Thứ Năm, 23/01/2025 20:09 (GMT +7)

Cuộc tổng tuyển cử nhiều khác lạ của Singapore

Thứ 5, 09/07/2020 | 14:54:00 [GMT +7] A  A

Cuộc tổng tuyển cử tại Singapore ngày 10/7 là bài sát hạch uy tín của 11 chính đảng nước này qua đánh giá của hơn 2,65 triệu cử tri. Đây thực sự là cuộc bầu cử có không ít điểm khác lạ đáng chú ý.

Các ứng viên đảng Singapore Tiến bộ (PSP) lần đầu tiên tranh cử tham gia đăng ký tại điểm đề cử trường THPT Nan Hua, ngày 30/6. Ảnh: Lê Dương/Pv TTXVN tại Singapore

Yếu tố khác lạ đầu tiên cần phải kể đến chính là đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Lâu nay, Singapore luôn được đánh giá là quốc gia có hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới. Trên thực tế, trong thời gian đầu dịch bệnh bùng phát, các cơ quan chức năng Singapore đã làm rất tốt, được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong đối phó đại dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh bất ngờ tái bùng phát và tăng nhanh các ca lây nhiễm trong người lao động nước ngoài tại các khu ký túc xá bắt đầu từ tháng 3/2020 đã phá hỏng gần như hoàn toàn thành quả, thậm chí ảnh hưởng nặng nề tới uy tín của Chính phủ Singapore do đảng Hành động Nhân dân (PAP) lãnh đạo.

Trước tác động nặng nề về mặt kinh tế do COVID-19, Singapore buộc phải đưa ra tới 4 gói hỗ trợ kinh tế trị giá gần 100 tỷ SGD. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ Singapore phải hai lần viện tới các khoản dự trữ ngân sách quốc gia để hỗ trợ nền kinh tế. Đại dịch COVID-19 cũng khiến uy tín chính trị của PAP bị tổn hại đáng kể. Nếu không có dịch, nhiều khả năng Singapore đã tổ chức tổng tuyển cử trong tháng Ba hoặc tháng Tư vừa qua sau khi quốc hội nước này thông qua Dự trù Ngân sách 2020, vốn có nhiều nội dung hỗ trợ người dân, được nhiều nhà quan sát cho rằng chủ yếu để lấy lòng cử tri đối với PAP.

Theo Phó Giáo sư Bilveer Singh ở Đại học Quốc gia Singapore, COVID-19 đã làm thay đổi mọi khía cạnh đời sống chính trị tại Singapore, buộc chính phủ phải kiến nghị quốc hội thông qua các hành lang pháp lý tạm thời để có thể tổ chức bầu cử trong đại dịch. Ông Singh nhận định rằng do dịch COVID-19, cuộc tổng tuyển cử này, mà ông gọi là “Tổng tuyển cử COVID-19”, có lẽ sẽ là cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử Singapore do phải áp dụng các biện pháp giãn cách, đảm bảo an toàn trong toàn bộ quá trình bỏ phiếu.

Thứ hai, đây cũng là cuộc bầu cử chứng kiến những thay đổi đáng kể về yếu tố con người của các đảng phái chính trị, kể cả PAP cầm quyền đến các đảng đối lập.

Đối với PAP, đây là cuộc bầu cử đánh dấu sự chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ tư – thế hệ lãnh đạo 4G – với nhiều gương mặt trẻ do Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt dẫn dắt. Thủ tướng Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong – thế hệ lãnh đạo thứ ba) không ít lần khẳng định sẽ nghỉ hưu sau cuộc bầu cử này, mở đường cho Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt lãnh đạo đất nước.

Một loạt chính trị gia lão luyện của PAP như cựu Thủ tướng Goh Chok Tong, Bộ trưởng Điều phối về cơ sở hạ tầng Khaw Boon Wan, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Yaacob Ibrahim hay cựu Bộ trưởng Nhân lực Lim Swee Say… cũng nhường lại sân khấu chính trị cho các gương mặt trẻ tuổi hơn. Cuộc bầu cử này cũng ghi nhận tới 27 gương mặt ứng cử viên lần đầu tiên tham gia tranh cử, trong đó có tới 10 nữ, cao hơn gấp đôi số lượng ứng cử viên nữ của PAP trong cuộc bầu cử 2011 và 2015.

Các đảng đối lập cũng ghi nhận những thay đổi nhân sự đáng lưu ý. Đảng Công nhân (WP) đối lập, được xem là có thực lực nhất trong các đảng đối lập hiện nay, không giới thiệu lãnh đạo kỳ cựu Low Thia Khiang tham gia tranh cử. Thay vào đó, Tổng Thư ký mới của WP là ông Pritam Singh, 43 tuổi, sẽ lần đầu tiên chịu trách nhiệm lèo lái con thuyền WP với nhiệm vụ ưu tiên nhất là giữ được các ghế tại khu vực bầu cử Aljunied GRC và Hougang SMC. Tương tự, đảng Nhân dân Singapore (SPP) cũng sẽ thiếu vắng nhà lãnh đạo kỳ cựu Chiam See Tong.

Ngoài những đảng đối lập lâu năm, tổng tuyển cử Singapore 2020 cũng ghi nhận những đảng chính trị mới thành lập là đảng Singapore Tiến bộ (PSP), đảng Tiếng nói Nhân dân (PV) và đảng Chấm đỏ Thống nhất (RDU). Trong số đó, đáng chú ý nhất là PSP của chính trị gia nổi tiếng Tan Cheng Bock, một cựu đảng viên PAP, dù mới thành lập hơn một năm nhưng lại là đảng đối lập có nhiều ứng cử viên nhất với 24 gương mặt. Ngoài sự nổi tiếng và uy tín của bản thân ông Tan Cheng Bock, PSP còn được ông Lý Hiển Dương, người em ruột vốn bất đồng cá nhân với Thủ tướng Lý Hiển Long, ủng hộ mạnh mẽ. Sự góp mặt của ông Lý Hiển Dương được cho cũng góp phần thu hút cử tri đối với PSP và ảnh hưởng nhất định đến Thủ tướng Lý Hiển Long.

Điểm khác thứ ba là chiến dịch vận động tranh cử diễn ra gần như hoàn toàn trên không gian mạng và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cũng do dịch COVID-19, Ủy ban Bầu cử Singapore (ELD) buộc phải đưa ra các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cử tri và người dân. Ứng cử viên các đảng chỉ được phép đi theo từng nhóm tối đa 5 người, cấm tụ tập đông người và không được phép tiến hành các cuộc vận động rầm rộ trên đường phố… Dù vẫn có các cuộc vận động cử tri tại những địa điểm đông người như khu ăn uống, trung tâm thương mại, khu nhà ở… hay vẫn có panô, áp phích, băng-rôn khẩu hiệu, nhưng không khí khá lặng lẽ, không ồn ào, náo nhiệt như những cuộc bầu cử trước đây.

Những chiếc xe cổ động mang cờ hoặc logo biểu tượng các đảng vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trên đường phố, nhưng chỉ được phép phát các bản thu âm vận động của các ứng cử viên. Trong khuôn viên công viên Hong Lim Park cũng không còn thấy các cuộc diễn thuyết, vận động tranh cử của ứng cử viên các đảng phái đối lập với sự tham gia của hàng trăm người ủng hộ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này tạo lợi thế cho đảng cầm quyền PAP, bởi lâu nay PAP không được đánh giá cao trong các chiến dịch tranh cử trên đường phố hay các buổi diễn thuyết đông người so với các đảng phái đối lập.

Không ồn ào, náo nhiệt trên “thực địa”, nhưng sức nóng cạnh tranh giữa các đảng phái không hề suy giảm trên không gian mạng hay trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ứng cử viên các đảng phái tận dụng triệt để, khai thác tối đa các công cụ giao tiếp trực tuyến (Facebook, Twitter, Youtube, Whatsapp…) hay trên các kênh truyền hình, các kênh phát thanh để truyền tải cương lĩnh tranh cử, thu hút cử tri cũng như chỉ trích, công kích đối thủ.

Đây cũng là lần đầu tiên tại Singapore, các cuộc tranh luận chính trị giữa các ứng cử viên các đảng được truyền hình trực tiếp tới đông đảo cử tri. Ngoài những nội dung bao trùm liên quan “yếu tố COVID-19” (hiệu quả các biện pháp chống dịch, phục hồi kinh tế, việc làm, người lao động nước ngoài…), các ứng cử viên đối lập còn khai thác vấn đề gia tăng dân số tới 10 triệu người (đảng Dân chủ Singapore-SDP), nguy cơ không còn tiếng nói đối lập trong quốc hội (đảng Công nhân-WP)….

Trong bối cảnh chiến dịch vận động tranh cử chủ yếu diễn ra theo hình thức trực tuyến trên Internet, yếu tố “nguy cơ can thiệp nước ngoài” trở thành vấn đề đáng lưu ý. ELD cùng với Bộ Nội vụ Singapore và Cơ quan An ninh mạng đã khuyến cáo các đảng phái chính trị cần đặc biệt cảnh giác trước mối đe dọa “can thiệp nước ngoài” có thể diễn ra trong cuộc bầu cử và phải có các biện pháp cẩn trọng đối phó với nguy cơ này. Bộ trưởng Luật pháp K. Shanmugam cũng cảnh báo người dân cần có biện pháp tự bảo vệ mình, không để trở thành “con rối bị điều khiển” hay “nạn nhân vô tình”.

Để phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ này, Singapore đã và đang áp dụng Luật Quyên góp chính trị, Luật Ngăn chặn tin giả và thao túng trực tuyến (POFMA) cũng như các quy định của ELD đưa ra, trong đó phải kể đến quy định các ứng cử viên phải công khai danh tính các tổ chức, cá nhân ủng hộ, quyên góp các chiến dịch quảng cáo, vận động trực tuyến và trên truyền hình.

Chuyên gia Bilveer đánh giá PAP cầm quyền đang có những lợi thế nhất định. Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong giai đoạn khủng hoảng và hiện cử tri Singapore hài lòng với bước đi mang tính cách mạng vừa qua khi chính phủ đã sử dụng nguồn ngân sách dự trữ “đúng thời điểm” để giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19. Thứ hai, xét về tổng thể, người dân vẫn đặt niềm tin vào chính phủ hiện nay. So với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, Chính phủ Singpapore đã xử lý tương đối tốt dịch COVID-19, tỷ lệ tử vong thấp, tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng không nhiều. Đây là lý do khiến cử tri tin tưởng chính phủ vẫn bảo vệ cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, bất lợi của PAP và chính phủ hiện nay là ở một mức độ nào đó, người dân chưa hết lo ngại trước nguy cơ COVID-19 tiếp tục lây nhiễm mạnh.

Trong khi đó, các đảng đối lập hiện nay chưa đủ mạnh. Giới chuyên gia cho rằng nếu không có đại dịch COVID-19, đảng WP và PSP có thể đặt ra những thách thức lớn đối với PAP. Tuy nhiên, tình hình thực tế thay đổi và lãnh đạo hai đảng trên đều không tỏ ra quá kỳ vọng vào bầu cử. Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, trong giai đoạn từ khi giải tán quốc hội, công bố Lệnh bầu cử tới Ngày Đề cử, có hai đảng đối lập quyết định rút lui, đó là đảng SingFirst và đảng DPP, trong đó SingFirst tuyên bố tự giải thể. Điều đó chứng tỏ các đảng đối lập nhận thấy họ ít có cơ hội trong cuộc bầu cử lần này.

Dù kịch bản nào xảy ra thì tổng tuyển cử 2020 sẽ là cuộc bầu cử tốn nhiều giấy mực và đáng ghi nhớ nhất trong suốt chiều dài lịch sử chính trường Singapore.

Thế Vũ (P/v TTXVN tại Singapore)
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cuoc-tong-tuyen-cu-nhieu-khac-la-cua-singapore-20200709094451322.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu