Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 06:45 (GMT +7)
Hà Tĩnh hỗ trợ người dân sau sự cố môi trường biển
Thứ 6, 01/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Người dân và chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã và đang nỗ lực thực hiện tái cơ cấu sản xuất, hỗ trợ người dân từng bước ổn định cuộc sống sau vụ loạt cá chết.
Ngư dân xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh đánh bắt sứa trở về. Ảnh: Công Tường/TTXVN |
Tuy chưa hết băn khoăn lo lắng sau khi nguyên nhân và thủ phạm chính gây ra sự cố môi trường biển được công bố, song việc mà người dân và chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã và đang nỗ lực thực hiện là tái cơ cấu sản xuất, hỗ trợ người dân từng bước ổn định cuộc sống.
Hà Tĩnh có bờ biển dài 137 km kéo dài từ huyện Nghi Xuân đến thị xã Kỳ Anh với 4 cửa sông và nhiều bãi triều. Diện tích thềm lục địa là 18.400 km2, trữ lượng cá ước tính 86.000 tấn. Toàn tỉnh có 34 xã thuộc các huyện, thị xã ven biển với số dân 268.871 người, theo đó có trên 16.000 hộ với khoảng 80.000 người lao động gắn với hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài ra rất nhiều gia đình, cá nhân hoạt động trong các ngành, nghề liên quan đến biển như: Sản xuất muối, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ hải sản; kinh doanh dịch vụ hải sản, du lịch biển và các lĩnh vực khác.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Sau sự cố hải sản chết xảy ra tại các địa phương ven biển, tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương tìm nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt, đồng thời đã ban hành và triển khai ngay các chính sách hỗ trợ. Nhờ vậy, đến nay đời sống của người dân đã từng bước ổn định.
Từ đầu tháng 5, tỉnh Hà Tĩnh đã trích ngân sách 6,05 tỷ đồng mua 605.212kg gạo cấp hỗ trợ khẩn cấp cho 26.898 nhân khẩu thuộc 6.254 hộ tại vùng bị ảnh hưởng trực tiếp thuộc thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh. Tiếp đó, Hà Tĩnh tiếp nhận thêm 899.460kg gạo từ Quỹ dự trữ quốc gia tiến hành cấp phát cho 39.976 nhân khẩu thuộc 10.667 hộ gia đình tại các xã ven biển Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân và huyện, thị xã Kỳ Anh; hỗ trợ cho 4.681 chủ tàu, thuyền với số tiền là 21.557 triệu đồng.
Hà Tĩnh đã kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân, các tổ chức thu mua muối và có các chính sách hỗ trợ lãi suất thu mua muối cho diêm dân; đến nay các doanh nghiệp đã vay 750 triệu đồng để thu mua muối cho diêm dân. Ngoài ra, tỉnh còn mở hàng chục điểm kinh doanh, thu mua hải sản an toàn và có các chính sách kịp thời để các cửa hàng, các đơn vị thu mua hải sản cho nhân dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi các tổ chức các nhân trong và ngoài nước quyên góp tiền trên 18 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.
Đến thời điểm cuối tháng 6, tình hình lao động sản xuất tại Hà Tĩnh đã từng bước ổn định, từ 10/5 – 21/6 người dân vùng ven biển đã ra khơi bám biển, sản lượng khai thác ước đạt 4.874 tấn. Lĩnh vực nuôi trồng hải sản cũng từng bước khôi phục, bà con đã tiến hành thả nuôi trên 1.487ha, còn lại gần 1.290ha nuôi tôm, cá mặn lợ chưa thả nuôi theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục hỗ trợ và có các chính sách giúp đỡ người dân ổn định sản xuất, đặc biệt là các ngành nghề nuôi trồng, khai thác thủy hải sản. Tỉnh Hà Tĩnh tham mưu các bộ, ngành của Trung ương sớm tái cơ cấu kinh tế và có các chính sách phát triển phù hợp, giúp nhân dân chuyển đổi hình thức sản xuất, chuyển đổi và tạo công ăn việc làm cho bà con trung vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường. Trước mắt, tỉnh Hà Tĩnh có các văn bản hướng dẫn các sở, ngành hỗ trợ lãi suất, tiền cho người dân vùng ven biển đóng mới nâng cấp tàu, thuyền đánh bắt hải sản ở vùng biển an toàn nhằm đảm bảo nguồn hải sạn an toàn, vừa nâng cao thu nhập vừa bảo đảm giữ vững chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư hạ tầng để phát triển ngành khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản sạch, thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước như dự án của Tập đoàn FLC, Dự án biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót huyện Lộc Hà.
Tỉnh Hà Tĩnh tăng cường quản lý nhà nước về môi trường, kiểm tra, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khu Kinh tế Vũng Áng, đặc biệt là tại các Dự án có lượng xả thải ra môi trường lớn; hoàn thành sớm việc xây dựng Trạm quan trắc môi trường tự động tại Khu kinh tế Vũng Áng để giám sát việc xả thải của Formosa và các Dự án trong Khu kinh tế.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng khuyến cáo, người dân cần bình tĩnh, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, kích động gây rối làm mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Ý kiến ()