Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 11:25 (GMT +7)
Châu Âu thúc đẩy giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông theo UNCLOS
Thứ 3, 29/09/2020 | 09:27:00 [GMT +7] A A
Theo chuyên gia luật pháp quốc tế Jonathan Odom, việc 3 nước Anh, Pháp, Đức gửi công hàm chung tới Liên hợp quốc là bước đi rất quan trọng và tích cực, cho rằng tuyên bố đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông là vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, báo Tin tức Séc (novinky.cz) mới đây đăng bài viết của nhà báo Séc Alex Svemberg, chuyên gia bình luận các vấn đề an ninh quốc tế đề cập diễn biến đáng chú ý thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, nhất là tại châu Âu, liên quan tới việc 3 nước Anh, Pháp, Đức mới đây gửi công hàm chung tới Liên hợp quốc bác bỏ tuyên bố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông, trong đó nhấn mạnh quan điểm của các nước châu Âu là giải quyết các vấn đề trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).
Bài viết dẫn lời bình luận của chuyên gia luật pháp quốc tế Jonathan Odom cho rằng, việc 3 nước giữ vị trí quan trọng ở châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức gửi công hàm chung tới Liên hợp quốc là bước đi rất quan trọng và tích cực, cho rằng tuyên bố đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông là vi phạm UNCLOS. Ba quốc gia đều là thành viên của UNCLOS và trước đây đã thể hiện lập trường chung trong vấn đề Biển Đông thông qua việc đưa ra một một tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về diễn biến căng thẳng khu vực vào năm 2019. Việc lần đầu tiên 3 nước gửi một công hàm chi tiết dài 2 trang tới Liên hợp quốc về chủ đề liên quan tới tình hình trên Biển Đông cho thấy có sự điều chỉnh quan trọng về lập trường đối với vấn đề này.
Theo bài viết, cách đây 4 năm, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) ở La Haye đã ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines, trong đó khẳng định tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế. Nội dung công hàm của Anh, Đức, Pháp gửi Liên hợp quốc đã nhắc lại điều này. Trong công hàm, 3 nước trên đã tuyên bố việc đòi hỏi thực thi quyền lịch sử ở Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS, đồng thời nhấn mạnh phán quyết của Tòa PCA ngày 12/7/2016 đã khẳng định điều này.
Việc các nước gửi công hàm tới Liên hợp quốc đã nhận được sự hoan nghênh của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh Trung Quốc phải tuân thủ tất cả các công ước quốc tế.
Đáng chú ý, mức độ quan tâm của 3 cường quốc châu Âu đối với khu vực không chỉ dừng lại ở ngôn từ mà còn bằng hành động cụ thể. Trong năm 2020, Pháp đã triển khai hoạt động đảm bảo tự do hàng hải FONOP ở khu vực, trong khi Anh cam kết sẽ triển khai một tàu khu trục HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông vào năm 2021. Đức cũng đang tính toán cách thức triển khai hoạt động trong khu vực.
Theo quan điểm của nhiều nước châu Âu, các vấn đề liên quan trên Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc và quy định của UNCLOS.
https://baotintuc.vn/the-gioi/chau-au-thuc-day-giai-quyet-hoa-binh-van-de-bien-dong-theo-unclos-20200929062901699.htm
Ý kiến ()