Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 20:01 (GMT +7)
Cộng đồng quốc tế tăng cường trừng phạt Triều Tiên
Thứ 7, 30/09/2017 | 16:06:00 [GMT +7] A A
Nhằm tiếp tục gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng và tuân thủ nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an LHQ về trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân hôm 3/9, ngày 26/9, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 8 ngân hàng và 26 nhân viên ngân hàng của CHDCND Triều Tiên.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong cuộc họp báo tại New York ngày 21/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nêu rõ, biện pháp trừng phạt mới sẽ nhằm vào các ngân hàng và nhân viên ngành ngân hàng của Triều Tiên trên toàn cầu. Theo ông Mnuchin, việc Mỹ tăng cường trừng phạt Triều Tiên nằm trong chiến lược tăng cường cô lập quốc gia này để hướng tới mục tiêu quan trọng hơn, đó là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và mang lại hòa bình cho khu vực.
Biện pháp trừng phạt mới, căn cứ theo sắc lệnh hành chính được Tổng thống Trump công bố hôm 21/9, sẽ ngăn chặn khả năng tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế của 8 ngân hàng Triều Tiên, trong đó có những ngân hàng lớn như Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp và Ngân hàng Công nghiệp Quốc tế. Trong số 26 nhân viên ngân hàng Triều Tiên bị đưa vào “danh sách đen” có 19 người đang làm việc tại Trung Quốc, 3 người làm việc tại Nga, 2 người ở Lybia (Li-bi) và 2 người ở Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE).
Trước đây, Washington sử dụng những biện pháp tương tự trên để trừng phạt Iran, dẫn đến việc nhiều công ty quyết định hủy bỏ thương mại với Tehran do lo sợ bị gạt khỏi hệ thống tài chính của Mỹ. Cho tới nay, Mỹ vẫn tránh áp dụng các biện pháp trừng phạt tương tự với Triều Tiên, song với sắc lệnh trên, chính quyền ông Trump đã phát đi tín hiệu rằng họ không chấp nhận Bình Nhưỡng tiếp tục có những hành vi khiêu khích.
Trước đó một số cường quốc trên thế giới công bố những biện pháp trừng phạt để gây áp lực lên Triều Tiên. Theo các nguồn tin ngoại giao, Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/9 đã nhất trí về các biện pháp trừng phạt bổ sung chống Triều Tiên nhằm đáp trả việc nước này thử vũ khí hạt nhân. Các biện pháp trừng phạt mới sẽ bổ sung cho các lệnh trừng phạt mới được Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra, theo đó cấm hoàn toàn các doanh nghiệp châu Âu xuất khẩu dầu sang Triều Tiên cũng như tiến hành hoạt động đầu tư tại quốc gia Đông Bắc Á này. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên đạt khoảng 3 tỷ USD, nguồn thu nhập sống còn của nước này.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, nước này sẽ hạn chế xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu sang Triều Tiên từ ngày 1/10, đồng thời cấm nhập khẩu toàn bộ các mặt hàng dệt may từ nước này. Bộ Thương mại Trung Quốc nhắc lại nội dung của nghị quyết mới nhất của LHQ, theo đó các nước thành viên sẽ xuất khẩu không quá 500.000 thùng sản phẩm lọc dầu trong quý cuối năm nay và không quá 2 triệu thùng mỗi năm kể từ năm tới sang Triều Tiên. Nghị quyết cũng đưa ra lệnh cấm xuất khẩu sang Triều Tiên khí đốt tự nhiên hóa lỏng, sản phẩm khí ngưng tụ…
Bộ trên cũng cho biết Trung Quốc áp đặt ngay lập tức quyết định cấm nhập khẩu hàng dệt may kể từ nửa đêm 23/9, theo một nội dung khác trong nghị quyết mới của LHQ. Theo các chuyên gia, động thái này sẽ cắt đứt một nguồn ngoại tệ chính của Triều Tiên, bởi dệt may là một mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của nước này mà theo ước tính các nhà phân tích thuộc IHS Markit vào khoảng 750 triệu USD.
Ý kiến ()