Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 11:42 (GMT +7)
Dấu ấn nông sản sạch
Thứ 6, 30/12/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Mặc dù năm qua thiên tai liên tục xảy ra, nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành Nông nghiệp vẫn đạt mức cao kỷ lục với 32,1 tỷ USD (tăng hơn 6% so với 2015). Nông sản sạch được người dân quan tâm và nhiều doanh nghiệp đang triển khai để đầu tư vào lĩnh vực này.
Đài Truyền hình Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết thoả thuận phối hợp chỉ đạo và thực hiện phát sóng chương trình Nông nghiệp sạch |
Ngân hàng mặn mà cho vay phát triển nông nghiệp sạch…
Từ ngày 01/11/2016, Agribank triển khai gói tín dụng ưu đãi tối thiểu 50 ngàn tỷ đồng phục vụ phát triển nông nghiệp sạch.
Ông Tiết Văn Thành – Thành viên HĐTV – Tổng Giám đốc Agribank cho biết: Với quyết tâm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới bền vững gắn kết tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đi đầu thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cùng mong muốn xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững, Agribank không hạn chế về nguồn vốn, dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”. “Nông nghiệp sạch” được đồng thuận cao và sự “mặn mà” của Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam.
Ông Tiết Văn Thành cho biết thêm: “Các đối tượng khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn. Tùy theo mức độ tham gia các khâu trong chuỗi cung ứng vật tư đầu vào – sản xuất – tiêu thụ, khách hàng được áp dụng mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5%- 1,5% so với lãi suất cho vay thông thường của Agribank. Agribank ưu tiên xem xét cấp tín dụng ngắn hạn không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng tốt, khách hàng truyền thống của Agribank. Về chính sách phí dịch vụ, Agribank thực hiện chính sách ưu đãi về phí, khách hàng vay vốn theo chương trình này, được miễn phí toàn bộ chuyển tiền trong hệ thống Agribank, giảm 50% theo mức phí đối với chuyển tiền ngoài hệ thống”.
Nhiều doanh nghiệp tham gia làm nông nghiệp sạch
Việc FPT, THACO, VINGROUP công bố tham gia sản xuất nông nghiệp sạch đã thổi một luồng gió mới vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nông dân. Theo ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT THACO thì nông nghiệp Việt Nam hiện tại không thể tiếp tục phát triển nếu không có mô hình công nghiệp trong nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam rất cần những đơn vị có vốn, có khả năng tổ chức, quản trị tốt… Từ đó, tạo ra mô hình chuẩn trong sản xuất nông nghiệp.
Trao đổi với báo Tin Tức, ông Trần Bá Dương chia sẻ: Những năm gần đây, nghiên cứu cách làm lúa của Tập đoàn Lộc Trời (An Giang), tôi nhận thấy lãnh đạo DN này rất có tâm huyết với ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất của bà con nông dân còn khá manh mún, không phải là một mô hình giúp nông nghiệp bước sang một trang mới. Đặc biệt là để xảy ra tình trạng thất thoát nông sản khi thu hoạch. Nhìn chung, đây cũng là bức tranh chung của nông nghiệp VN. Nông nghiệp VN kém hiệu quả là do ảnh hưởng không nhỏ ở vấn đề thất thoát. Thất thoát rất nhiều trong thu hoạch, chế biến không chỉ là sự lãng phí mà còn giảm chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.
Vấn đề này tôi đã trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời. Từ đó, tôi đề xuất thay đổi máy móc phù hợp như việc chế ra những chiếc ghe lớn, nhiều chức năng khép kín quy trình thu hoạch và chế biến. Sau khi lúa thu hoạch xong đưa vào bồn, bồn đưa xuống ghe, ghe phải thiết kế như xà lan có kho chứa, có bồn chứa sấy, xay xát, tạo ra một quy trình khép kín…Hiện tôi đang nghiên cứu tổ hợp công nghiệp sau thu hoạch bao gồm cả logistics. Nếu Tập đoàn Lộc Trời nhất trí hợp tác áp dụng tổ hợp này thì sẽ hạn chế rất nhiều thất thoát, giảm chi phí và nâng cao giá trị sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh. Cách đây vài năm, từ gợi ý của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường về một nền nông nghiệp Việt phát triển như nhiều nước, tôi đã suy nghĩ, tìm hiểu và quyết tâm bắt tay làm.
Sau nhiều năm nghiên cứu và trăn trở đối với ngành nông sản Việt, tôi sẽ bắt tay vào xây dựng mô hình trồng lúa công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến tiến tại một tỉnh phía Bắc ngay trong năm 2017. Cây lúa trồng ở miền Nam đã tốt, đạt năng suất cao đồng thời trình độ chuyên canh cây lúa của miền Nam cũng đã đạt một mức độ nhất định, cao hơn miền Bắc nên tôi sẽ không chọn miền Nam mà sẽ bắt đầu với dự án trồng lúa của mình ở miền Bắc. Nền nông nghiệp chúng ta đã đến mức không thể phát triển được nữa. Nếu không có công nghiệp nông nghiệp, không có tiền để bù lỗ cho nông nghiệp như các nước khác sẽ khó có thể thành công nên tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm dấn thân”.
Sắp tới, ông Dương phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời, chọn một tỉnh ở miền Bắc để xây dựng mô hình cánh đồng lúa chuẩn. THACO và Lộc Trời sẽ xây dựng nhà máy phân bón, thuốc BVTV, cung cấp giống cho nông dân và bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, THACO sẽ đầu tư mạnh khâu xử lý, chế biến sau thu hoạch vì thu hoạch, vận chuyển và xử lý sau thu hoạch đang là khâu chịu thất thoát lớn và kéo chất lượng nông sản Việt Nam xuống cấp rất nhiều. Do đó, ông Dương đề nghị hợp tác xây dựng Tổ hợp Công nghiệp sau thu hoạch, chế biến lúa gạo.
Từ ngày 1/9/2016, Tập đoàn Vingroup cũng chính thức khởi động Chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” thông qua việc liên kết với 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân để cung ứng nông sản sạch và an toàn cho thị trường. Các cán bộ sẽ được VinEco cử đến hướng dẫn trực tiếp các hộ sản xuất tiếp cận với kỹ thuật và quy trình sản xuất nông nghiệp hiện đại. Nối tiếp chương trình thúc đẩy sản xuất nội địa dành cho doanh nghiệp Việt, Tập đoàn Vingroup quyết định triển khai chương trình hỗ trợ và liên kết với các Hợp tác xã và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn; đồng thời, góp phần xây dựng tư duy sản xuất hiện đại, bài bản và hiệu quả cho người nông dân.
VinEco dự kiến sẽ dành 50 tỷ đồng trong tổng ngân sách để xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, tổng ngân sách khoảng 300 tỷ đồng cho năm đầu tiên, trực tiếp hỗ trợ tới 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân. Điều kiện tham gia là các hộ sản xuất có quy mô tối thiểu trên 1 ha, cam kết sản xuất nông sản sạch, an toàn; ưu tiên những hộ sản xuất đã đạt tiêu chuẩn VietGap hoặc chuyên sản xuất trái cây đặc sản theo vùng miền.
Theo ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup thì mục tiêu lớn nhất của chương trình là cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng; thứ hai là hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm thay đổi và tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp; tiến tới từng bước xây dựng được các thương hiệu nông sản Việt có tầm Quốc tế.
Ý kiến ()