Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 08:53 (GMT +7)
HĐBA LHQ thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên, Mỹ vẫn thấy chưa đủ cứng rắn
Thứ 5, 14/09/2017 | 11:37:00 [GMT +7] A A
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 11/9 đã nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt mới do Mỹ soạn thảo nhằm vào Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và mạnh nhất của nước này, tuy nhiên liệu chúng có đủ cứng rắn để buộc lãnh đạo Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng của mình?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. |
Các lệnh trừng phạt mới nhằm vào các mặt hàng mua bán quan trọng của Triều Tiên nhưng nó không mạnh mẽ như Mỹ mong đợi. Một lệnh cấm xuất khẩu dầu tới Triều Tiên được đề xuất, song quyết định cuối cùng chỉ dừng lại ở lệnh cắt giảm.
Đó là kết quả từ sự phản đối của Trung Quốc và Nga. Anthony Ruggiero – nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội Quốc phòng Dân chủ tại Washington cho biết: “Trung Quốc và Nga chỉ sẵn sàng chấp nhận các lệnh trừng phạt có lỗ hổng cho phép họ thể hiện mình có quyền lực như thế nào”.
Các nhà phân tích nghi ngờ Bắc Kinh, Moskva và các quốc gia khác sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt chặt chẽ như thế nào.
Nhận định về lệnh trừng phạt mới của LHQ, Tổng thống Donald Trump hoài nghi về tính hiệu quả của chúng, cho rằng đó chỉ là “một bước đi nhỏ khác”.
Trong cuộc gặp mặt với Thủ tướng Malaysia ngày 12/9, Tổng thống Trump bày tỏ: “Tôi không rõ nó có bất kỳ tác động nào không… Những lệnh trừng phạt đó chẳng là gì khi so với điều cuối cùng sẽ phải xảy đến”.
Nhiều chuyên gia liên tục chỉ trích Trung Quốc – đồng minh duy nhất đóng góp 90% hoạt động thương mại nước ngoài của Triều Tiên – đã không làm đủ trong việc thực thi các lệnh trừng phạt trước của LHQ.
Theo lệnh trừng phạt mới, LHQ cắt giảm số dầu thô bán cho Triều Tiên mỗi năm chỉ còn 4 triệu thùng. Nhưng Trung Quốc – quốc gia chịu trách nhiệm gửi dầu thô tới nước láng giềng qua ống dẫn dầu – đã ngừng cung cấp số liệu từ cách đây 3 năm.
Kent Boydston – một nhà phân tích nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson – tự hỏi: “Làm thế nào mà chúng ta biết được Trung Quốc đang giới hạn lượng dầu xuất khẩu sang đó trong khi họ không hề công khai số liệu?”
Theo một bản báo cáo gần đây của hội đồng các chuyên gia LHQ, chỉ trong 6 tháng từ tháng 2 đến tháng 8, Triều Tiên đã xuất khẩu ít nhất 270 triệu USD các mặt hàng bị cấm.
Ông Ruggiero cho biết muốn gây sức ép Bắc Kinh và Moskva hành động nhiều hơn nữa, Mỹ phải trừng phạt thêm các công ty và cá nhân nghi ngờ làm ăn với Bình Nhưỡng.
Hiện Mỹ đang chạy đua với thời gian, khi Triều Tiên liên tiếp tiến hành một loạt các vụ phóng thử tên lửa và thử hạt nhân lần thứ 6 tuần trước.
“Dường như Mỹ đã hết kiên nhẫn. Tôi không chắc họ sẽ cho Trung Quốc bao nhiêu thời gian để thực thi theo nghị quyết LHQ”, Ruggiero nhận định.
Trước đó, sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 9 của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại Trung Quốc ngày 5/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tính toán sự sống còn của chính quyền Triều Tiên dựa vào sự phát triển của vũ khí hạt nhân.
“Họ (Triều Tiên) sẽ ăn cỏ nhưng sẽ không ngừng chương trình hạt nhân chừng nào họ cảm thấy không an toàn”, ông Putin nói.
Chính vì vậy, việc cắt giảm sản lượng dầu nhập khẩu sẽ không thay đổi quyết tâm của ông Kim Jong-un.
Ý kiến ()