Chủ Nhật, 12/01/2025 04:57 (GMT +7)

Chuyến thăm của Chủ tịch nước là xung lực mới thúc đẩy quan hệ với các nước bạn bè

Thứ 4, 16/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

 

Tổng thống Cộng hoà Mozambique, ngài Filipe Jacinto Nyusi và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang duyệt đội Danh dự Quân đội Mozambique. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

 

Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Cộng hòa Thống nhất Tanzania; Cộng hòa Mozambique và Cộng hòa Hồi giáo Iran từ ngày 9-15/3, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Tanzania, Mozambique và Iran?

Năm 2015 vừa qua, cả dân tộc ta kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với truyền thống thủy chung, tình nghĩa, Việt Nam luôn biết ơn bạn bè các nước anh em đã hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc ta, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng thu non sông về một mối. Cùng thời gian này, chúng ta cũng kỷ niệm những mốc quan trọng trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao của nước ta và các nước bạn bè anh em, trong đó có Tanzania (hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 14/2/1965), Mozambique (25/6/1975) và Iran (4/8/1973).

Nhìn lại hơn 40 năm xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta không khỏi băn khoăn khi quan hệ kinh tế thương mại của nước ta với các nước bạn bè truyền thống còn rất khiêm tốn (Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương với Tanzania đạt 204 triệu USD, với Mozambique đạt 66 triệu USD và với Iran đạt 107 triệu USD), trong khi tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và các nước này rất to lớn. Đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Bên cạnh các thị trường, đối tác lớn, nhu cầu bức thiết là cần phải có xung lực mới để đánh thức các tiềm năng này, đưa quan hệ kinh tế thương mại của nước ta với các nước bạn bè phát triển hơn nữa, đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước ta và nhân dân bạn bè anh em. Mặt khác, ở các nước Tanzania, Mozambique và Iran đều vừa có những sự kiện quan trọng. Tanzania vừa tiến hành thành công cuộc tổng tuyển cử với thắng lợi của đảng Cách mạng Tanzania cầm quyền (CCM), đưa Ngài John Magufuli lên làm Tổng thống. Mozambique cũng vừa chuyển giao thế hệ lãnh đạo và bắt đầu chiến lược phát triển mới. Iran vừa đạt được Thỏa thuận hạt nhân toàn diện (JCPOA), dỡ bỏ cấm vận. Cả ba nước đều triển khai chính sách hướng Đông mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, việc lãnh đạo cấp cao ta thăm ba nước là sự động viên, khích lệ và ủng hộ kịp thời và quý báu đối với bạn, đồng thời cũng là sự nắm bắt cơ hội hợp tác để cùng phát triển.

Tổng thống nước Cộng hoà Thống nhất Tanzania John Magufuli đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Với yêu cầu khách quan và chủ quan như vậy, nhận lời mời của lãnh đạo ba nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Tanzania, Mozambique và Iran từ ngày 9-15/3. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam tới Tanzania, Mozambique và lần thứ ba tới Iran. Bên cạnh ý nghĩa chính trị to lớn, thể hiện truyền thống thủy chung nghĩa tình của dân tộc, chuyến thăm là xung lực mới thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại giữa nước ta và các nước bạn bè phát triển lên một bước, tương xứng với quan hệ chính trị truyền thống tốt đẹp, giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau của Việt Nam và các nước bạn bè.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết kết quả cụ thể của chuyến thăm?

Cả Tanzania, Mozambique và Iran đều dành cho đoàn đại biểu Việt Nam sự đón tiếp rất trọng thị, chu đáo với nghi lễ cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Đông đảo quần chúng nhân dân đón chào Chủ tịch nước và đoàn đại biểu Việt Nam trong các nghi lễ đón tiếp chính thức cũng như trong các hoạt động của đoàn trong suốt chuyến thăm. Trong chương trình làm việc tại cả ba nước, bạn bố trí Chủ tịch nước tiếp xúc với tất cả các lãnh đạo cấp cao bạn. Nhiều doanh nghiệp của bạn đến chào Chủ tịch đề đạt mong muốn thiết lập quan hệ kinh doanh, đầu tư với Việt Nam.

Trong các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch nước đã thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam cám ơn nhân dân ba nước đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ lớn lao, góp phần không nhỏ giúp nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Chuyến thăm cũng đã giúp cho bạn bè hiểu rõ hơn về một Việt Nam thủy chung, một Việt Nam đang phát triển năng động, mạnh mẽ, hội nhập tích cực nhưng không bao giờ quên bạn bè truyền thống.

Trong các cuộc gặp gỡ và làm việc, ta và các bạn đều khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống là tài sản quý báu cần được gìn giữ và phát huy. Ta và bạn bè cũng kiểm điểm lại mối quan hệ kinh tế, thương mại, chỉ ra những tiềm năng lớn chưa được tận dụng (Tanzania: trồng và xuất khẩu hạt điều, du lịch, khai thác mỏ; Mozambique: kinh tế biển, khai thác khoáng sản…; Iran: khoa học – công nghệ, năng lượng, viễn thông…). Từ đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cùng lãnh đạo các nước nhất trí về những lĩnh vực ưu tiên, những biện pháp căn bản để đẩy mạnh quan hệ kinh tế – thương mại song phương. Chúng ta cam kết cùng Tanzania đưa quan hệ kinh tế – thương mại lên 1 tỷ USD, với Mozambique lên 500 triệu USD và với Iran lên 2 tỷ USD vào năm 2020. Các mặt hàng chủ yếu mà các doanh nghiệp Việt Nam xác định cần ưu tiên xuất khẩu cho bạn bè là gạo, nông sản, hải sản, quần áo, giày dép. Ngược lại, ta sẽ mua các sản phẩm ưu tiên của bạn là hạt điều, thức ăn gia súc, bông (Tanzania); bông, sắt thép phế liệu, sản phẩm gỗ (Mozambique); phân bón, chất dẻo nguyên liệu, máy móc thiết bị (Iran).

Với cả ba nước, chúng ta đều nhận thấy vai trò quan trọng của ủy ban liên chính phủ và yêu cầu khẩn trương phải sớm họp để xác định các phương hướng, ngành nghề và lĩnh vực hợp tác cụ thể. Dự kiến trong năm 2016, sẽ họp Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam – Mozambique (lần 4) tại Maputo, Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam – Iran (lần 9) tại Tehran và Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam – Tanzania (lần 2) tại Dar Es Salaam.

Cùng với việc thúc đẩy phát triển kinh tế – thương mại, ta và các bạn khẳng định tiếp tục ủng hộ lẫn nhau, tăng cường giao lưu chính trị, ủng hộ các ứng cử viên của nhau ở các diễn đàn quốc tế. Bạn bè khẳng định sẽ ủng hộ Việt Nam tham gia Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020 – 2021), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017 – 2021).
Chuyến thăm cũng là dịp lãnh đạo ta và các nước trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có các vấn đề đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế ở khu vực Đông Nam Á, khu vực Trung Đông, về quyết tâm hợp tác giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu, liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển (vấn đề chống khủng bố, an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu…). Đặc biệt, bạn bè hiểu hơn về các vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, chia sẻ quan điểm rằng các tranh chấp về chủ quyền ở khu vực có nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Cả ba nước đều ủng hộ mạnh mẽ quan điểm, lập trường nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, lấy luật pháp quốc tế, các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có Công ước Luật biển 1982 làm nền tảng căn bản cho mọi ứng xử liên quan tới các tranh chấp và xung đột

Trong chuyến thăm đến châu Phi và Trung Đông lần này của Chủ tịch nước, nhiều văn kiện hợp tác quan trọng trên các lĩnh vực như giáo dục, ngân hàng, dầu khí đã được ký kết nhằm thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa Việt Nam và các nước. Tại Tanzania và Mozambique, hai bên đã ra Thông cáo chung về kết quả chuyến thăm, đề ra những nguyên tắc chính trị quan trọng làm cơ sở cho việc tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống trong tình hình mới.Tại cả ba nước, Diễn đàn doanh nghiệp đã diễn ra thành công với sự tham dự của rất đông đảo các doanh nghiệp sở tại. Các diễn đàn đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, bạn hàng, tìm hiểu cơ hội và môi trường đầu tư, xuất nhập khẩu. Điểm đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp của cả ba nước rất quan tâm và coi Việt Nam là thị trường cung cấp các mặt hàng thiết yếu như lương thực, giày dép, đồ gia dụng, dệt may, linh kiện điện tử, giống cây trồng, vật nuôi… Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bước đầu tìm thấy cơ hội đầu tư ở nước bạn trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cây công nghiệp, dầu khí, viễn thông… Một số doanh nghiệp của ta đã kết nối được đối tác, có kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Tanzania, Mozambique. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Tanzania, Liên đoàn Doanh nghiệp Mozambique và sẽ sớm triển khai các hoạt động cụ thể theo tinh thần các thỏa thuận này. Cộng đồng người Việt Nam cũng như doanh nghiệp Việt Nam ở 3 nước đều xúc động và cảm thấy ấm lòng khi được Chủ tịch nước thăm hỏi động viên, cảm nhận rõ ràng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với kiều bào ở xa Tổ quốc cũng như đối với cộng đồng doanh nghiệp.
TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu