Những người biểu tình tình tuần hành đến trụ sở cơ quan Nhập cư và Hải quan thực thi của Mỹ giương cao những khẩu hiệu “người tỵ nạn được chào đón ở đây” hay “không có lệnh cấm, không có bức tường”.
Những người biểu tình cho biết: “Những chính sách này không có ý nghĩa cho nước Mỹ. Tôi tin rằng, mọi người nên có cơ hội ở đây và chúng ta không nên phân biệt tôn giáo và chủng tộc”.
“Lệnh cấm này sẽ làm cho chúng ta ít an toàn hơn bằng cách gieo những hạt giống của sự thù ghét và đây không phải là nước Mỹ. Và như vậy chúng ta cùng nhau đứng lên chống lại sự cố chấp”.
Chính quyền bang Niu Yoóc cũng đã tuyên bố tham gia vụ kiện sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân đến từ 7 quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi.
Tổng Chưởng lý bang New York Eric Schneiderman đã chỉ trích sắc lệnh này là “vi hiến và trái pháp luật”. Cụ thể, New York sẽ tham gia đơn kiện do Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ, Trung tâm Tư pháp đô thị và một số tổ chức khác khởi xướng.
Theo luật pháp Mỹ, các thẩm phán liên bang có quyền ngăn chặn sắc lệnh của Tổng thống, và Tòa án Tối cao có thể tuyên bố là “vi hiến” một luật do Quốc Hội thông qua và được tổng thống ban hành.
Các cuộc biểu tình còn diễn ra tại nhiều thành phố khác như Atlanta, Boston, Chicago, Los Angeles, Philadelphia…. Những người phản đối cho rằng lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump đã gây tổn thương cho các gia đình người tị nạn, những người vẫn luôn tin tưởng rằng họ có thể thoát khỏi cảnh tàn sát đẫm máu để tìm kiếm hy vọng mới trên đất Mỹ.
Nhưng trên hết, nó đã phá vỡ giá trị tự do và hình tượng của nước Mỹ trên thế giới. Khoảng 900 nhà ngoại giao Mỹ cũng cùng chung quan điểm này và đã cùng nhau ký vào một tài liệu để chính thức phản đối lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump.
Họ cho rằng điều này sẽ gây tổn hại tới đất nước, sẽ không làm Mỹ an toàn hơn mà ngược lại còn gửi thông điệp sai lầm tới thế giới Hồi giáo, làm xa lánh quan hệ với các nước đã hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Trong khi đó, bên ngoài phạm vi nước Mỹ, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc chỉ trích sắc lệnh di trú của ông Donald Trump. Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, các quốc gia có quyền, thậm chí có nghĩa vụ, phải quản lý một cách có trách nhiệm biên giới của họ để ngăn chặn sự xâm nhập của các phần tử khủng bố.
Nhưng điều này không thể được thực hiện dựa trên sự phân biệt về tôn giáo, sắc tộc hay quốc tịch vì như vậy đồng nghĩa với việc chống lại các nguyên tắc và giá trị cơ bản tạo nên xã hội .
Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, lệnh cấm này đã “châm ngòi cho những lo lắng và giận dữ lan rộng, từ đó có thể tạo điều kiện cho chiến dịch tuyên truyền của những tổ chức khủng bố mà tất cả chúng ta muốn tiêu diệt.
Trước đó, nhiều lãnh đạo thế giới cũng đã lên tiếng chỉ trích sắc lệnh của tân Tổng thống Mỹ như Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Francois Hollande hay Văn phòng Thủ tướng Anh Theresa May.
Sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump yêu cầu ngưng cho người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày, cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn và cấm công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somali, Sudan, Syria, và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày./.
Ý kiến ()