Chủ Nhật, 19/01/2025 16:13 (GMT +7)

Diễn đàn châu Á Bác Ngao ra tuyên bố hành động với 6 đề xướng

Thứ 2, 27/03/2017 | 14:27:00 [GMT +7] A  A

Sau 4 ngày làm việc, chiều 26/3, tại Bác Ngao, Hải Nam, Ban Tổ chức Diễn đàn đã tổ chức Họp báo bế mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017.

Các đại biểu tại phiên họp toàn thể của hội nghị. Ảnh: THX/TTXVN

Tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Diễn đàn Bác Ngao Chu Văn Trọng đã trình bày Tuyên bố của Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017 về thúc đẩy Toàn cầu hóa kinh tế. Theo đó, Diễn đàn đưa ra 6 đề xướng như sau:

Thứ nhất, chính phủ các nước cần coi toàn cầu hóa kinh tế là lực lượng tích cực, cần thông qua tăng cường đối thoại và hợp tác để cải cách và hoàn thiện trật tự kinh tế quốc tế cũng như hệ thống xử lý vấn đề toàn cầu dựa trên nguyên tắc bảo đảm công bằng về nghĩa vụ, quyền lợi và chủ quyền kinh tế. Chính phủ các nước cần cùng áp dụng chính sách tương ứng để bảo đảm gia tăng phạm vi lợi ích do toàn cầu hóa kinh tế mang lại.
Thứ hai, Thương mại xuyên biên giới và tự do hóa đầu tư là động lực của sự phát triển bền vững của thế giới. Chính phủ các nước cần chung sức phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cùng kiên trì và tiếp tục thúc đẩy tiến trình tự do hóa đầu tư thương mại, đồng thời không ngừng cải cách và hoàn thiện cơ chế đầu tư thương mại đa phương, nhằm bảo đảm sự thịnh vượng chung của toàn thế giới.
Thứ ba, các tổ chức quốc tế, khu vực như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)… cần chung tay giải quyết vấn đề phân tách hóa trong sắp xếp thương mại tự do, cần bàn thảo, xây dựng cơ chế thương mại song phương cũng như đa phương rộng mở, bao dung và công bằng, hợp lý hơn.
Thứ tư, các tổ chức tài chính quốc tế đa phương như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) bên cạnh việc tăng cường cải cách chính mình cần đẩy mạnh, hoàn thiện việc quản lý, giám sát tài chính, qua đó phát huy hết mức vai trò của việc luân chuyển nguồn vốn xuyên quốc gia đối với tăng trưởng kinh tế, nhằm phòng ngừa hiệu quả và giảm nhẹ tác động tiêu cực của dòng vốn lưu động kiếm lời và sự đầu cơ đối với các thực thể kinh tế.
Thứ năm, sáng tạo công nghệ và sự luân chuyển xuyên quốc gia của tri thức và thông tin có lợi cho việc rút ngắn khoảng cách Nam – Bắc (bán cầu), khoảng cách giàu – nghèo. Các nước cần triển khai một cách linh hoạt, đa dạng phương thức hợp tác công tư (PPP), qua đó tích cực thúc đẩy sự sáng tạo công nghệ, hỗ trợ tiến trình luân chuyển xuyên quốc gia của tri thức và thông tin, nhằm mang lại lợi ích cho mọi quốc gia, khu vực, mọi tầng lớp, mọi nhóm đối tượng.
Thứ sáu, để thúc đẩy sự phát triển cân bằng của toàn cầu hóa kinh tế, các tổ chức quốc tế, các cơ chế đa phương như Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), APEC, chính phủ các nước có liên quan, các tổ chức tư nhân có liên quan cần ủng hộ và tham gia xây dựng cơ chế hợp tác đa phương rộng mở, nhằm cùng thúc đẩy sự kết nối của hạ tầng giao thông, sự kết nối về mặt cơ chế, cũng như sự kết nối về giao lưu dân gian.
Diễn đàn châu Á Bác Ngao là một trong những sân đối thoại quan trọng giữa châu Á và các nền kinh tế mới nổi, được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm làm rõ, nhìn thẳng vào vấn đề toàn cầu hóa, đồng thời kêu gọi cho tiến trình toàn cầu hóa mang tính bao dung hơn. Diễn đàn châu Á Bác Ngao là một Tổ chức quốc tế phi chính phủ, phi lợi nhuận, được thành lập từ năm 2001 với tôn chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhằm hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của kinh tế khu vực.
TTXVN/ Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu