Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 07:47 (GMT +7)
Các nước EU đồng ý xúc tiến nhanh kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19
Thứ 7, 20/06/2020 | 19:08:00 [GMT +7] A A
Lãnh đạo các nước EU đã nhất trí cần phải có hành động nhanh chóng về kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19 cũng như về ngân sách dài hạn của EU.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (phía trên) và lãnh đạo các nước EU họp thượng đỉnh trực tuyến về kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19 ngày 19/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/6, lãnh đạo các nước EU chưa đạt được một thỏa thuận nhanh chóng về ngân sách dài hạn trong tương lai cùng kế hoạch phục hồi sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trị giá hàng tỷ euro trong bối cảnh nền kinh tế của “Lục địa Già” đang chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, lãnh đạo các nước EU đã nhất trí cần phải có hành động đáp ứng nhanh chóng mặc dù vẫn tồn tại nhiều bất đồng về kế hoạch phục hồi sau đại dịch cũng như về ngân sách dài hạn của EU. Do vậy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết ông sẽ lên kế hoạch triệu tập hội nghị thượng đỉnh trực tiếp của EU vào giữa tháng 7 tới.
Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 19/6 là bước đầu tiên của tiến trình thảo luận căng thẳng về các kế hoạch được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất liên quan tới ngân sách 2021-2027 của liên minh trị giá 1.100 tỷ euro và quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19 trị giá 750 tỷ euro. Gói ngân sách kể trên được dành cho chương trình kích thích khổng lồ với 1.850 tỷ euro cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Được thiết kế để giúp các quốc gia thành viên giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, quỹ phục hồi này chưa được nhất trí đón nhận và sẽ phải cần thêm thời gian để đạt được thỏa thuận, có thể là tại Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp của EU vào tháng 7 tới.
Kế hoạch của EC, vốn được Đức và Pháp ủng hộ, đề xuất quỹ phục hồi phải được tích hợp trong ngân sách của EU giai đoạn 2021-2027. Trong đó, 2/3 khoảng tiền quỹ, tức 500 tỷ euro – sẽ được chi qua hình thức tài trợ. Trong khi phần còn lại là các khoản vay dựa trên điều kiện mà các quốc gia có thể áp dụng. Tuy nhiên, các nước gồm Hà Lan, Đan Mạch, Áo và Thụy Điển, cho rằng các khoản viện trợ không thể được cấp cho các thành viên một cách dễ dàng và tiền quỹ sau này phải được hoàn trả.
Theo dự án của EC, các quốc gia nộp đơn đề nghị hỗ trợ sẽ phải phác thảo những mục tiêu tài chính và kế hoạch cải cách sẽ được thực hiện để đảm bảo nền kinh tế của họ thích ứng tốt hơn trong tương lai. Như vậy, Pháp và Đức cùng với các đồng minh của mình, cần thuyết phục các quốc gia phản đối việc tương tác nợ hoặc tăng ngân sách EU rằng các khoản tài trợ sẽ có lợi với cả khối.
Một chủ đề gây chia rẽ khác liên quan đến cách phân bổ tiền. EC đề xuất xây dựng phương thức phân bổ dựa trên các tiêu chí bao gồm quy mô dân số, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người và tỷ lệ thất nghiệp. Một quan chức ngoại giao cao cấp của EU cho biết trước thềm hội nghị rằng các tiêu chí như trên là quá hạn chế và cần được điều chỉnh để xác định được những thiệt hại thực sự của đại dịch COVID-19.
Về nguồn tài trợ cho kế hoạch, EC đề xuất vay tiền trên thị trường tài chính. EC với mức xếp hạng tín dụng AAA, sẽ khiến việc vay nợ có lợi hơn. Việc trả nợ sẽ không bắt đầu trước năm 2028, còn thời gian đáo hạn toàn bộ là sau 30 năm.
Để tạo điều kiện hoàn trả, một số quốc gia thành viên đang thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các nguồn tài trợ mới của EU, có thể dưới hình thức thuế đối với carbon hoặc nhựa sử dụng một lần. Các khoản thu như vậy sẽ làm cho ngân sách EU ít phụ thuộc vào đóng góp từ các quốc gia thành viên, những nước không muốn phải trả nhiều tiền hơn.
https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-nuoc-eu-dong-y-xuc-tien-nhanh-ke-hoach-phuc-hoi-sau-dai-dich-covid19-20200619230752872.htm
Ý kiến ()