Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 07:17 (GMT +7)
Cuộc “tranh hùng” giữa con tôm và cây lúa ở Kiên Giang
Thứ 2, 11/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt, nông dân huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang tập trung vào sản xuất vụ lúa hè thu, với quyết tâm nâng cao năng suất, sản lượng để bù đắp lại những thiệt hại do thiên tai.
Tuy nhiên, một thực trạng đang xảy ra là tranh chấp giữa nuôi tôm và trồng lúa của chính người dân nơi đây đã gây tổn thất không nhỏ về kinh tế cho địa phương và ngay chính bản thân họ.
Tự ý chuyển đổi nuôi tôm
Ông Nguyễn Đức Chín, Bí thư Huyện ủy An Biên cho biết, trên địa bàn huyện An Biên hình thành 2 vùng sản xuất, gồm: Vùng bờ Tây sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm (lúa – tôm) kết hợp phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng phòng hộ và nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ bãi bồi ven biển. Vùng bờ Đông quy hoạch sản xuất 2 vụ lúa/năm. Những năm gần đây, trồng lúa ở vùng bờ Đông này rất khó khăn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Giá lúa thương phẩm thấp, lợi nhuận ít, bấp bênh, thiếu bền vững… Tiếp đến, giá trị kinh tế của con tôm so với lúa cao gấp nhiều lần.
Tại ấp Nam Quý, xã Đông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) nhiều hộ dân tự ý đưa nước mặn vào đất quy hoạch trồng lúa để nuôi tôm. |
Từ những lý do này nên nhiều hộ nông dân tự phát chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi tôm trong nhiều năm qua. Cụ thể là vùng ven sông Cái Lớn của 2 xã Hưng Yên và Đông Yên hiện đã chuyển đổi sang nuôi tôm khoảng 2.000 ha, vùng tranh chấp “tôm – lúa” Đông Thái hơn 300 ha… Sức hút nuôi tôm càng lớn hơn so với trồng lúa khi những hộ nuôi tôm vùng ven sông Cái Lớn đang trúng đậm mùa tôm. Không ít hộ nuôi tôm ở đây vụ mùa này thu về từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng trên một hécta tôm nuôi. Vì vậy, hình thành nên “cơn sóng” chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi tôm trong một bộ phận nông dân.
Đến ấp Nam Quý, xã Đông Thái (An Biên) những ngày này mới thấy sự nghịch lý, bất cập và hạn chế trong sản xuất nông nghiệp. Một bên, người trồng lúa tranh thủ, tận dụng nguồn nước trời mưa xuống giống vụ lúa hè thu; một bên, người nuôi tôm cải tạo đồng ruộng, thiết kế đầm vuông, bơm nước mặn vào thả tôm nuôi. Bà Nguyễn Thị Dung, ấp Nam Quý, xã Đông Thái nói: “Hơn 1,5 ha đất của gia đình còn bỏ trống, chưa gieo sạ do nước nhiễm mặn từ các đầm vuông nuôi tôm. Năm nay, phát sinh thêm hàng chục hộ nuôi tôm, với hàng nghìn công (1.000 m²/công) nên lượng nước mặn bơm vào vuông nuôi tôm quá nhiều làm nhiễm mặn cả vùng, lúa không sống nổi”. Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoàng ngụ cùng địa chỉ trên xuống giống hơn 4 ha, lúa được khoảng 15 ngày tuổi đã chết sạch mà theo bà do nước mặn ở các đầm vuông nuôi tôm xâm nhập vào gây thiệt hại lúa.
Quy hoạch tiểu vùng sản xuất
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, vùng trọng điểm U Minh Thượng gồm các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận sản xuất nông nghiệp gần như phụ thuộc vào thiên nhiên, nông dân hoàn toàn bị động trong trồng lúa. Nguyên nhân do hai cống thủy lợi quy mô lớn trên sông Cái Lớn và kinh xáng Xẻo Rô chưa được đầu tư xây dựng; tuyến đê ven biển An Biên – An Minh đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhưng việc đầu tư xây dựng, nâng cấp triển khai quá chậm, còn ở điểm xuất phát thấp. Tiếp đến, 30 cống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt trên tuyến đê biển An Biên – An Minh được đầu tư bằng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hàng năm, nhưng chỉ triển khai được 6 cống. Do đó, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm U Minh Thượng thời gian qua luôn nổi lên việc tranh chấp giữa trồng lúa và nuôi tôm.
Vì vậy, việc sớm đầu tư xây dựng hoàn thành đồng bộ hệ thống các công trình thủy lợi và đê biển ở vùng sản xuất U Minh Thượng là hết sức cấp thiết. Điều này vừa đáp ứng mục tiêu kiểm soát mặn, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, đồng thời giải quyết dứt điểm tranh chấp giữa người trồng lúa và người nuôi tôm.
Trước yêu cầu này, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng rà soát lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch thủy lợi để điều chỉnh, bổ sung cho thích hợp, quy hoạch các vùng sản xuất để bố trí cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi thích hợp, giúp nông dân sản xuất đạt kết quả, tạo ra sản phẩm nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm, khẳng định: Sở sẽ khẩn trương điều tra, rà soát lại quy hoạch sản xuất vùng U Minh Thượng, nhất là những khu vực tranh chấp trồng lúa và nuôi tôm như Đông Thái ở huyện An Biên. Tiểu vùng nào có đủ điều kiện sản xuất luân canh lúa – tôm, nông dân đồng thuận thì chuyển đổi sang sản xuất lúa – tôm.
Cùng với đó, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng hoàn chỉnh, vừa đảm bảo cho nông dân sản xuất hiệu quả, thu về hai nguồn lợi kinh tế là lúa và tôm, vừa giải quyết được mâu thuẫn “mặn – ngọt” đan xen trên đồng đất. “Phải tìm ra những mô hình kinh tế thích hợp với ứng phó biển đổi khí hậu và nước biển dâng và không chấp nhận quy hoạch tiểu vùng mà nông dân chỉ sản xuất “có ăn” trong một vài vụ, một vài năm rồi sau đó không hiệu quả, ngừng canh tác, môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực, biến động đến toàn vùng, để lại hậu quả lớn…” , ông Nguyễn Văn Tâm đề xuất.
Ý kiến ()