Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 10:34 (GMT +7)
Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 chưa có hồi kết ở Mỹ Latinh
Thứ 2, 15/06/2020 | 16:22:00 [GMT +7] A A
Nhiều khu vực trên thế giới đã bắt đầu từng bước trở lại cuộc sống bình thường sau một thời gian dài phải đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song đối với Mỹ Latinh, cuộc khủng hoảng dịch bệnh này dường như chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Marica, Rio de Janeiro, Brazil, ngày 6/6/2020.
Ảnh: AFP/TTXVN
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở khu vực này đã vượt trên 1,5 triệu người với tốc độ tăng hằng ngày lên tới 5% tại một số nước trong những tuần gần đây.
Chuyên gia dịch tễ học thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Daniel Lopez Acuña cho rằng tình hình dịch bệnh ở Mỹ Latinh vẫn diễn biến hết sức phức tạp và có lẽ giai đoạn bùng nổ mới chỉ bắt đầu. Tại hầu hết các nước ở khu vực, giai đoạn đỉnh dịch dự báo sẽ còn kéo dài trong những tuần tới trước khi có thể giảm nhiệt sau ít nhất là 2 tháng nữa.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu về tình hình Mỹ Latinh thuộc Viện Hoàng gia Elcano (Tây Ban Nha), Carlos Malamud nhận định có thể tình hình sẽ phức tạp hơn rất nhiều khi dịch bệnh kéo dài bởi vì các chính phủ có rất ít lựa chọn trong các biện pháp hồi phục thời kỳ hậu COVID-19.
Trước mắt, các nước khu vực vẫn phải tập trung nỗ lực để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, khi số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng mỗi ngày, hiện chiếm gần 19% tổng số ca nhiễm trên thế giới, trong đó có tới 66.390 trường hợp tử vong.
Nghiêm trọng nhất là Brazil. Nước này đã trở thành quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, với gần 868.000 ca nhiễm và 43.389 người tử vong tính tới sáng 15/6. Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới tại quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh này luôn ở mức 5%, tương đương với khoảng 30.000 ca mỗi ngày.
Mặc dù vậy, chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro tỏ ra “coi nhẹ” dịch bệnh, thậm chí vừa thay đổi phương pháp thống kê số ca nhiễm mới vì cho rằng cách tính cũ không phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước. Đặc biệt, Tổng thống Bolsonaro luôn hạ thấp tối đa mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, công khai chỉ trích quyết định của các thống đốc bang áp đặt biện pháp giãn cách xã hội để hạn chế sự lây lan của virus.
Từ cuối tháng 5, khi Brazil đã trở thành tâm dịch COVID-19 toàn cầu với số ca tử vong mỗi ngày cao nhất thế giới (trung bình trên 1.000 ca), Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn liên tục vận động nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế sớm nhất có thể.
Các chuyên gia cho rằng trước đại dịch COVID-19, hệ thống y tế của Brazil dường như rơi vào tình trạng bế tắc, các biện pháp chống dịch tỏ ra “chắp vá” và thiếu sự phối hợp. Chính phủ liên bang không có chính sách y tế khẩn cấp để phối hợp với các bang, trong khi chính quyền địa phương, vì có quyền tự chủ, nên “mỗi nơi một phách” khi triển khai các biện pháp chống dịch.
Một bệnh nhân nhiễm COVID-19 được chuyển tới bệnh viện ở Breves, Brazil, ngày 10/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Không chỉ riêng Brazil, xu hướng tăng mạnh các ca nhiễm cũng xảy ra ở Peru với gần 230.000 người mắc COVID-19, Chile với trên 174.000 ca và Mexico gần 147.000 trường hợp. Ở một mức độ thấp hơn như Ecuador và Colombia cũng có khoảng 50.000 người. Argentina, dù được cho là một trong số ít các nước ở khu vực áp dụng thành công các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, song cũng đã ghi nhận trên 30.000 ca và trong những ngày gần đây, tốc độ tăng của các ca nhiễm mới cũng đang ở mức báo động với khoảng 1.000 người mỗi ngày.
Do bị COVID-19 “tấn công” muộn hơn so với các khu vực khác, các nước Mỹ Latinh được cho có thời gian chuẩn bị phương án đối phó, song dường như không phải tất cả đều đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của đại dịch này và trong nhiều trường hợp, các biện pháp được đưa ra là không đủ để ngăn chặn. Trong bối cảnh phần lớn dân số Mỹ Latinh thuộc tầng lớp người nghèo, số người tham gia các hoạt động kinh tế không chính thức chiếm tới 50%, nên việc áp dụng biện pháp cách ly xã hội bắt buộc trong thời gian kéo dài đã không thể đem lại kết quả như mong đợi do nhiều người vẫn phải ra đường tìm kế sinh nhai.
COVID-19 lây lan mạnh ở Mỹ Latinh không chỉ là do sự thiếu kỷ luật công dân, mà còn là bởi những gánh nặng của các hoạt động kinh tế phi chính thức và tình trạng thiếu vắng các biện pháp bảo trợ xã hội, khiến cho một bộ phận người dân phải đứng trước hai lựa chọn: Ở nhà bảo vệ sức khỏe hoặc ra đường kiếm tiền để lo cho cuộc sống mưu sinh. Một trong những minh chứng rõ nét nhất cho tình trạng này được thể hiện qua con số 85% các ca mắc COVID-19 tại Argentina được ghi nhận tại các khu dân nghèo ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires.
Theo một số chuyên gia, dù sao đi nữa, việc chính phủ nhiều nước thiếu các hành động quyết liệt và kiên định vẫn là yếu tố then chốt dẫn tới gia tăng số ca nhiễm bệnh. Phần lớn các nước không dự báo được đầy đủ, trong khi một số khác chưa triển khai một cách nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội, thậm chí có chính phủ còn tỏ ra khá “thờ ơ” trước tình hình dịch bệnh. Cùng với đó, tình trạng thiếu hụt về đầu tư hạ tầng y tế, cũng như sự yếu kém trong cơ chế giám sát dịch bệnh cũng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn khi số ca nhiễm tăng mạnh từng ngày gây quá tải hệ thống y tế.
Đại dịch COVID-19 cũng bộc lộ những thiếu sót trong hợp tác giữa các quốc gia Mỹ Latinh và phơi bày những điểm yếu về cơ chế hội nhập tại khu vực này. Theo Giáo sư Cristian Fuentes, tại trường Đại học Central de Chile, hiện tồn tại một cuộc khủng hoảng rất gay gắt về chủ nghĩa khu vực Mỹ Latinh.
Trên thực tế, Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) đã không còn tồn tại nữa. Các trường hợp khác, như Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) đang ở trong tình trạng “mong manh dễ vỡ”, trong khi không có bất kỳ kết nối quan trọng nào giữa Liên minh Thái Bình Dương (gồm Mexico, Chile, Colombia và Peru) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR – bao gồm Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay). Vì vậy, không có đủ không gian cho hợp tác khu vực.
Giáo sư Fuentes cho rằng đáng ra các nước khu vực cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc đóng cửa biên giới và trong triển khai hợp tác về y tế nhằm chống dịch COVID-19. Brazil, Argentina và Mexico có thể hợp tác sản xuất máy thở hay các nước trong khu vực đáng ra nên thành lập quỹ chung và cùng nhau đàm phán với phần còn lại của thế giới để mua vật tư y tế.
Rõ ràng, các nước Mỹ Latinh đã mất quá nhiều thời gian mà không thiết lập được các biện pháp chung đối phó với COVID-19 do thiếu vắng một cơ chế hợp tác thích hợp tại khu vực. Chính phủ các nước ưu tiên các giải pháp đối phó với đại dịch COVID-19 mang tính quốc gia thay vì tăng cường hợp tác khu vực.
Người dân đổ xô đến một khu mua sắm sầm uất ở bang Sao Paulo, Brazil khi các cơ sở kinh doanh tại đây được phép mở cửa trở lại ngày 10/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 xảy ra vào thời điểm nhiều nước Mỹ Latinh gặp phải những vấn đề “nghiêm trọng” về kinh tế và tài chính. Đại dịch khiến các quốc gia lo lắng cho chính mình và những gì sẽ xảy ra ở phía bên kia biên giới không khiến các chính phủ bận tâm. Ngoài ra, tình hình tài chính của các chính phủ không quá khả quan để có thể hợp tác và cung cấp vật tư cho các quốc gia khác.
Các chuyên gia y tế đang lo ngại trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ Latinh, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, bất chấp sự gia tăng mạnh số ca nhiễm mới. Đơn cử như chính quyền bang Sao Paulo – bang đông dân nhất và là tâm dịch COVID-19 của Brazil, từ tuần trước đã cho phép các cửa hàng nối lại hoạt động kinh doanh, đồng thời “bật đèn xanh” cho các trung tâm thương mại mở cửa trở lại. Đáng lưu ý, quyết định trên được đưa ra đúng thời điểm bang Sao Paulo bước sang ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Việc vội vàng mở cửa để hồi phục kinh tế có thể sẽ khiến cho nhiều nước phải trả giá đắt nếu cơn “sóng thần COVID-19 thứ hai” xuất hiện. Như Tổng thống Argentina Alberto Fernandez từng nhiều lần nhắc tới: “Tất cả đều lo lắng cho sự hồi phục của nền kinh tế song sức khỏe của người dân vẫn là trên hết”.
Tuy nhiên, áp lực rõ ràng cũng đang đè nặng khi cuộc khủng hoảng do COVID-19 đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế khu vực, vốn đã tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây. Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ Latinh sẽ tăng trưởng âm 5,3% trong năm nay và điều này sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng xã hội tồi tệ nhất trong khu vực trong nhiều thập niên với hàng triệu người nghèo và thất nghiệp mới, cũng như “khoét sâu” sự bất bình đẳng xã hội.
Theo CEPAL, số người nghèo sẽ tăng từ 186 triệu người hiện nay lên 214,7 triệu người, tương đương 34,7% tổng dân số của khu vực, trong đó số người nghèo cùng cực sẽ lên đến 83 triệu người. Đây cũng sẽ là “cuộc chiến” đối với Mỹ Latinh.
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cuoc-chien-chong-dai-dich-covid19-chua-co-hoi-ket-o-my-latinh-20200615110645168.htm
Ý kiến ()