyển càng nhiều vaccine COVID-19 càng tốt đến các nước nghèo; nếu không, các biến thể mới sẽ tiếp tục xuất hiện”.

Hà Linh/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/the-gioi/bien-the-lambda-chiem-so-dong-ca-mac-moi-covid19-o-my-latinh-20210729162839784.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu