Thứ Hai, 20/01/2025 00:54 (GMT +7)

Châu Âu, mùa buốt giá

Thứ 3, 12/01/2021 | 14:59:00 [GMT +7] A  A

Châu Âu đang trải qua một mùa Đông buốt giá hơn bình thường trong bối cảnh làn sóng COVID-19 hoành hành ở “Lục địa già” dường như vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.

Tuyết rơi dày dặc tại Milan, Italy, ngày 28/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca nhiễm mới và tử vong hằng ngày vẫn đang ở mức cao dù nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, đồng thời siết chặt các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là đối phó với biến thể mới của virus SARS-Cov-2 xuất hiện tại Anh. Chứng khoán châu Âu ngày 11/1 đã đồng loạt sụt giảm sau đợt tăng mạnh hồi tuần trước do các nhà đầu tư lo ngại số ca nhiễm mới gia tăng ở khắp châu lục này, cũng như tại Trung Quốc, có thể kìm hãm đà phục hồi kinh tế.

Làn sóng COVID-19 thứ nhất diễn ra ở châu Âu hồi đầu năm 2020 đã từng làm tê liệt hệ thống y tế của nhiều nước. Các nhân viên y tế phải làm việc quá sức chịu đựng. Nhiều bác sĩ và y tá mắc bệnh và tử vong. Lúc đó, hầu hết các nước châu Âu đã phải áp đặt những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Kết quả là tình hình đã được cải thiện vào mùa Hè năm 2020. Nhưng sự cải thiện này cũng chỉ là tạm thời.

Bước sang mùa Thu năm 2020, châu Âu bắt đầu hứng chịu một làn sóng dịch mới, tương tự làn sóng thứ nhất. Thậm chí tại một số nước, làn sóng thứ hai này diễn ra dữ dội hơn nhiều so với trước. Các bệnh viện ở châu Âu lại bị quá tải. Số lượng máy trợ thở vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Do số ca tử vong tăng mạnh, chính phủ nhiều nước châu Âu đã buộc phải áp đặt những biện pháp hạn chế mới, dù ít nghiêm ngặt hơn, với hy vọng có thể cứu vãn các nền kinh tế trong khi vẫn kiềm chế được dịch bệnh. Nhưng dường như cách làm này không có hiệu quả.

Một điểm tiêm chủng vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 27/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Vào tháng 12/2020, các đường cong dịch bệnh tăng mạnh trở lại ở châu Âu. Nhằm đối phó với sự lây lan của dịch bệnh, Thủ tướng Đức Angela Merkel lúc đó đã ra quyết định tái phong tỏa gần như cả nước. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong các đợt nghỉ lễ. Còn Thủ tướng Anh Boris Johnson thì quyết định phong tỏa London và hầu hết khu vực Đông Nam xứ England, đồng thời cấm các cuộc tụ tập đón mừng Giáng sinh bên ngoài các hộ gia đình. Trong khi đó, Nhà vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf cho rằng cách tiếp cận “không can thiệp” của nước này đã bị thất bại.

Giờ đây, bước sang năm 2021, khi các nước đang triển khai chiến dịch tiêm chủng cho người dân, hy vọng đang lóe lên về khả năng đại dịch sẽ sớm được khống chế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại, cho rằng tâm lý mệt mỏi lâu nay của người dân có thể dẫn đến sự liều lĩnh, bất chấp các quy định về giãn cách xã hội, khiến nguy cơ về một đợt bùng phát dịch bệnh mới đầu năm gia tăng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, trong những tuần gần đây, gánh nặng vốn đã khá lớn đối với hệ thống y tế tại 30 nước ở châu lục này càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện cũng như cần phải điều trị tích cực tăng mạnh trở lại tại ít nhất 10 quốc gia châu Âu.

Những thông tin mới nhất cho thấy nước Anh đang trong tình trạng rất căng thẳng. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 11/1 thừa nhận rằng dịch COVID-19 ở nước này đang trong thời điểm tồi tệ nhất. Tính đến sáng 12/1, số ca tử vong do COVID-19 tại Anh đã lên tới 81.960 người trong số 3.118.518 ca mắc, trong khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh ra cộng đồng. Trước đó, Cố vấn y tế trưởng của Chính phủ Anh, Giáo sư Chris Whitty cũng cảnh báo những tuần tới sẽ là “những tuần tồi tệ nhất” về số ca mắc và tử vong do COVID-19 ở Anh.

Tại Tây Ban Nha, tình hình cũng rất đáng quan ngại. Khi những đợt bão tuyết kinh hoàng tấn công đất nước Tây Ban Nha và thủ đô Madrid ghi nhận lượng tuyết rơi dày kỷ lục trong suốt 50 năm trở lại đây, thì số ca nhiễm mới trong những ngày qua ở nước này cũng tăng gần gấp đôi so với hồi đầu tuần trước và đang ở mức trên 20.000 ca mỗi ngày. Chuyên gia về dịch bệnh của Tây Ban Nha, ông Fernando Simon dự báo những tuần tới sẽ khá phức tạp, đồng thời cho biết hiện nước này đã ghi nhận khoảng 70 trường hợp nhiễm biến thể virus như ở Anh. Tuy nhiên, ông Fernando Simon bác bỏ đây là nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới gia tăng ở nước này. Theo ông, chính việc tụ tập, vui chơi quá mức của người dân trong những kỳ nghỉ vừa qua mới là một trong những nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới gia tăng trở lại.

Đối với Italy, từng là điểm nóng trong làn sóng COVID-19 thứ nhất, dịch bệnh vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm. Số ca nhiễm mới hiện vẫn đang ở mức cao, dao động khoảng từ 10.000-20.000 ca mỗi ngày. Trở lại hồi tháng 3/2020, nhiều chuyên gia, học giả quốc tế từng ca ngợi Italy là một hình mẫu để quốc tế có thể học hỏi kinh nghiệm trong phòng chống COVID-19 dù nước này đã bị tổn thất khá lớn về người và kinh tế. Nhưng đến cuối năm 2020, Italy lại bị ảnh hưởng nặng nề trước làn sóng COVID-19 thứ hai. Có lúc Italy đã vượt Anh trở thành quốc gia có số ca tử vong cao nhất do dịch COVID-19 ở châu Âu. Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân một phần là do Italy đã buông lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong khoảng thời gian diễn ra kỳ nghỉ của người dân hồi mùa Hè năm 2020.

Thực tế, số ca nhiễm mới ở Italy chỉ tăng nhẹ vào tháng 8 và tháng 9/2020. Trong khi đó, người dân thì lại tỏ ra chủ quan, không quan tâm đến đại dịch. Các bãi biển, quán cà phê, hộp đêm, sàn nhảy trở nên đông đúc, thậm chí nhiều người dân còn không đeo khẩu trang. Ngoài ra, việc xét nghiệm COVID-19 cũng chỉ được tiến hành sau ngày 15/8/2020, khi đại đa số người dân đã kết thúc các kỳ nghỉ. Theo giới chuyên gia, sự di chuyển quá nhiều của người dân là nguyên nhân chính khiến dịch COVID-19 tái bùng phát mạnh ở Italy. Tính đến hết ngày 11/1, Italy đã ghi nhận tổng cộng 2.289.021 ca mắc COVID-19, trong đó 79.203 ca tử vong.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 15/12/2020. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Còn ở Pháp, nhiều thành phố trên cả nước đã áp đặt lệnh giới nghiêm mới, theo đó cấm người dân ra đường kể từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm ở Pháp những ngày gần đây có lúc lên tới hơn 20.000 ca mỗi ngày.

Do đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở khắp châu Âu, nhiều nước khu vực này đã tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh. Đan Mạch quyết định hạn chế nhập cảnh từ tất cả các quốc gia từ ngày 9/1 và khuyến cáo người dân không đi ra nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Anh và Nam Phi đã phát hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là có khả năng lây nhiễm rất mạnh. Theo quyết định trên, Đan Mạch chỉ cho phép hạ cánh đối với những chuyến bay mà tất cả hành khách đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 24 giờ trước khi lên máy bay. Những hành khách nhập cảnh vào Đan Mạch bằng đường bộ và đường biển cũng phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và có lý do hợp lý.

Hy Lạp đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm 1 tuần đến ngày 18/1 tới. Hy Lạp ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 7/11/2020 và đã gia hạn 4 lần do số ca nhiễm và tử vong mới tiếp tục gia tăng. Theo quyết định trên, chỉ có trường tiểu học và mẫu giáo được phép mở cửa trở lại. Học sinh các cấp bậc còn lại phải học trực tuyến. Các cửa hàng bán lẻ, tiệm làm tóc, hiệu sách và những địa điểm tâm linh vẫn phải đóng cửa. Hy Lạp cũng tiếp tục áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Người dân nước này được phép ra khỏi nhà vì lý do công việc hoặc sức khỏe.

Trong khi đó, Thụy Điển cũng ban hành quy định hạn chế số người tham gia các sự kiện tư nhân chỉ tối đa 8 người sau khi số ca nhiễm mới tăng vọt. Tại các không gian kín như phòng tập thể dục thể hình, nhà tắm công cộng hay cửa hàng vẫn phải hạn chế nghiêm ngặt số người có mặt cùng lúc. Việc đóng cửa các cửa hàng bách hóa lớn hay trung tâm thương mại có thể được áp đặt nếu nguy cơ lây nhiễm cao và các biện pháp hạn chế hiện nay là chưa đủ để kiềm chế dịch bệnh.

Mặc dù các nước châu Âu đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, nhưng do số lượng vaccine được cung cấp vẫn còn ở mức hạn chế, cộng thêm việc virus SARS-CoV-2 lại xuất hiện một số biến thể mới, nên tình hình dịch bệnh ở châu lục này cũng như trên toàn cầu dự kiến vẫn còn diễn biến phức tạp trong những tháng tới. Trưởng nhóm các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Soumya Swaminathan ngày 11/1 cảnh báo rằng sự miễn dịch cộng đồng sẽ chưa thể đạt được trong năm nay. Vì vậy, điều cần thiết là phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa như giãn cách xã hội, thường xuyên vệ sinh tay cũng như đeo khẩu trang nhằm hạn chế virus lây lan.

Ngự Bình (Phóng viên TTXVN tại châu Âu)
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chau-au-mua-buot-gia-20210112121048481.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu