Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 18/01/2025 07:44 (GMT +7)
Chuyển đổi cây trồng ở huyện biên giới Mộc Hóa
Thứ 4, 25/09/2019 | 10:33:00 [GMT +7] A A
Thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Mộc Hóa đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả. Bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, từng bước cải thiện đời sống người dân.
Xã biên giới Bình Thạnh là địa phương có diện tích chuyển đổi cây trồng nhiều trên địa bàn huyện Mộc Hóa với trên 100ha. Năm 2017, gia đình anh Nguyễn Ngọc Dương mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng cải tạo 3ha đất sản xuất lúa để trồng cây ăn trái. Với phương pháp “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình anh trồng kết hợp bưởi da xanh, ổi, chanh không hạt và dừa xiêm lùn…. Hiện tai, hơn 2.000 gốc ổi và chanh đã cho thu hoạch. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, thu về trên 40 triệu đồng. Qua thực tế sản xuất, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng của địa phương thích hợp để trồng các loại cây ăn trái, gia đình anh Dương tiếp tục đầu tư cải tạo thêm 4 ha để trồng bưởi da xanh và sầu riêng. Anh Dương cho biết:Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, Anh trồng ổi với chanh lấy đồng tiền nuôi cây bưởi với cây dừa. Ổi thu hoạch bán lẻ 10.000đ, bán giao 7-8.000đ quân bình ngày 1-2 triệu đủ tiền mướn công làm vườn Bưởi chuẩn bị tết mới chu thu hoạch…
Trao đổi với chúng tôi, Ông Nguyễn Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa cho biết: “Địa bàn Bình Thạnh là vùng gò làm lúa không hiệu quả, nên nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang cây ăn trái. Hiện nay, bước đầu hiệu quả chuyển đổi cây trồng lợi nhuận gấp từ 3-5 lần so với trồng lúa. Từ đó, nông dân mạnh dạn đầu tư. Khó khăn hiện nay, chuyển đổi mục đích cây trồng đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, đầu ra sản phẩm dân chủ yếu tự lực nên bà con gặp khó. Sắp tới kiến nghị tỉnh và các cấp tạo điều kiện cho bà con tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư chăm sóc vườn cây ăn trái..”
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Mộc Hóa có trên 500ha chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các loại cây ăn trái như: dưa hấu, thanh long, sầu riêng, xoài, mít, ổi, chanh,.. Một số diện tích bắt đầu cho thu hoạch và mang lại lợi nhuận khá cao cho bà con nông dân.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mộc Hóa khóa XI (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định nông nghiệp vẫn là động lực chính để phát triển kinh tế huyện nhà. Chính vì thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương là việc làm cần thiết. Đây là tiền đề để thực hiện việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết; hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống./.
Kim Ngân – Võ Huy
Ý kiến ()