Thứ Sáu, 27/12/2024 02:00 (GMT +7)

Cồng chiêng – thanh âm của đại ngàn

Thứ 5, 08/06/2017 | 15:47:00 [GMT +7] A  A

Sống giữa đại ngàn Tây Nguyên, đồng bào các dân tộc Ba Na, Ê Ðê, Cơ Tu, Mơ Nông, Gia Rai, Mạ… xem cồng chiêng là báu vật, là tiếng nói, là tâm tư, là tình cảm của mình, và cồng chiêng cũng là vật thiêng giúp con người giao tiếp với thần linh. Sau 12 năm được công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ngày càng thể hiện được giá trị của mình, trở thành “sứ giả” văn hóa kết nối du khách năm châu với vùng đất đỏ bazan đầy nắng và gió của đại ngàn Tây Nguyên huyền thoại.

Theo tiếng gọi của đại ngàn

Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật và cũng là mùa lễ hội của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Theo tiếng gọi của núi rừng, chúng tôi trở lại Tây Nguyên, trở lại thành phố Buôn Ma Thuột, đúng vào dịp nơi đây đang diễn ra Lễ hội cà phê và Liên hoan văn hoá cồng chiêng năm 2017.

Trong một bầu không khí lễ hội đậm đặc chất Tây Nguyên, những câu chuyện về chủ đề cà phê và cồng chiêng bỗng trở thành đề tài được bàn luận sôi nổi hơn cả.

12 năm kể từ ngày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản văn hóa thế giới, những câu chuyện kì thú về loại hình văn hóa – nghệ thuật độc đáo này vẫn không thôi trở thành đề tài hấp dẫn đối với giới nghiên cứu và cả những ai yêu thích khám phá về nền văn hóa Tây Nguyên.

Đêm hội diễn tấu cồng chiêng mở màn cho Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2017 diễn ra ở thành phố Buôn Ma Thuột thật ấn tượng. Bên ánh lửa bập bùng và bên những ché rượu cần đã mở sẵn, những đội cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như Xơ Đăng, Chu Ru, Ba Na, Cơ Tu, Mơ Nông, Gia Rai, Mạ… đã say sưa tấu lên những bản cồng chiêng đầy mê hoặc và quyến rũ lòng người như “Mừng lúa mới”, “Tạ ơn”, “Vui đón khách”, “Giữ khách ở lại chơi cùng”…


Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng
và chủ thể của loại hình văn hóa đặc sắc này gồm nhiều dân tộc khác nhau như:
Ba Na, Ê đê, Cơ Tu, Mơ Nông, Gia Rai… Ảnh: Công Đạt

Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có.
Ảnh: Công Đạt


Đồng bào dân tộc Mơ Nông ở buôn Jun, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đánh cồng chiêng trong Lễ cúng sức khỏe cho voi.
Ảnh: Công Đạt


Thiếu nữ dân tộc Xê Đăng biểu diễn chiêng trong lễ Bắc máng nước của người Xê Đăng. Ảnh: Lê Minh

Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, âm hưởng cồng chiêng gắn bó với họ suốt cả cuộc đời. Tiếng cồng chiêng theo con người từ lúc mới sinh ra cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Vì thế, cồng chiêng có ở lễ đặt tên, lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ cầu mưa, lễ cưới, lễ mừng nhà mới, Lễ bỏ mả… Và nó cũng là sợi dây thanh âm huyền bí kết nối giữa thế giới trần tục với thế giới thần linh.

Cồng chiêng là loại nhạc khí làm bằng hợp kim đồng. Cồng là loại có núm ở giữa, còn chiêng thì không có núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20cm đến 60cm, loại cực đại từ 90cm đến 120cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi từ 18 đến 20 chiếc.

Chả thế mà nghệ nhân Y Thim, một cây đại thụ trong làng văn hóa cồng chiêng của người Ê Đê ở Tây Nguyên, đã từng nói: “Cồng chiêng là cái hồn của Tây Nguyên. Con người từ khi sinh ra làm lễ đặt tên, lớn lên có lễ cúng sức khỏe, rồi đến khi trút hơi thở cuối cùng… tiếng cồng chiêng luôn theo sát.”.

Cũng theo lời Y Thim, đối với người Ê Đê, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là tài sản vô giá. “Anh có nhà lầu, xe hơi mà không có cồng chiêng thì anh chưa phải là nhà giàu. Người Tây Nguyên là vậy, không có cồng chiêng thì nhà đó chưa giàu, có cồng chiêng mới được gọi là giàu có”, nghệ nhân Y Thim nói.

Có lẽ vì thế mà ở Buôn Ma Thuột, Y Thim được xem là người giàu có, bởi ông đang sở hữu tới 20 bộ chiêng quý. Y Thim cho hay: “Nhà mình không phải là bảo tàng, chỉ là nơi lưu giữ cái tài sản quý của người Ê Đê để sau này cho con cháu và cái đám sinh viên nó đến nghiên cứu tìm hiểu, và cũng để cho du khách đến xem rồi biết thêm về văn hóa tổ tiên mình”.

Cũng trong hành trình khám phá Tây Nguyên, chúng tôi may mắn được gặp già làng Y Tông Drăng ở buôn Jun, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Tiếp chúng tôi trong ngà ngà men say của rượu cần ngày hội, già làng Y Tông Drăng nói: “Ngày xưa, một bộ cồng chiêng của người Mơ Nông có giá tương đương với 7-8 con trâu. Nó quý lắm nên người Mơ Nông chẳng cho ai và cũng không cho ai mượn bao giờ”.

Những ngày ở buôn Jun, chúng tôi còn được già làng Y Tông Drăng đưa đi xem lễ cúng sức khỏe cho voi ở nhà ông Đàng Năng Long. Với vai trò vừa là thầy cúng, vừa là chủ đàn voi, ông Đàng Năng Long cho biết, người Tây Nguyên quan niệm vạn vật đều có linh hồn, chỉ có thanh âm của cồng chiêng mới có thể gọi, kết nối các linh hồn vạn vật với nhau, nên trong lễ cúng sức khỏe cho voi, không có tiếng chiêng, tiếng cồng thì hồn voi không biết đâu mà gọi về.


Già làng Y Tông Drăng ở buôn Jun (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) thử âm thanh của chiêng. Ảnh: Công Đạt
Nghi thức trình tấu cồng chiêng trong Lễ bỏ mả của người Gia Rai ở Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu BAVN


Các nghệ nhân dân gian Tây Nguyên biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội văn hóa các dân tộc
được tổ chức ở Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn). Ảnh: Khánh Long


Một buổi học đánh chiêng của trẻ em người Mơ Nông ở buôn Jun, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Công Đạt

Và như để chứng minh cho lời nói của mình, ông Đàng Năng Long ra hiệu lễ tế bắt đầu. Khi tiếng cồng chiêng vang lên, những con voi to lớn trông hung dữ bỗng trở nên hiền lành, ngoan ngoãn như đứa trẻ, tuân theo sự điều khiển của nài voi nghiêm chỉnh tham gia lễ cúng mà không có bất cứ hành động quấy phá, cản trở nào.

Những câu chuyện kì thú về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cứ thế cuốn hút, dẫn dắt chúng tôi đi khắp vùng đất huyền thoại đầy nắng và gió. Qua mỗi vùng đất, mỗi buôn làng, những câu chuyện như thế cứ hiện dần ra, đầy ắp thêm trong trí nhớ và sự hiểu biết về chuyến khám phá đầy thú vị của mình.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có 350 đội chiêng trẻ được đào tạo thông qua Đề án “Bảo tồn, phát huy Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk” giai đoạn 2011-2015. Trong giai đoạn tiếp theo 2016-2020, nội dung truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ sẽ được đầu tư quan tâm hơn nhằm nâng số đội chiêng trẻ lên 500 đội trên tổng số 608 buôn làng.
Tây Nguyên cất tiếng lòng gọi bạnCồng chiêng giờ đã trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch độc đáo của người Tây Nguyên. Nó không chỉ là sợi dây kết nối giữa các bản làng, giữ con người với thế giới thần linh, mà còn là tiếng lòng của người Tây Nguyên dùng để gọi mời bè bạn bốn phương về khám phá mảnh đất giàu tiềm năng kinh tế và văn hóa của mình.

Chính vì thế, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Tây Nguyên cần có chiến lược phát triển du lịch đa dạng, lưu ý gìn giữ văn hóa bản địa mà tiêu biểu là văn hóa cồng chiêng. Ý thức được vai trò của cồng chiêng trong việc phát triển du lịch – văn hóa, những năm qua, các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông đã có những quyết sách đúng đắn, phù hợp để bảo tồn, duy trì và phát triển văn hóa cồng chiêng.

Đơn cử như ở “kinh đô” du lịch Tây Nguyên là Tp. Đà Lạt, ngoài việc được chiêm ngưỡng những thắng cảnh tuyệt đẹp với bầu không khí trong lành mang hơi hướng của miền ôn đới, du khách còn được thưởng thức nghệ thuật cồng chiêng độc đáo của tộc người Mạ ở núi Langbiang.

Hay như đến với Lễ hội cà phê và Liên hoan văn hoá cồng chiêng năm 2017 tại Tp. Buôn Ma Thuột lần này, du khách có dịp được thưởng thức những sản phẩm du lịch văn hóa cồng chiêng mới lạ ở bốn buôn cổ của người Ê Đê quanh thành phố là: buôn Kram, buôn Alê, buôn Păn Lăn, buôn Kô Sia.


Trải nghiệm âm hưởng cồng chiêng Tây Nguyên tại một làng văn hóa du lịch ở tình Gia Rai. Ảnh: Tư liệu BAVN

Màn song tấu cồng chiêng của người Xê Đăng trong Lễ bắc máng nước. Ảnh: Lê Minh


Du khách nước ngoài nhảy múa theo những giai điệu quyến rũ của tiếng cồng chiêng do các nghệ nhân người Mơ Nông
trình diễn trong không gian ngôi nhà dài truyền thống. Ảnh: Công Đạt

Theo chân một đoàn du khách Nhật Bản, chúng tôi đã đến buôn Kô Sia để thưởng thức màn diễn tấu cồng chiêng đặc sắc của người Ê Đê. Được biết, cách đây ba năm, được sự giúp đỡ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, già làng Ma Len và đội cồng chiêng buôn Kô Sia đã xây dựng và tổ chức thành công một chương trình văn hóa – nghệ thuật để phục vụ du khách đến tham quan, khám phá văn hóa của người Ê Đê. Từ đó đến nay, các công ty du lịch, lữ hành đã xây dựng thành tour, tuyến đưa du khách đến buôn Kô Sia, giúp làm đa dạng thêm các loại hình du lịch ở Tây Nguyên.

Không gian văn hóa cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào ngày 15 tháng 11 năm 2005. Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau: Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Mạ… và bao gồm các yếu tố bộ phận sau: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng…

Từ khi buôn Kô Sia phát triển du lịch cồng chiêng, đời sống đồng bào Ê Đê ở đây cũng thay đổi rõ rệt. Ông Aê Yon ở Kô Sia cho biết rằng: “Buôn Kô Sia giờ phát triển du lịch mạnh lắm. Đàn bà con gái thì làm các món ẩm thực truyền thống, đám thanh niên thì lập đội hát dân ca, sử thi, còn lớp người già chúng tôi thì đánh cồng, chiêng trong nhà dài. Du khách đến xem ai cũng thích.”.

Hiện nay, mỗi tuần buôn Kô Sia đón hàng chục đoàn khách đến thưởng thức văn hóa cồng chiêng và khám phá những nét văn hóa đặc sắc của người Ê Đê. Đêm đêm, trong ngôi nhà dài của buôn Kô Sia, bên bếp lửa bập bùng, bên ché rượu cần tỏa hương thơm ngát, và đặc biệt là trong tiếng cồng chiêng ngân lên vang vọng giữa núi rừng, người ta lại được nghe các nghệ nhân cất giọng trầm bổng kể khan (hát sử thi) với những bài sử thi huyền thoại như Dam San, Xing Nhã, Dăm Ji, Khing Jú, M’Drông Dăm…

Trong chuyến đi lần này, chúng tôi còn có cơ duyên được đi cùng đoàn du khách người Pháp về huyện Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột chừng 60 cây số, thưởng thức một đêm trình diễn cồng chiêng vô cùng đặc sắc của người Mơ Nông được tổ chức tại nhà dài ở buôn Jun. Những thanh âm, giai điệu cồng chiêng đầy mê hoặc của người Mơ Nông đã khiến cho những vị khách đến từ Châu Âu đi từ ngạc nhiên này đến thú vị khác.

Tiếng cồng chiêng huyền thoại của đồng bào Tây Nguyên giờ đây đã vượt đại ngàn Trường Sơn đi khắp năm châu, đến với bạn bè quốc tế để giới thiệu về một di sản văn hóa đã được thế giới công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, từ đó góp phần đưa những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đến với bạn bè trên thế giới, và mời gọi bàn bè thế giới đến với mảnh đất Tây Nguyên giàu truyền thống văn hóa./.

Bài: Khánh Long Ảnh: Lê Minh, Công Ðạt, Khánh Long
& Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu