Thứ Tư, 22/01/2025 23:53 (GMT +7)

Hàn Quốc áp dụng công nghệ 4.0 vào giáo dục phổ thông

Thứ 5, 20/08/2020 | 17:06:00 [GMT +7] A  A

Ngày 20/8, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức xúc tiến dự án chuyển đổi các trường học theo mô hình mới mang tên “Trường học tương lai” có thể giảng dạy trực tiếp và trực tuyến, kết hợp công nghệ kỹ thuật số và thân thiện với môi trường.

Học sinh tham gia lớp học trực tuyến tại Suwon, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hàn Quốc đang lên kế hoạch chi 18.000 tỷ won (khoảng 15,2 tỷ USD) cho dự án “Trường học thông minh xanh” (GSS) tới năm 2025 dành cho việc nâng cấp hơn 2.800 trường học trên quy mô toàn quốc.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 18/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tới thăm Trường Trung học nữ Changdeok, được chọn là “Trường học tương lai” số 1 của thủ đô Seoul, nằm trong dự án GSS thuộc Chính sách Kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc (KND).

Trường Trung học nữ Changdeok có tuổi đời 75 năm, hiện sử dụng hệ thống năng lượng thân thiện với môi trường như các tấm pin năng lượng mặt trời, đồng thời áp dụng hệ thống giảng dạy (toàn bộ các môn học) dựa trên nền tảng kỹ thuật số, đón đầu thời kỳ “không tiếp xúc”.

Tổng thống Moon Jae-in đã tham dự một tiết học được vận hành bằng máy tính bảng, trong đó cài đặt sẵn chương trình học (thay thế sách giáo khoa), một tiết học khoa học vận dụng công nghệ thực tế tăng cường thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone), và một tiết học toán bằng phần mềm “Algeomath” do một doanh nghiệp Hàn Quốc tự phát triển.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục Hàn Quốc (MOE) cho biết sẽ công bố phương án sửa đổi chương trình giáo dục cấp tiểu học và trung học cơ sở. Theo đó, MOE sẽ cho giảng dạy môn “Cơ sở trí tuệ nhân tạo” và môn “Toán trí tuệ nhân tạo”. Hai môn học tự chọn định hướng nghề nghiệp tương lai này hiện mới chỉ được đưa vào chương trình học ở cấp trung học phổ thông. Dự kiến học sinh tiểu học và trung học cơ sở từ năm 2021 sẽ bắt đầu được học hai môn này.

Theo MOE, các môn học trong chương trình giáo dục trung học phổ thông tại Hàn Quốc được chia làm 3 loại, gồm môn học chung dành cho các học sinh lớp 10; môn học tự chọn thông thường cho học sinh lớp 11 và 12 (tùy vào sở thích và định hướng nghề nghiệp tương lai của học sinh) và môn học tự chọn cho nghề nghiệp tương lai có nội dung chuyên sâu.

Các môn học về trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được bổ sung vào nhóm môn học tự chọn cho nghề nghiệp tương lai để giảng dạy cho học sinh lớp 11 và 12. Theo đó, môn “Toán trí tuệ nhân tạo” sẽ tập trung vào nguyên lý toán học liên quan tới trí tuệ nhân tạo. Còn môn “Cơ sở trí tuệ nhân tạo” chú trọng nguyên lý của trí tuệ nhân tạo. Do là hai môn tự chọn nên không bắt buộc học sinh phải học. Các trường sẽ tiến hành khảo sát lấy ý kiến của học sinh trước khi triển khai thực hiện.

MOE cho biết sẽ thu thập ý kiến về vấn đề trên đến ngày 31/8 tới. Sau đó, từ tháng 9 các nhà xuất bản sẽ bắt đầu soạn và thẩm định sách giáo khoa. Toàn bộ quá trình này dự kiến sẽ mất khoảng một năm nên nhiều khả năng hai môn học này sẽ bắt đầu được áp dụng từ học kỳ II của năm học 2021 tới.

Anh Nguyên (TTXVN)
https://baotintuc.vn/giao-duc/han-quoc-ap-dung-cong-nghe-40-vao-giao-duc-pho-thong-20200820142700054.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu