Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 28/01/2025 02:45 (GMT +7)
Các đại sứ Trung Quốc cứng rắn trước chỉ trích về cách xử lý dịch COVID-19
Thứ 5, 30/04/2020 | 14:03:00 [GMT +7] A A
Các đại sứ của Trung Quốc đang thể hiện thái độ cứng rắn khi nước này vấp phải hàng loạt chỉ trích về cách xử lý dịch COVID-19 ban đầu và thông tin về nguồn gốc dịch bệnh.
Người dân đeo khẩu trang tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Trong những tuần gần gây, chính phủ nhiều quốc gia đã triệu tập đại sứ Trung Quốc. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết thay vì áp dụng giao thức ngoại giao truyền thống trong xử lý căng thẳng, các đại sứ này đã bảo vệ hình ảnh theo cách riêng.
Tính riêng trong tuần trước, Pháp, Kazakhstan, Nigeria, Kenya, Uganda, Ghana và Liên minh châu Phi đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản ứng về cách đối xử không công bằng với công dân châu Phi tại thành phố Quảng Châu. Truyền thông châu Phi đã đăng hình ảnh cảnh sát Trung Quốc mạnh tay với công dân châu Phi, nhiều người phải ngủ trên đường hoặc bị khóa nhốt trong nhà do Bắc Kinh lo ngại làn sóng COVID-9 thứ hai.
Đức, Pháp, Anh, Canada, Australia đã đứng về phía Mỹ và yêu cầu Trung Quốc minh bạch hơn về những thiếu sót trong xử lý giai đoạn đầu dịch COVID-19, trong đó có nghi vấn Bắc Kinh che giấu thông tin.
Gần đây, Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin đã công khai chỉ trích tờ báo Đức Bild sau khi tờ báo này đăng nội dung yêu cầu Bắc Kinh phải bồi thường 160 tỷ USD vì đã làm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) lan đến các quốc gia khác.
Cùng thời điểm này, phái bộ ngoại giao Trung Quốc tại Australia và Canada cáo buộc các chính khách và truyền thông địa phương bắt chước Mỹ kêu gọi bồi thường và điều tra độc lập về dịch COVID-19.
Trước đó, các quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc tại Thụy Điển, Anh, Nhật Bản, Hà Lan, Singapore và Peru đã tranh cãi với truyền thông nước sở tại khi chỉ trích cách xử lý COVID-19 của Bắc Kinh.
Giám đốc Viện Trung Quốc SOAS tại Đại học London (Anh) – ông Steve Tsang – nhận thấy sự khác lạ trong phản ứng của Trung Quốc. Ông Steve Tsang nói: “Cách ngoại giao và tuyên truyền có phần công kích của Trung Quốc sẽ gây mất lòng các quốc gia khác. Những quốc gia đó sẽ xem xét lại chính sách đối với Trung Quốc sau khi dịch COVID-19 kết thúc”.
Phương thức ngoại giao này của Trung Quốc cũng trùng hợp với thời điểm nhiều lãnh đạo cấp cao cảnh báo rằng mối quan hệ xấu đi với Washington do chiến tranh thương mại, cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị, khiến Bắc Kinh đối mặt với thách thức chưa từng có tiền lệ.
Người dân đeo khẩu trang trong giờ cao điểm tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Bà Yun Sun tại Trung tâm Stimson (Mỹ) cho rằng những nhà ngoại giao mạnh mẽ, như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên, là bằng chứng cho thấy thay đổi chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Ông Triệu Lập Kiên từng gây tranh cãi về các nội dung đăng trên mạng xã hội Twitter. Trong tháng 3, ông này cáo buộc rằng Mỹ đã đưa virus SARS-CoV-2 vào lãnh thổ Trung Quốc. Động thái này đã làm phức tạp mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Bà Yun Sun nói: “Các nhà ngoại giao sẽ phản ánh và tuyên truyền điều họ coi là chủ trương của lãnh đạo quốc gia. Do vậy, lãnh đạo cao nhất sẽ không quyết định từng nước đi. Lãnh đạo lựa chọn chiến lược chung, còn các nhà ngoại giao có nhiệm vụ thực hiện theo”.
Nhưng phương pháp ngoại giao cứng rắn gần đây đã gây tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới. Theo khảo sát công bố ngày 21/4 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, gần 2/3 số người Mỹ được hỏi cho biết có cái nhìn không thiện cảm về Trung Quốc do khẩu chiến giữa hai quốc gia liên quan đến COVID-19.
Công ty tư vấn chiến lược Brunswick (Mỹ) trong tháng 4 đăng bài viết nhận định rằng ngay cả “những đối tượng ngưỡng mộ thành công của Trung Quốc trong vượt qua COVID-19 vẫn có ác cảm với Bắc Kinh liên quan đến dịch bệnh”.
Trong cuộc họp báo ngày 17/4 tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết Mỹ đang xem xét điều tra cáo buộc SARS-CoV-2 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Gần đây, nhà lãnh đạo Mỹ còn nói rằng Trung Quốc có thể phải đối mặt với hậu quả nếu thực sự kiểm chứng được nước này “chịu trách nhiệm về đại dịch”.
Ngày 21/4, Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng nhiều khả năng SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật chứ không phải xuất phát từ phòng thí nghiệm hoặc nơi nào đó. Theo cơ quan chức năng Vũ Hán, dịch COVID-19 bùng phát trong khoảng thời gian từ ngày 12/12 – 29/12, trong đó có nhiều bệnh nhân làm việc tại một chợ hải sản trong thành phố.
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cac-dai-su-trung-quoc-cung-ran-truoc-chi-trich-ve-cach-xu-ly-dich-covid19-20200427161352109.htm
Ý kiến ()