Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn truyền thông Thái Lan cho biết tính đến 18 giờ ngày 7/8, đã có 50% số phiếu của cuộc trưng cầu dân ý dự thảo hiến pháp mới nước này được kiểm xong và có đến 61% số phiếu ủng hộ văn kiện trên.
Trong khi đó, chỉ có khoảng 37 % số phiếu phản đối dự thảo hiến pháp mới do chính quyền quân sự soạn thảo.
Ủy viên Ủy ban Bầu cử Somchai Srisutthiyakorn ước tính rằng tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu là khoảng 70%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ 57% trong cuộc trưng cầu năm 2007. Dự kiến kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 10/8 tới.
Theo hiến pháp tạm thời được các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014 soạn thảo, chính phủ quân sự sẽ tiếp tục nắm quyền bất kể kết quả trưng cầu dân ý.
Trước đó, phát biểu trước báo giới ngày 5/8 vừa qua, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã một lần nữa khẳng định cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức như kế hoạch trong năm 2017 bất chấp kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp.
Theo truyền thông Thái Lan, ngay sau khi cuộc trưng cầu dân ý kết thúc, Viện Phát triển Hành chính quốc gia (NIDA) đã công bố kết quả thăm dò dự luận cho thấy đa số người dân Thái Lan đã chấp nhận dự thảo hiến pháp mới.
Theo kết quả thăm dò được tiến hành do Viện NIDA tiến hành gần 5.850 người trên toàn quốc từ ngày 2-6/8 vừa qua nhưng không được công bố do lệnh cấm của Ủy ban Bầu cử (EC), có 76,8% số người được hỏi nói rằng họ sẽ chấp nhận văn kiện này, trong khi chỉ có 18,68% bày tỏ sự phản đối.
Cùng ngày, Đại học Bangkok cũng công bố kết quả thăm dò cho thấy có 57,3% ủng hộ và 42,7% phản đối dự thảo hiến pháp mới.
Ý kiến ()