Thứ Ba, 21/01/2025 11:58 (GMT +7)

Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 21/10: Toàn khối 20.900 ca tử vong; Indonesia ngày càng nghiêm trọng

Thứ 5, 22/10/2020 | 09:20:00 [GMT +7] A  A

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.728 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 20.900 người.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Putrajaya, Malaysia, ngày 19/10/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” chưa hề thấy dấu hiệu “hạ nhiệt” sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận trên 730 ca bệnh phát sinh và 6 ca tử vong trong 1 ngày qua.

Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.194 ca bệnh mới và 27 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bekasi, Tây Java, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 21/10, Campuchia và Lào cũng ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 sau một thời gian yên ả.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 20.900 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 216 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 861.277 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 705.646 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ có Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 21/10.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore ngày 25/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 21/10, cơ quan liên ngành của Singapore về đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho biết Singapore có thể bước vào giai đoạn 3 mở cửa trở lại vào cuối năm nay, nếu các ca lây nhiễm trong cộng đồng duy trì ở mức thấp khi nước này tăng cường xét nghiệm và truy dấu tiếp xúc.

Trong giai đoạn 3, các cuộc gặp mặt nơi công cộng có thể tăng từ nhóm 5 người lên nhóm 8 người. Một gia đình có thể tiếp tối đa 8 khách đến thăm. Mức giới hạn số người tập trung tại các địa điểm như bảo tàng, nơi thờ tự và tiệc cưới có thể được nâng lên, nhiều khu vực cho phép tới 50 người. Tuy nhiên, các cơ sở có nguy cơ lây nhiễm cao hơn như quán bar, karaoke và hộp đêm… có thể vẫn phải đóng cửa.

Cùng ngày 20/10, Giám đốc bộ phận dịch vụ y tế của Bộ Y tế Singapore – Giáo sư Kenneth Mak, cho biết Singapore nhiều khả năng sẽ triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau vào năm 2021.

Người dân Singapore, ngày 9/8/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Những nhóm được ưu tiên sẽ là những nhóm dễ bị tổn thương và nguy cơ cao bị lây nhiễm, như các nhân viên y tế và những người làm việc ở các tuyến đầu. Hiện tại, các nội dung và mức độ ưu tiên cụ thể đang được một hội đồng chuyên gia nghiên cứu, xem xét. Hội đồng chuyên gia này cũng đang nghiên cứu, đánh giá những sự lựa chọn đối với các loại vaccine COVID-19 khác nhau.

Theo Giáo sư Mak, nhiều loại vaccine tiềm năng sẽ hoàn thành nghiên cứu giai đoạn 3 vào cuối năm nay, do vậy Singapore nhiều khả năng sẽ thực hiện nhiều kế hoạch tiêm chủng hơn từ năm 2021.

Hiện Singapore đang tìm cách mua một số loại vaccine và theo dõi chặt chẽ các nghiên cứu về các loại vaccine này. Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong trước đó khẳng định, bằng cách tiếp cận nhiều nhà cung cấp, Singapore sẽ có thể đa dạng hóa nguồn cung và giảm thiểu các rủi ro về an toàn.

Liên quan hoạt động xét nghiệm COVID-19, trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết các nhà nghiên cứu của công ty khởi nghiệp Breathonix thuộc NUS đã phát triển một thiết bị phát hiện virus SARS-CoV-2 qua hơi thở, cho kết quả chỉ trong vòng một phút.

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 21/10, các cơ quan cung cấp dịch vụ công tại 5 địa phương của Malaysia, nơi đang có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng nhanh, sẽ chỉ có tối đa 30% số cán bộ nhân viên đến làm việc kể từ ngày 22/10.

Phát biểu với báo giới ngày 21/10, Tổng giám đốc Cục dịch vụ công Malaysia – ông Mohd Khairul Adib Abd Rahman cho biết, đây là một trong những biện pháp vừa được Hội đồng An ninh nước này thông qua nhằm đối phó với dịch COVID-19.

Trước đó, ngày 20/10, Bộ trưởng cấp cao Ismail Sabri Yaakob tuyên bố, kể từ ngày 22/10, người lao động làm việc trong lĩnh vực quản lý và giám sát trong cả khu vực tư nhân và công ở 5 địa phương nói trên sẽ phải làm việc tại nhà. Theo Bộ trưởng Ismail, sẽ có khoảng 1 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi quyết định này, trong đó có 800.000 công nhân trong lĩnh vực công nghiệp và 200.000 công chức.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/the-gioi/dich-covid19-tai-asean-het-2110-toan-khoi-20900-ca-tu-vong-indonesia-ngay-cang-nghiem-trong-20201021212606456.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu