Ông Ngô Tôn Hữu cũng cho biết thêm, đợt dịch lần này ở Bắc Kinh nằm “trong dự liệu” của Trung Quốc, bởi trước tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang lan rộng, nước này luôn xác định, tất cả các địa phương đều có nguy cơ xuất hiện trở lại các ca bệnh lẻ trong cộng đồng do vẫn còn dịch xâm nhập. Tuy nhiên, dịch xảy ra ở Bắc Kinh cũng “vượt ngoài dự đoán”, bởi một lần nữa nơi khởi phát là một khu chợ và số ca bệnh khá nhiều.
“Nếu Bắc Kinh không kịp thời thực thi các biện pháp, kịp thời phát hiện, sẽ bùng phát dịch giống như ở Vũ Hán hồi đầu năm, thậm chí còn nghiêm trọng hơn”, ông Ngô Tôn Hữu nói.
Được biết, nếu xét về diện tích, chợ đầu mối Tân Phát Địa lớn gấp hơn 20 lần chợ hải sản Hoa Nam. Không chỉ chiếm 60% lượng giao dịch nông sản của 5 tỉnh vùng Hoa Bắc Trung Quốc, đây còn là khu chợ được đánh giá có lượng giao dịch lớn nhất châu Á. Sản phẩm ở đây xuất khẩu sang hơn 20 nước trên thế giới.
Cũng theo chuyên gia này, trong số những người dương tính với SARS-CoV-2 ở Tân Phát Địa, các ca bệnh ở khu vực hải sản là nhiều nhất và phát bệnh sớm nhất, tiếp đến là khu bán thịt bò và thịt cừu, bởi các mặt hàng này được xếp cùng một nơi. Các mẫu trong môi trường có virus ở khu vực hải sản và thịt bò, thịt cừu cũng nhiều hơn và đây là nơi ô nhiễm hơn các khu vực khác.
Kết hợp với chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, ông cho biết, khi đó sự nghi ngờ nhằm vào động vật hoang dã, trong khi động vật hoang dã được bày bán cùng với hải sản tại đây. Kết quả thu được ở chợ Tân Phát Địa đã vạch ra hướng nghiên cứu mới về nguồn lây nhiễm ở chợ hải sản Hoa Nam.
Những phân tích bước đầu cho thấy, cả 2 đợt dịch đều bùng phát ở nơi có bán đồ hải sản, đây là những khu vực có nước, đông lạnh, nhiệt độ thấp, ẩm ướt, phù hợp cho virus tồn tại. Tuy nhiên, theo ông, vẫn cần nghiên cứu và phân tích thêm về cơ chế lây của virus./.
Ý kiến ()