Thứ Năm, 16/01/2025 00:13 (GMT +7)

ĐBSCL sẽ như thế nào nếu không còn phù sa?

Thứ 3, 19/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nguồn nước ngọt ở ĐBSCL chưa có giải pháp hữu hiệu trước mắt thì khu vực này lại đứng trước một thách thức rất lớn trong lâu dài do bị sụt giảm khoảng 75% hàm lượng phù sa. Hệ luỵ của nó là gây xói lở ven sông, kênh rạch và ven biển một cách nghiêm trọng. Một cân bằng mới sẽ hình thành, tuy nhiên, nó lại bị tác động lớn bởi chế độ vận hành của các hồ chứa thuỷ điện.

dbscl se nhu the nao neu khong con phu sa? hinh 0
An Giang phải thường xuyên đối mặt với sạt lở đất bờ sông.

Vùng đất lúa tỉnh An Giang thường xuyên phải đối mặt với tình trạng sạt lở đất bờ sông. Toàn tỉnh hiện có 56 đoạn sông có nguy cơ sạt lở đất. Một trong những nguyên nhân được xác định là do thiếu lượng phù sa. Điều này đã và đang gây mất ổn định cho cả một khu vực rộng lớn.

Anh Nguyễn Văn Cung sinh sống ở vùng đầu nguồn tỉnh An Giang cho biết, người dân luôn sống trong tâm thế lo âu: “Bây giờ nguy hiểm lắm, lở liên tục. Lúc nào cũng lo sợ , ở không được bình thường nữa.”

Hệ thống hồ chứa thuỷ điện ở dòng nhánh cũng như dòng chính đã và sẽ xây dựng trong lưu vực sông Mekong lên tới 144 hồ, với tổng dung tích chiếm gần 20% tổng lượng dòng chảy bình quân năm toàn lưu vực. Hồ chứa tích một lượng nước lớn, thúc đẩy quá trình lắng đọng bùn cát, phù sa trong vùng bụng hồ, làm giảm lượng bùn cát, phù sa trong lượng nước chảy về hạ du. Uỷ hội sông Mekong Quốc tế cho biết, 75% tổng lượng phù sa của sông Mekong sẽ bị giữ lại trong các hồ chứa. Đi qua nhiều quốc gia, phần còn lại đến khu vực ĐBSCL chỉ còn khoảng 3-4%.

Theo Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu ĐBSCL, nhiều năm trước đây, trạm Tân Châu, An Giang – nơi đầu nguồn lũ của ĐBSCL vẫn ghi nhận số liệu về lượng phù sa. Tuy nhiên, vài năm gầy đây, lượng phù sa về không còn đáng kể.

TS. Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mekong Việt Nam cho rằng, thiếu phù sa sẽ rất nguy hiểm cho vựa lúa quốc gia: “Lượng phù sa giảm trong một thời gian dài thì câu chuyện sụt lún ĐBSCL chắc chắc xảy ra. Từ câu chuyện ấy cộng với điều kiện biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng thì rõ ràng tác động xâm nhập mặn, hạn hán sẽ gây bất lợi, tác động cực kỳ lớn. Đây không còn là câu chuyện xa vời nữa, đã rất rõ rồi.”
dbscl se nhu the nao neu khong con phu sa? hinh 1
Đất đai mất đi nguồn phù sa tái tạo độ dinh dưỡng.

Hàng trăm năm nay, khu vực ĐBSCL được hình thành và phát triển nhờ lượng phù sa vô tận từ thượng nguồn sông Mekong. Tuy nhiên, lượng phù sa ngày càng giảm dần, làm đảo ngược quá trình kiến tạo, gây xói lở bờ biển, sông ngòi.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL phân tích, lớp phù sa bên trong cửa sông đổ ra biển như “lớp áo khoác” che chắn, bảo vệ đất ven biển, làm giảm bớt tác động sóng đánh. Vì vậy, khi lượng phù sa thiếu hụt, lớp áo này bị hỏng; nước biển tấn công mạnh, làm sạt lở nhanh hơn: “Chúng ta có lớp áo rất vững để bảo vệ đồng bằng. Đó là lớp áo 20 km từ trong bờ ra đó là lớp nước đục. Thì chính tấm áo đó bảo vệ đồng bằng từ ngàn đời nay. Khi biển xanh đánh vào gặp lớp nước đục thì hạ ngọn sóng rất nhanh. Nếu không còn lớp nước đục đó, các đập đắp ngang sông thì sẽ chận phù sa lại. Hậu quả là lớp nước đục gần bờ trong hơn thì lớp áo bị mòn đi. Sóng biển đập vào, không hạ năng lượng được, sẽ đập tan tành bờ biển rất nhanh.”

TS. Dương Văn Ni, Trưởng bộ môn Quản lý môi trường, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ cho rằng, giảm lượng phù sa về đồng bằng do việc xây dựng nhiều hồ thuỷ điện ở thượng nguồn chắc chắn sẽ làm giảm năng suất trong sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản. Vấn đề sạt lở ven biển, ven sông và hệ thống kênh rạch sẽ ngày càng phức tạp: “Vấn đề thiếu phù sa là vĩnh viễn, không có cơ hội phục hồi. Chuyện 75-90% vật liệu thô như sỏi, cát không về đồng bằng thì đó là cái chết. ĐBSCL sụt xuống, không còn đất bồi, phù sa nữa thì là một sự bế tắc.”

Sạt lở ven biển ngày càng gia tăng, riêng khu vực tỉnh Cà Mau có năm bị sạt lở mất gần 300 m theo chiều rộng của rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ ổn định của đới bờ biển và phòng tránh thiên tai từ biển. Nhưng những thập niên vừa qua, tác động do diễn biến của thiên tai, biến đối khí hậu và tác động của con người làm diện tích rừng ngập mặn thu hẹp dần trong vùng ĐBSCL. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, trong 50 năm qua, diện tích rừng ngập mặn của vùng đã giảm trên 80%.

Để phát triển bền vững vùng đồng bằng, cần có những giải pháp ứng phó đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài./.

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu