Thứ Sáu, 24/01/2025 17:00 (GMT +7)

Các chuyên gia Đức nêu bật các hạn chế trong quản lý nguồn nước sông Mekong

Thứ 4, 03/06/2020 | 15:45:00 [GMT +7] A  A

Thời gian qua, thời tiết trở nên cực đoan hơn và “thiên tai” thường xuyên xảy ra ở Đông Nam Á, gây thiệt hại đáng kể về sinh thái, con người và kinh tế.

Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh có nhiều thay đổi lớn hơn về hệ thống sinh thái và xã hội khu vực. Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, các chuyên gia của Quỹ Khoa học và chính trị Đức (SWP) mới đây đã có bài nghiên cứu về vấn đề này.

Mực nước sông Mekong tại tỉnh Nakhon Phanom xuống mức thấp nhất trong gần 100 năm qua (Ảnh chụp tháng 7/2019). Ảnh: Ngọc Quang/Pv TTXVN tại Thái Lan

Theo các chuyên gia, sông Mekong chính là ví dụ điển hình cho những thách thức đối với sự ổn định quốc gia và khu vực liên quan đến biến đổi khí hậu. Sông Mekong chảy qua 6 quốc gia cung cấp nguồn lương thực cho hơn 65 triệu người ở vùng thấp hơn. Trong giai đoạn từ tháng 5-10/2019, lượng mưa giảm đáng kể, đặc biệt là ở vùng hạ lưu sông Mekong, đã gây ra một đợt hạn hán dai dẳng mà các chuyên gia dự báo sẽ dẫn đến thiệt hại mùa màng nghiêm trọng trong năm 2020, thậm chí thiệt hại lớn hơn so với năm 2016. Trước đó, một đợt hạn hán kéo dài do thiếu mưa đã ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn hécta và gây thiệt hại mùa màng tới hơn 380 triệu USD. Trong thời gian dài, tất cả những vấn đề này được xem chủ yếu là vấn đề môi trường.

Những ảnh hưởng của đợt hạn hán lịch sử hiện tại còn trở nên trầm trọng hơn do mực nước thấp của sông Mekong, vốn đã giảm trong nhiều năm. Năm 2019 và 2020, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long, mực nước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 100 năm trở lại đây. Dòng nước chảy vào đồng bằng ít hơn, cùng với mực nước biển dâng cao, dẫn đến tăng độ mặn của đất trồng trọt. Do đó, diện tích dành cho sản xuất nông nghiệp đang bị thu hẹp.

Trên thực tế, mực nước giảm không chỉ là kết quả của biến đổi khí hậu. Đây còn là hệ quả của gia tăng dân số và phát triển kinh tế ở khu vực sông Mekong khiến mức tiêu thụ nước trên các nhánh thứ cấp của sông Mekong tăng nhanh. Mặt khác, mực nước giảm là do một số lượng lớn các đập ở thượng nguồn.

Mực nước thấp đã tác động đến các khu vực sử dụng nông nghiệp, đặc biệt là các vùng trồng lúa. Trước thực trạng trên, các nhà nghiên cứu cho rằng việc quản lý nước xuyên quốc gia phải tính đến các quan điểm phát triển kinh tế, cũng như các hậu quả xã hội và sinh thái của sự phát triển này.

Thanh Bình (TTXVN)
https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-chuyen-gia-duc-neu-bat-cac-han-che-trong-quan-ly-nguon-nuoc-song-mekong-20200603140653458.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu