Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 27/12/2024 05:33 (GMT +7)
Cú hích mới cho ngành nông nghiệp.
Thứ 4, 22/02/2017 | 15:44:00 [GMT +7] A A
Ngay sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi những thông điệp mạnh mẽ đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, đó là: “Chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hợp tác xã làm nông nghiệp công nghệ cao” và “Bản thân Thủ tướng sẽ trực tiếp cùng các ngành giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cao, nông nghiệp sạch của Việt Nam ra thị trường thế giới”…
Việc ngay ngày đầu năm mới người đứng đầu Chính phủ đã đi thăm và ấn nút khởi động một dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, do một tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam đầu tư sản xuất tại tỉnh Hà Nam, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đẩy mạnh cởi trói, kiến tạo phát triển nông nghiệp theo hướng nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao…
Được biết, dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao do Tập đoàn Vingroup đầu tư sản xuất tại xã Xuân Khê và xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam có diện tích 180 ha với tổng số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng, trong đó có khu cánh đồng mẫu lớn rộng gần 130 ha, khu nhà kính Israel công nghệ cao quy mô 5ha và các khu vực hỗ trợ sản xuất. Đây là 1 trong 14 nông trường của VinEco, thuộc Tập đoàn Vingroup.
Phát biểu tại Lễ khởi động dự án nông nghiệp công nghệ cao này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nông nghiệp Việt Nam luôn là “trụ đỡ nền kinh tế” của đất nước. Nhờ tinh thần cởi trói cho sản xuất, từ một nước thường xuyên thiếu đói, hàng năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực, Việt Nam không những bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới.
Song nông nghiệp của Việt Nam hiện nay chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và còn là một nền nông nghiệp có chi phí lớn, đời sống người nông dân chưa cao. Vẫn còn tình trạng thiếu an toàn thực phẩm, canh tác lạc hậu, lúa nước vẫn chiếm phần chủ đạo; xuất khẩu gạo luôn gặp khó khăn, hiệu quả chưa cao.
Thủ tướng cho rằng, nông nghiệp kiến tạo phải là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, thông minh theo nhu cầu thị trường, hướng vào người dân và xuất khẩu, nhất là rau, củ quả, chăn nuôi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khởi động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
tại Nông trường VinEco Hà Nam ở xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thủ tướng thăm khu trồng rau công nghệ cao của Nông trường VinEco Hà Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thủ tướng thăm Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Hà Nam.
Ảnh:Thống Nhất/TTXVN
Để giải bài toán nông nghiệp Việt Nam, theo Thủ tướng, phải dựa vào các doanh nghiệp tư nhân, các hợp tác xã. Vì thế, Thủ tướng cho rằng cần khuyến khích nhiều hơn nữa khởi nghiệp nông nghiệp, áp dụng điện toán đám mây trong làm nông nghiệp công nghệ cao.Đi liền với đó là mở rộng hạn điền trong nông nghiệp, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn; tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ và phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao từ nguồn lực xã hội. Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng thương mại thiết lập nhiều hơn các hình thức hỗ trợ để nâng gói hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế ưu đãi từ 60.000 đến 100.000 tỉ đồng.
Đà Lạt là một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
hàng đầu tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam
Các chuyên gia Nhật Bản khảo sát kĩ thuật trồng rau công nghệ cao ở Đà Lạt.
Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam
Ứng dụng kĩ thuật nuôi cấy mô (invitro) phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt.
Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam
Cây rau giống được sản xuất theo phương pháp thủy canh hiện đại.
Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam
Nông dân Đà Lạt ứng dụng phương pháp thủy canh trồng rau sạch. Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam
Vườn rau sạch đảm bảo chất lượng nhờ trồng theo phương pháp thủy canh.
Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam
Giống củ cải trắng Hàn Quốc được trồng thử nghiệm tại Đà Lạt.
Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam
Đi cùng với sản xuất, Việt Nam cũng đang rất quan tâm đến vấn đề bảo quản sau thu hoạch.
Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam
Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và bảo quản
giúp sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam ngày càng có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam
Thủ tướng đề nghị tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực từ người nông dân phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao; mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng bao bì, xây dựng thương hiệu để phục vụ xuất khẩu; đảm bảo tốt đầu ra cho nông sản.Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương quy hoạch sử dụng đất theo hướng mở rộng hạn điền; cùng với đó phải có điều kiện thuận lợi hỗ trợ về hạ tầng điện, nước cho nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích áp dụng giống mới, khoa học công nghệ mới tiên tiến, hiệu quả cao.
Đặc biệt, trước các bộ ngành và doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ đã truyền đi những thông điệp hết sức rõ ràng và quyết liệt, đó là “Chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hợp tác xã làm nông nghiệp công nghệ cao”, “Chính phủ sẽ quyết liệt bảo vệ thương hiệu, quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp, hợp tác xã làm nông nghiệp công nghệ cao, và “Bản thân Thủ tướng sẽ trực tiếp cùng các ngành giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cao, nông nghiệp sạch của Việt Nam ra thị trường thế giới”.
Với cú hích này, ngành nông nghiệp Việt Nam hứa hẹn sẽ sớm có bước chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện trong cả tư duy lẫn phương thức sản xuất./.
TTXVN/Báo ảnh Việt Nam
Ý kiến ()