Tất cả chuyên mục

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết mọi nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp đều được ngành ngân hàng đáp ứng đủ, mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất.
Những ngày qua, thị trường ngoại hối trong nước đang chứng kiến diễn biến "nóng" khi tỷ giá USD/VNĐ liên tục thiết lập mức kỷ lục mới. Đỉnh điểm rơi vào ngày 25/4, giá USD tại các ngân hàng thương mại được niêm yết mua vào ở mức 25.805 đồng/USD và bán ra ở 26.195 đồng/USD, tăng 235 đồng so với cách đây 2 tuần. Đây là mức cao chưa từng có trong lịch sử.
Điều đáng chú ý là trong khi USD tại Việt Nam tăng mạnh thì chỉ số sức mạnh đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế (USD Index - DXY) lại giảm sâu, chỉ còn 98,975 điểm, mức thấp nhất kể từ năm 2022, phản ánh tâm lý tiêu cực trên thị trường.
Các chuyên gia cho rằng chính sách thuế quan mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là đề xuất áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam, đã tạo ra tâm lý lo ngại về dòng vốn và cán cân thương mại. Điều này khiến nhu cầu tích trữ USD tăng cao, đẩy tỷ giá trong nước leo thang.
Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc và thiết bị, chủ yếu thanh toán bằng USD. Khi căng thẳng địa chính trị chưa hạ nhiệt, chi phí logistics và vận chuyển quốc tế tăng mạnh, doanh nghiệp phải mua USD nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu, tạo áp lực lên tỷ giá.
Ông Phạm Văn Vĩnh, Giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, hải quan, Công ty Kiểm toán PwC, cho biết các doanh nghiệp đang rất trông chờ và kỳ vọng vào nỗ lực đàm phán của Chính phủ.
Ông Vĩnh đặt câu hỏi, vậy các kịch bản có thể xảy ra sau ngày 9/7 (hết thời hạn 90 ngày) là gì? Việt Nam có thể đàm phán giữ thuế hoặc tăng lên mức nào? Các doanh nghiệp xuất khẩu rất quan tâm đến bối cảnh vĩ mô, nhất là khi tăng trưởng kinh tế năm nay đặt mục tiêu cao...
Ông Bill Nguyễn - Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Cainver (chuyên về xuất khẩu gỗ) cũng chia sẻ hiện tại nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang đối diện với nhiều khó khăn, vừa tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động, vừa lo tỷ giá USD/VND tăng và gần nhất là lo thuế đối ứng 46% áp với hàng hóa xuất khẩu qua Mỹ.
"Trải qua COVID-19, các doanh nghiệp vẫn trụ lại được và đang phục hồi nhưng tới đợt thuế đối ứng lần này thì rất lo lắng. Hiện không ít bạn hàng lớn đang đàm phán lại, yêu cầu giảm giá đơn hàng, thay đổi phương thức thanh toán, yêu cầu mở thư tín dụng nâng lên 90-120 ngày... Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có kỹ năng đàm phán. Không ít ngân hàng nước ngoài đã tiếp cận chúng tôi chào bán các gói dịch vụ để giảm thiểu rủi ro," ông Bill Nguyễn băn khoăn.
Các chuyên gia cũng nhận định về lý thuyết khi tỷ giá tăng thì xuất khẩu sẽ được hưởng lợi hơn so với doanh nghiệp nhập khẩu, nhưng một số doanh nghiệp lại cho rằng điều này không đúng vì doanh nghiệp xuất khẩu nhưng cũng nhập khẩu khá nhiều.
Việc tỷ giá USD/VND tăng mạnh kéo theo những tác động trái chiều đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong các lĩnh vực như dệt may, thủy sản, đồ gỗ, việc VND mất giá so với USD giúp họ có lợi thế về giá, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn ghi nhận đơn hàng tốt hơn trong tháng Ba và đầu tháng Tư nhờ tỷ giá thuận lợi.
Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho biết: “Hàng công nghiệp chế biến chiếm gần 90% xuất khẩu nhưng phần lớn linh kiện phải nhập khẩu. Khi USD tăng giá, chi phí nhập khẩu nguyên liệu cũng tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh.”
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su Nhựa Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: "Giá nhập khẩu tăng do tỷ giá, trong khi sức mua trong nước chưa phục hồi mạnh. Nếu không cẩn thận điều chỉnh chiến lược giá, doanh nghiệp rất dễ rơi vào thế khó."
Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và EU đang đối mặt với lạm phát và sức mua giảm, dẫn đến đơn hàng sụt giảm. Một số doanh nghiệp dệt may báo cáo đơn hàng giảm 30%-40% do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu chịu áp lực lớn do chi phí đầu vào tăng. Những ngành phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu như điện tử, dược phẩm, máy móc thiết bị... đang đối mặt với bài toán tăng giá bán hoặc chấp nhận giảm biên lợi nhuận.
Trước tình hình tỷ giá leo thang, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái trấn an thị trường, cam kết tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết để ổn định thị trường.
Một số chuyên gia cho rằng nếu áp lực tỷ giá tiếp tục kéo dài, khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường các biện pháp bán ngoại tệ hỗ trợ thị trường hoặc nâng dự trữ bắt buộc USD tại các ngân hàng thương mại nhằm giảm bớt nhu cầu đầu cơ.
Tuy vậy, theo đánh giá chung, tỷ giá USD/VND trong năm 2025 dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng, song mức độ sẽ được kiểm soát chặt chẽ để tránh gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2, việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là một trong những giải pháp được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên thời gian qua. Khi đồng USD tăng giá, các đồng nội tệ khác mất giá thì việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND biến động với biên độ hợp lý, hài hòa trong mối quan hệ với lãi suất, tăng trưởng kinh tế.
"Trong 4 tháng đầu năm, giá vàng biến động mạnh nhưng thị trường ngoại hối vẫn ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mọi nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được ngành ngân hàng đáp ứng đủ, mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất," ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.
Còn Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định: “Năm 2025, tỷ giá USD/VND chịu ảnh hưởng từ cả yếu tố quốc tế như sức mạnh của USD và yếu tố nội tại như nhu cầu nhập khẩu. Chính phủ cần quản lý tỷ giá linh hoạt đồng thời tăng dự trữ ngoại hối để can thiệp kịp thời khi cần thiết”./.
Theo Vietnam+
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/gia-usd-trong-nuoc-tang-tac-dong-gi-den-cac-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-post1035813.vnp
Ý kiến ()