Để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phát triển, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Shanahan cũng đã đề cập tầm nhìn của Mỹ tại khu vực, không chỉ là đối thoại cải thiện quan hệ với Trung Quốc mà phải dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và độc lập của tất cả các quốc gia; giải quyết tranh chấp hòa bình; thương mại tự do và tôn trọng các quy tắc và chuẩn mực.
Các tham luận của nhiều đại biểu tại Đối thoại Shangrila lần này đều khẳng định, việc ứng xử, hành động của các nước lớn có vai trò rất quan trọng, nếu xung đột xảy ra sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia trực tiếp liên quan mà còn tác động đến cả khu vực và thế giới. Chính vì vây, phải giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình và đối thoại.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, để giải quyết các tranh chấp hiện nay, các quốc gia cần đề cao không khí hòa bình, với tinh thần đối tác và vì trách nhiệm với cộng đồng. Vấn đề quan trọng là cách thức xử lí cạnh tranh. Dù có khác biệt về lợi ích, nhưng nếu mọi quốc gia đều đặt hòa bình, ổn định lên trên hết thì các bên có thể hợp tác, tìm cách thu hẹp khác biệt, xử lí tranh chấp trong không khí hòa bình.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh nhận định, những đóng góp nổi bật của đoàn Việt Nam tại đối thoại Shangri-la lần này đó là đưa ra một công thức giải quyết tranh chấp phù hợp với tình hình hiện tại, nhất là trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh chiến lược quyết liệt tại khu vực.
Có thể khẳng định, Đối thoại Shangri-la 18 đã thành công tốt đẹp khi có số lượng đại biểu tham gia đông nhất từ trước đến nay, với 44 đoàn đại biểu cấp chính phủ từ 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 28 quan chức cấp bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao, các chỉ huy quốc phòng./.
Ý kiến ()