Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 27/01/2025 11:52 (GMT +7)
Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19
Thứ 7, 09/05/2020 | 15:45:00 [GMT +7] A A
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, sáng 9/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho rằng: Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng, NHNN và toàn hệ thống các NHTM trong thời gian qua đã chủ động, quyết liệt triển khai hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tập trung mọi nguồn lực nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết NHNN đã và đang điều hành ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu biến động mạnh, diễn biến tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ngay khi xảy ra dịch bệnh, NHNN đã chủ động ban hành các văn bản và tổ chức làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng (TCTD), yêu cầu TCTD rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng để xây dựng chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Về điều hành lãi suất, Thống đốc NHNN cho biết: Tiếp theo 3 đợt điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất từ cuối năm 2019, từ ngày 17/3/2020, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành từ 0,5- 1%/năm, giảm 0,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 5,5%/năm) nhằm ổn định và giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tại cuộc họp với các NHTM ngày 31/3/2020, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các NHTM đã đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối đa đến 2% so với thời điểm trước dịch đối với các khoản vay cũ và khoản cho vay mới.
Về điều hành tỷ giá, NHNN điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Tiếp tục công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày tham chiếu diễn biến thị trường, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu mục tiêu chính sách tiền tệ; Phối hợp đồng bộ các giải pháp, công cụ khác (điều tiết thanh khoản, lãi suất VND…) nhằm ổn định tỷ giá và thị trường; Truyền thông chủ động, đa phương tiện để ổn định tỷ giá; Điều chỉnh giảm tỷ giá bán can thiệp và sẵn sàng sàng bán ngoại tệ can thiệp để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, NHNN đã ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, áp dụng từ ngày 1/4 đến ngày 31/12/2020. Các TCTD vẫn tập trung tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với dư nợ tín dụng đến 31/3/2020 đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2019 (tăng cao tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế 1,13%), chiếm 53,7% dư nợ nền kinh tế.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, các TCTD đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 170.746 khách hàng với dư nợ 128.210 tỷ đồng; Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.372 khách hàng với dư nợ 28.441 tỷ đồng; Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng 1%-2% cho 147.637 khách với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt 533.122 tỷ đồng.
Về lãi suất, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết: Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động của TCTD đã liên tiếp giảm ở cả ngắn, trung, dài hạn. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng theo xu hướng giảm, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên đã giảm khoảng 0,5%/năm so với cuối năm 2019.
Theo số liệu công bố của IMF tháng 2/2020, lãi suất cho vay của Việt Nam ở mức 7,7%, tương đương với lãi suất cho vay của Philippines (7,13%) và thấp hơn một số nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực, như: Indonesia (10,01%), Mông Cổ (16,81%) và Bangladesh (9,62%), Ấn Độ (9,4%), Myanmar (16%).
Tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường không xáo trộn, nhất là cân đối cung, cầu ngoại tệ vẫn khá thuận lợi. Trong hơn 3 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, tỷ giá chỉ biến động trong biên độ 1,3-1,5%. Đồng Việt Nam ổn định hơn nhiều so với đồng tiền của nhiều đối tác thương mại. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Nhiều thách thức với các tổ chức tín dụng
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết: Trước tác động của dịch bệnh, ngành ngân hàng đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, cho nền kinh tế, tuy nhiên các TCTD cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh thì ngân hàng cũng chịu hậu quả nặng nề khi doanh nghiệp không trả được nợ, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.
Nhiều doanh nghiệp đã phát sinh nợ quá hạn vì kinh doanh thua lỗ xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan trước khi dịch bệnh xảy ra, không đủ điều kiện để các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/NHNN-TT nhưng vẫn liên tục kiến nghị đến ngành ngân hàng, tạo áp lực cho hoạt động của các TCTD.
Mặc dù các TCTD đã triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng do nhu cầu tín dụng của khách hàng sụt giảm nên tín dụng những tháng đầu năm 2020 có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự linh hoạt trong bối cảnh “bình thường mới”, chưa có phương án chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nên khó khăn cho các TCTD trong việc thẩm định, quyết định cho vay mới.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất trong thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng điều hành lãi suất một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường, mục tiêu chính sách tiền tệ, đặc thù hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho các TCTD ổn định và giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo ổn định tỷ giá.
Thống đốc NHNN khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD quyết liệt triển khai có kết quả, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hạ lãi suất các khoản vay hiện hữu, cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn; Chủ động cân đối vốn để sẵn sàng đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc; Tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thanh khoản của các TCTD để có phương án điều hành nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn phù hợp hỗ trợ hoạt động của hệ thống các TCTD.
Đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó: Khẩn trương hướng dẫn và tái cấp vốn cho NHCSXH để cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động; Chỉ đạo các TCTD và Napas miễn phí chuyển tiền của NHCSXH đối với các khoản thanh toán phục vụ cho việc chuyển tiền để giải ngân, cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động, miễn phí dịch vụ thanh toán đối với các các khoản chuyển tiền hỗ trợ trực tiếp tới người thụ hưởng.
Thống đốc NHNN cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành có các biện pháp quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đối với những công trình trọng điểm quốc gia, các dự án phát triển đô thị (nhất là những dự án sắp hoàn thành và chuẩn bị khởi công), xem xét một số dự án quan trọng để chỉ đạo trực tiếp việc triển khai, đảm bảo tiến độ và hiệu quả.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện mạnh mẽ để triển khai các dự án FDI, dự án đầu tư tư nhân (nhất là tại các khu vực kinh tế trọng điểm). Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành; khuyến khích các hoạt động đổi mới, sáng tạo… để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết…
https://baotintuc.vn/thoi-su/dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-tin-dung-ho-tro-doanh-nghiep-ung-pho-voi-dich-covid19-20200509123106267.htm
Ý kiến ()