Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 11:57 (GMT +7)
Bốn nguyên nhân khiến Nam Phi chìm trong bạo lực, cướp bóc
Thứ 5, 15/07/2021 | 11:18:00 [GMT +7] A A
Biểu tình, cướp bóc nhiều ngày qua tại Nam Phi đã khiến trên 70 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương, nhiều cơ sở kinh doanh chịu thiệt hại. Đây là lần bất ổn tồi tệ nhất tại Nam Phi kể từ năm 1994.
Cựu Tổng thống Zuma bị cầm tù
Cảnh hỗn loạn vì cướp bóc tại Durban (Nam Phi) vào ngày 14/7. Ảnh: Reuters
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết bất ổn xảy ra sau khi cựu Tổng thống Jacob Zuma tự trình diện để thi hành bản án 15 tháng tù vì không tuân lệnh tòa án.
Những người ủng hộ cựu Tổng thống Zuma cho rằng ông là nạn nhân của cuộc thanh trừng chính trị. Họ đã đốt lốp xe, phong tỏa đường phố tại tỉnh KwaZulu-Natal, quê nhà của ông Zuma.
Người ủng hộ coi ông Zuma là một chính khách vì dân trong 9 năm lãnh đạo tính đến năm 2018. Một số người cho rằng động cơ cầm tù cựu Tổng thống Zuma là tấn công vào nhóm dân tộc lớn nhất Nam Phi là Zulu.
Tầng lớp trung lưu và giàu có tại Nam Phi lại ủng hộ ông Zuma rời bỏ ghế lãnh đạo bởi có nhiều nghi vấn về hối lộ và mua chuộc. Trong khi đó, ông vẫn có nhiều người ủng hộ trung thành tại KwaZulu-Natal và những khu vực nông thôn.
Chia rẽ về nhóm ủng hộ và phản đối ông Zuma thể hiện rõ trong đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc Phi (ANC), trong đó các nhân vật ủng hộ cựu Tổng thống Zuma bày tỏ thái độ phản đối người kế nhiệm ông là Tổng thống Cyril Ramaphosa.
Nghèo đói, bất bình đẳng
27 năm sau khi chế độ apartheid kết thúc, khó khăn vẫn tồn tại ở Nam Phi. Đây là nguyên nhân khiến hàng trăm cửa hàng và nhiều trung tâm thương mại bị cướp bóc.
Thống kê cho thấy một nửa trong tổng số 35 triệu người trưởng thành tại Nam Phi sống dưới mức nghèo đói, còn lớp trẻ chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng thất nghiệp.
Theo chỉ số Gini về mức độ bất bình đẳng thu nhập, Nam Phi là một trong những nơi có tình trạng bất bình đẳng cao nhất trên thế giới.
Đại dịch COVID-19
COVID-19 càng làm trầm trọng tình trạng đói nghèo ở Nam Phi. Trong 3 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp tại Nam Phi đạt mức kỷ lục trên 32%. Mặc dù chính phủ đã tăng cường ngân sách hỗ trợ giảm thiểu tác động của đại dịch nhưng hỗ trợ vẫn thấp so với nhiều quốc gia khác.
Yếu tố bạo lực
Theo cảnh sát, nhiều tội phạm đã lợi dụng tâm lý bất bình về việc cầm tù Tổng thống Zuma để cướp bóc và phá hoại. Đến nay, trên 1.200 người đã bị bắt giữ.
Vào ngày 13/7, cảnh sát Nam Phi đã trang bị vũ khí tuần tra đường phố Johannesburg. Bộ trưởng Cảnh sát Nam Phi Bheki Cele cam kết sẽ trấn áp bạo lực.
Tối 12/7, Tổng thống Cyril Ramaphosa kêu gọi bình tĩnh trên toàn quốc và tuyên bố sẽ triển khai binh sĩ đến những tỉnh chịu ảnh hưởng. Ông thừa nhận biểu tình và cướp bóc bắt nguồn từ bất bình chính trị nhưng cũng nói rằng tội phạm đã lợi dụng tình thế để hành động.
Nhà lãnh đạo này cũng cảnh báo biểu tình và cướp bóc tiếp diễn có thể làm suy yếu khả năng phản ứng xử lý chống dịch COVID-19 và ảnh hưởng tới chương trình tiêm vaccine.
https://baotintuc.vn/the-gioi/bon-nguyen-nhan-khien-nam-phi-chim-trong-bao-luc-cuop-boc-20210715084537124.htm
Ý kiến ()