Thứ Bảy, 18/01/2025 05:53 (GMT +7)

Đòn bẩy đắc lực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Tháp

Thứ 5, 23/05/2019 | 09:55:00 [GMT +7] A  A

Theo thống kê, hiện tỉnh Đồng Tháp có 166 hợp tác xã nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Điều này góp phần làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp và thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đáng lưu ý, các hợp tác xã nông nghiệp trong năm qua doanh thu hơn 213 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân của mỗi hợp tác xã nông nghiệp gần 200 triệu đồng.

Bà con nông dân xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh chăm sóc lúa.

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, mỗi ngành hàng phải tổ chức lại không gian sản xuất và quy hoạch lại ngành hàng phù hợp với mỗi vùng sinh thái đặc trưng. Hơn nữa, để tăng sức cạnh tranh thì các chuỗi ngành hàng nông sản phải được hình thành và khi đó hợp tác xã phải trở thành chỗ dựa, phát huy kinh tế hộ đang manh mún, nhỏ lẻ, giữ vai trò liên kết với doanh nghiệp.

Theo ông Lê Minh Hoan, hợp tác xã là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp người dân cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Cùng đó, hoạt động dựa trên triết lý lợi thế về quy mô, hợp tác của nhiều thành viên sẽ trở thành sức mạnh cộng đồng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Bởi, nếu không có hợp tác xã đủ mạnh, hoạt động hiệu quả sẽ không thể thay đổi cấu trúc các ngành hàng nông sản cũng như lịch thời vụ phù hợp với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, suy giảm tài nguyên nước như trong thời gian qua.

Do vậy, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất như đầu tư nhà màng, nhà lưới, tưới tiết kiệm ướt khô xen kẽ, sấy ớt bằng năng lượng mặt trời, áp dụng hệ thống tưới phun tự động, bón phân, phun xịt thuốc tự động trên cây ăn trái…

Ngoài ra, nhiều hợp tác xã đang áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa và giảm sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, góp phần giảm phát thải khí nhà kính…

Đáng lưu ý, các hợp tác xã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ của các thành viên, phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách làm của bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết với doanh nghiệp. Qua đó, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Ông Phan Công Chính, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình, huyện Thanh Bình cho biết, với diện tích 713 ha, mỗi năm hợp tác xã cung ứng cho thị trường khoảng 2,2 triệu cây giống rau màu chất lượng cao, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quốc tế SRP. Không chỉ vậy, hợp tác xã còn thực hiện dịch vụ sấy giữ lúa trong kho cho nông dân, đẩy mạnh liên kết sản xuất tiêu thụ gạo với nhiều doanh nghiệp. Còn hợp tác xã giống nông nghiệp Định An, huyện Lấp Vò nghiên cứu lai tạo ra nhiều giống lúa đặc sản chất lượng cho năng suất cao, bán được giá nên nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Theo ông Nguyễn Văn Huỳnh – Giám đốc Hợp tác xã Thuận Tiến, huyện Cao Lãnh, với giải pháp nâng cao mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, hợp tác xã đã liên kết với các công ty thu mua nhằm tiêu thụ cho nông dân ở hợp tác xã với diện tích 650 ha lúa/năm. Mặt khác, hợp tác xã còn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, thu mua lúa cao hơn thị trường 150 đồng/kg, tăng thêm lợi nhuận cho nông dân của hợp tác xã 15-20%…

Bên cạnh những kết quả khả quan nhiều ý kiến cho rằng, một chiến lược dài hạn không thể thực thi khi “tư duy mùa vụ” của nông dân và “tư duy thương vụ” của doanh nghiệp còn tồn tại. Đặc biệt, thương hiệu nông sản không thể xây dựng với hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ, mà phải là hợp tác xã.

Theo Nguyễn Văn Trí (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu