Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 06/01/2025 18:13 (GMT +7)
Giáo sư Trần Văn Giàu – Biểu tượng cho khí chất quật cường và tinh thần khẳng khái của đất và người Nam Bộ
Thứ 6, 16/12/2022 | 08:41:09 [GMT +7] A A
Hôm nay, trên quê hương Châu Thành - một vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nhân kỷ niệm 12 năm ngày mất (2010-2022) của nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh Long An tổ chức trọng thể Lễ khánh thành Nhà lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu.
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của BCHTW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên toàn tỉnh- trong đó có di tích lịch sử Khu Lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu.
Giáo sư Trần Văn Giàu là một nhà cách mạng, nhà giáo ưu tú, nhà nghiên cứu khoa học lỗi lạc, người cống hiến cả cuộc đời cho đất nước đến hơi thở cuối cùng. Đồng chí sinh ngày 11/9/1911, trong một gia đình trung lưu ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Năm 1925, đồng chí lên Sài Gòn học trường trung học Chasseloup Laubat. Năm 1928, sau khi lấy bằng Tú tài, đồng chí Trần Văn Giàu được gia đình cho sang Pháp du học tại trường Đại học Toulouse. Tháng 3/1929, đồng chí bí mật tham gia Đảng cộng sản Pháp và hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh của du học sinh và công nhân người Việt ở thành phố Toulouse. Năm 1930, đồng chí tham gia biểu tình trước dinh Tổng thống Pháp ở Paris đòi hủy bỏ án tử hình đối với các thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Trong cuộc biểu tình này, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và bị trục xuất về Việt Nam. Về nước, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng tại Sài Gòn - Chợ Lớn, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, được phân công phụ trách Ban học sinh và Ban phản đế của Xứ ủy Nam Kỳ. Năm 1931, đồng chí được tổ chức đưa sang Liên Xô học trường Đại học Đông Phương và tốt nghiệp năm 1933 với đề tài “Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương”. Về Sài Gòn, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia tổ chức lại Xứ ủy Nam Kỳ. Ngày 25/6/1935, đồng chí bị thực dân Pháp kết án 5 năm tù, 10 năm quản thúc vì tội “hoạt động lật đổ chính quyền”. Tháng 4/1940, đồng chí mãn hạn tù nhưng chỉ 9 ngày sau lại bị Pháp bắt, đưa đi an trí tại Tà Lài - một vùng rừng thiêng nước độc thuộc tỉnh Bình Phước. Tháng 3/1942, đồng chí vượt ngục về Sài Gòn tiếp tục hoạt động cách mạng. Từ ngày 13 đến 15/10/1943, Xứ ủy Nam kỳ họp, bầu đồng chí Trần Văn Giàu làm Bí thư Xứ ủy nhưng đồng chí vắng mặt tại hội nghị nên đồng chí Dương Quang Đông tạm thời đảm nhận trọng trách này để sau đó trao lại cho đồng chí Trần Văn Giàu.
Năm 1945, Cách mạng Tháng 8 thành công ở Nam Bộ có công lao to lớn của Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Trần Văn Giàu. Năm 1946 - 1948, đồng chí Trần Văn Giàu được Trung ương điều sang Thái Lan xây dựng lực lượng ở hải ngoại để bổ sung cho cuộc kháng chiến trong nước. Năm 1949, đồng chí được Trung ương Đảng điều về nước làm Tổng giám đốc Nha thông tin.
Năm 1951, Bộ Giáo dục chủ trương thành lập Trường Dự bị đại học ở vùng kháng chiến Thanh – Nghệ - Tĩnh rộng lớn, từ một cán bộ chính trị, đồng chí Trần Văn Giàu chuyển sang công tác ở lĩnh vực giáo dục. Năm 1954, sau khi tiếp quản thủ đô, đồng chí giữ chức Trưởng khoa văn – sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Giữa năm 1956, Trường Đại học tổng hợp Hà Nội được thành lập, đồng chí là Bí thư Đảng ủy của trường nhưng vẫn tham gia đào tạo ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Những năm 1962 – 1975, đồng chí công tác tại Viện sử học thuộc Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam. Trong sự nghiệp giáo dục, đồng chí Trần Văn Giàu đã cùng với các trí thức lớn đương thời đào tạo một thế hệ thanh niên trở thành các nhà quản lý, các nhà khoa học hàng đầu, các chuyên gia lớn của đất nước về khoa học và giáo dục. Từ sau năm 1975, đồng chí tiếp tục miệt mài nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội.
Giáo sư Trần Văn Giàu là một nhà khoa học lớn có uy tín cao không những trong nước mà cả trong giới khoa học thế giới. Giáo sư đã có hơn 150 công trình khoa học với hàng vạn trang sách đã được xuất bản. Các công trình khoa học của Giáo sư đã để lại một dấu ấn riêng, những phát hiện mới với những quan điểm có tính thuyết phục cao, thể hiện sự thống nhất giữa tính chiến đấu và tính khoa học. Với những cống hiến, những công trình nghiên cứu và giảng dạy của mình trên lĩnh vực triết học, sử học và văn học, đồng chí Trần Văn Giàu được phong hàm Giáo sư trong lớp giáo sư đầu tiên của nước ta.
Giáo sư Trần Văn Giàu từ trần ngày 16/12/2010, được an táng tại xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành- mảnh đất quê hương yêu thương đã hun đúc nên tấm gương kiên trung của một người Nam Bộ khả kính.
Với 100 tuổi đời, 81 tuổi Đảng, hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi trên nhiều cương vị khác nhau, Giáo sư Trần Văn Giàu đã dâng hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Từ một thanh niên trí thức yêu nước, ông đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành một chiến sĩ cộng sản, một nhà cách mạng kiên cường, kinh qua bao phong ba bão táp của cách mạng nước nhà trong những giai đoạn đầu tiên, vượt qua ngục tù, đòn roi của kẻ thù, lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và các tỉnh Nam bộ thành công; theo sự phân công của Đảng, ông trở thành một trong những người đầu tiên khai sáng ra nền giáo dục đại học của nước nhà, trở thành người thầy của những người thầy, cây đại thụ của khoa học xã hội và nhân văn nước nhà. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng quang vinh của Giáo sư Trần Văn Giàu là biểu tượng cho khí chất quật cường và tinh thần khẳng khái của đất và người Nam Bộ nói chung, của đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An nói riêng trong sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc và xây dựng Tổ quốc. Với Đảng bộ và nhân dân Long An, Giáo sư Trần Văn Giàu thực sự là niềm tự hào, là tấm gương sáng để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo, học tập, kế thừa.
Sau ngày Giáo sư Trần Văn Giàu từ trần, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Long An đã chung tay xây dựng khu mộ Giáo sư và gia tộc, trồng cây cảnh quanh khu mộ để tri ân và tôn vinh người đã có đóng góp lớn lao đối với lịch sử và văn hóa của nước nhà. Cùng với Nhà thờ tộc Trần, khu mộ của Giáo sư Trần Văn Giàu đã trở thành địa địa điểm lưu niệm về Giáo sư và là nơi tham quan, học tập bổ ích đối với nhân dân trong và ngoài tỉnh. Khu Lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu được xếp hạng là di tích cấp tỉnh năm 2012.
Để phát huy giá trị, ý nghĩa của di tích trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, việc xây dựng Nhà lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu tại di tích là việc làm hết sức cần thiết. Là địa phương có sự gắn bó máu thịt với tỉnh Long An, từng có chung những trang sử vẻ vang, từng kề vai sát cánh trong sự nghiệp đấu tranh giành động lập dân tộc và cũng là nơi địa bàn hoạt động nhiều năm của Giáo sư Trần Văn Giàu, Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ hoàn toàn kinh phí để xây dựng Nhà Lưu niệm Giáo sư tại xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Hôm nay, sau thời gian triển khai xây dựng, có lúc phải tạm ngưng vì dịch Covid 19, công trình Nhà Lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu được khánh thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An cùng gia đình Giáo sư Trần Văn Giàu.
Từ đây, tỉnh Long An sẽ có thêm một công trình văn hóa - lịch sử quan trọng trên vùng đất Châu Thành địa linh nhân kiệt. Việc xây dựng và khánh thành Nhà lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu không những phù hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn, thủy chung son sắt của dân tộc mà còn góp phần thiết thực cho công tác giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao đời sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện Châu Thành theo định hướng phát triển đến 2025 và định hướng chung của tỉnh Long An những năm tiếp theo. Công trình còn là một biểu tượng của tinh thần đoàn kết, nghĩa tình giữa tỉnh Long An và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban Biên tập - Đài Phát thanh và Truyền hình Long An
Ý kiến ()