Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 09:48 (GMT +7)
Buồn vui nghề trồng hoa, cây cảnh Giới Tế
Thứ 4, 28/12/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Nghề trồng hoa, cây cảnh thôn Giới Tế, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh hình thành phát triển hàng chục năm qua. Cùng với sự biến đổi của kinh tế thị trường, những người dân nơi đây có những hướng đi riêng giúp làng nghề vượt qua khó khăn, ngày càng phát triển.
Nhiều người dân chuyển nghề
Trước đây, người dân thôn Giới Tế chủ yếu làm nông nghiệp và sản xuất mành trong thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên, từ những năm 90 của thế kỷ XX, nhu cầu sử dụng mành trên thị trường giảm dần, nghề làm mành nơi đây bị mai một. Vì thế, người dân Giới Tế đã mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm nghề mới.
Cùng với sự định hướng, giúp đỡ của chính quyền xã Phú Lâm, từ năm 1994, người dân bắt đầu với nghề mới là trồng hoa, cây cảnh. Ban đầu, trong thôn có 20 gia đình làm, đến nay, thấy được hiệu quả từ nghề này mang lại, đã có hơn 200 hộ trồng hoa, cây cảnh, cây bóng mát, chiếm 1/3 số hộ trong thôn, tạo công việc cho hàng nghìn lao động địa phương và vùng khác.
Gia đình chị Đỗ Thị Mơ đã chuyển sang trồng lan hồ điệp. |
Là một trong những gia đình đầu tiên mạnh dạn trồng, buôn bán hoa, cây cảnh, năm 1995, gia đình bà Đỗ Thị Ngọc, thôn Giới Tế đã quy hoạch gần 200 m2 đất trồng cây cảnh. Đến năm 1999, gia đình bà mở rộng quy mô sản xuất với diện tích 7.000 m2 trồng nhiều loại cây như cây thế, cây lấy gỗ, cây hoa, cây cảnh văn phòng… Những cây thế gia đình bà thu lãi từ 5 đến 7 tỷ đồng.
Những năm gần đây, gia đình bà Ngọc còn cung cấp thêm các loại cây công trình lấy bóng mát. Hiện nay, bên cạnh tạo công ăn việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình, bà Ngọc còn tạo việc cho hàng chục lao động địa phương. Theo bà Ngọc, xu hướng Tết năm nay, người dân chủ yếu chơi hoa, cây cảnh văn phòng có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng. Hoặc những người có sở thích chơi cây cảnh thế chỉ những loại cây từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Khoảng 1 năm trở lại đây, những cây cảnh có giá trị lớn đang có phần khởi sắc. Dự báo thị trường các loại cây cảnh khác năm nay cũng tăng khoảng 20% giá so với năm trước.
Hỗ trợ người dân sản xuất
Cùng hướng đi với gia đình bà Ngọc, bà Đỗ Thị Mơ, thôn Giới Tế trước đây cũng chuyên trồng các loại cây bóng mát, và các loại cây cảnh khác. Từ năm 2008, nhận thấy trồng cây cảnh truyền thống không mang lại giá trị kinh tế cao, dưới sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, gia đình bà mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất gia đình sang trồng lan Hồ điệp và Địa lan. Đến nay, với diện tích hơn 2 sào trồng lan, mỗi năm đến Tết Nguyên đán, gia đình bà xuất, bán đi hơn 1 vạn cây, trừ chi phí gia đình bà thu lãi gần 200 triệu đồng/năm.
Nhà vườn gia đình chị Đỗ Thị Ngọc chăm sóc cây cảnh chuẩn bị cho dịp Tết. |
Tuy nhiên, để nghề trồng hoa, cây cảnh mang lại giá trị kinh tế cao, các nghệ nhân, chủ nhà vườn cần nhạy bén, nắm bắt sự biến đổi của nền kinh tế và thị hiếu của người dùng. Đặc biệt, trong thời kỳ phát triển khó khăn, những người dân nơi đây cần hơn nữa sự giúp đỡ của các cấp chính quyền để người dân có thể tự tháo “nút thắt” trong kinh doanh.
Theo anh Đỗ Khắc Bính, thôn Giới Tế, trước đây, gia đình anh đầu tư hơn 5 tỷ đồng mua hàng trăm phôi cây cảnh để chăm sóc, cắt tỉa, tạo thế bán cho khách. Với số vốn ban đầu đầu tư mỗi gốc vài trăm triệu đồng, sau 1 thời gian “làm đẹp” cho cây, gặp khách anh có thể bán với giá chênh lệch hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên những năm gần đây, kinh tế khó khăn, hàng chục gốc cây cảnh trị giá gần 6 tỷ đồng của gia đình anh đang phải xếp hàng trong vườn. Đến nay, gia đình anh vẫn đang phải chịu khoản nợ 2 tỷ đồng trong khi chưa có điều kiện bán cây trả nợ. Bên cạnh đó, quỹ đất để anh chuyển hướng sản xuất, kinh doanh các loại cây khác đã hết.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cho biết, nghề trồng hoa, cây cảnh, thôn Giới Tế là nghề mới xuất hiện ở địa phương nhưng mang lại giá trị kinh tế, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn người dân trong vùng. Với thu nhập bình quân đầu người trong thôn 40 triệu đồng/người/năm đã góp phần cải thiện cuộc sống người dân trong vùng vốn trước đây chủ yếu làm nông nghiệp.
Những năm gần đây, làng nghề đang gặp phải nhiều khó khăn do tác động của nền kinh tế chung. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp hỗ trợ người dân trong sản xuất, kinh doanh như: quy hoạch vùng chuyên sản xuất các loại cây; đầu tư xây dưng đường giao thông, trạm điện, kênh tưới tiêu nước… đặc biệt tạo điều kiện cho các hộ vay vốn tái cơ cấu cây trồng.
Ý kiến ()