Thứ Ba, 21/01/2025 00:02 (GMT +7)

EU công bố kế hoạch giúp người di cư hòa nhập xã hội nhanh hơn

Thứ 4, 25/11/2020 | 17:04:00 [GMT +7] A  A

Ngày 24/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố Kế hoạch Hành động về Hội nhập và Gắn kết nhằm cải thiện mức độ hội nhập của người di cư tại Liên minh châu Âu (EU).

Người di cư được cứu tại khu vực ngoài khơi Libya ngày 25/6/2020. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN

Trong thông báo, EC nêu rõ kế hoạch đề xuất các biện pháp hỗ trợ mang tính tập trung và chi tiết, trong đó xem xét tới những đặc điểm cá nhân có thể khiến những người gốc di cư gặp thách thức nhất định tại các nước EU, như giới tính hay tôn giáo. Các hành động chính sẽ tập trung vào công tác giáo dục, đào tạo người di cư, cơ hội làm việc và được ghi nhận kỹ năng, việc tiếp cận dịch vụ y tế, cũng như nhà ở phù hợp và có giá phải chăng.

Theo kế hoạch, EC sẽ thực hiện một cuộc khảo sát dựa trên sắc tộc để đánh giá mức độ hội nhập của người di cư. Mục đích của khảo sát là thu thập các dữ liệu chính xác và có thể đối chiếu về quy mô và bản chất tình trạng phân biệt đối xử mà người di cư đang phải chịu đựng, qua đó theo dõi hiệu quả của chính sách trong dài hạn. Việc này đòi hỏi phân chia dữ liệu dựa trên nguồn gốc chủng tộc và sắc tộc.

Cuộc khảo sát do Cơ quan về các quyền cơ bản của EU dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2022, trong đó tập trung vào người nhập cư và hậu duệ của họ tại 27 nước thành viên EU. Kết quả khảo sát sẽ giúp bổ sung dữ liệu còn thiếu về việc người di cư bị phân biệt đối xử như thế nào dựa trên sắc tộc so với các yếu tố khác như giới tính, khuyết tật và tuổi tác.

Hiện các nước EU có cách tiếp cận khác nhau về vấn đề này. Điển hình như tại Pháp, việc khảo sát người dân về nguồn gốc sắc tộc là bất hợp pháp dù nước này cho phép đặt câu hỏi về nơi sinh và quốc tịch. Dù EC mong muốn thực hiện kế hoạch hành động này nhằm giúp người di cư trong khu vực hội nhập tốt hơn, song các lĩnh vực liên quan đến hội nhập (như giáo dục, y tế, việc làm và nhà ở) thuộc về trách nhiệm giải quyết của chính phủ các nước. Tuy nhiên, có thể dùng kết quả khảo sát làm tư liệu cho hiệp ước về di cư và tị nạn mới mà EC đề xuất vào tháng 9 vừa qua. Mục tiêu của hiệp ước này là vượt qua sự bất đồng cố hữu giữa các nước thành viên về cách thức tiếp nhận người di cư, đặc biệt là người tị nạn vào EU một cách bất hợp pháp.

Phó Chủ tịch EC về thúc đẩy cuộc sống tại châu Âu Margaritis Schinas khẳng định các chính sách về hội nhập đóng vai trò quan trọng đối với những người mới đến, cộng đồng địa phương, góp phần hướng tới xã hội gắn kết và nền kinh tế vững mạnh. Còn Ủy viên châu Âu về các vấn đề nội vụ Ylva Johansson cho rằng với chính sách thúc đẩy hội nhập mang tính bao trùm, mọi người đều nhận được công cụ và sự hỗ trợ như nhau để đóng góp cho xã hội, nhờ đó người di cư có thể phát huy được tối đa tiềm năng, trong khi xã hội châu Âu được hưởng lợi từ kỹ năng và thế mạnh của họ.

Những người di cư và công dân gốc di cư đóng vai trò quan trọng trong xã hội và các ngành kinh tế của châu Âu, khi có tới khoảng 34 triệu người định cư tại EU được sinh ra bên ngoài khối. Khoảng 10% những người trong độ tuổi 15-34 tại EU có ít nhất bố hoặc mẹ được sinh ra bên ngoài khối. Họ đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến tiếp cận giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe và hòa nhập xã hội.

Đặng Ánh (TTXVN)
https://baotintuc.vn/the-gioi/eu-cong-bo-ke-hoach-giup-nguoi-di-cu-hoa-nhap-xa-hoi-nhanh-hon-20201125102146689.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu