Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 18/01/2025 14:49 (GMT +7)
Hộ chiếu vaccine liệu có trở thành ‘phao cứu sinh’?
Thứ 3, 23/03/2021 | 14:44:00 [GMT +7] A A
Hộ chiếu vaccine, chứng chỉ xanh hay chứng nhận tiêm chủng số là tên gọi chung của một loại thẻ số hay giấy chứng nhận cho người đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Người dân tới điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Cannes, Pháp ngày 9/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Hiện một số nước đã ban hành loại chứng nhận này nhằm giảm những rào cản, hạn chế đối với người đã được tiêm chủng trong đời sống xã hội, trong khi một số nước và khu vực cũng đang tích cực thúc đẩy việc áp dụng mô hình trêb, với mục tiêu “cứu vãn” nhiều ngành nghề bên bờ vực phá sản do đại dịch COVID-19 kéo dài.
Kể từ khi bùng phát COVID-19, ngành du lịch là một trong những ngành bị tác động nghiêm trọng và nặng nề nhất. Theo số liệu mới công bố của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO), đại dịch trong năm 2020 đã thổi bay khoảng 1.300 tỷ USD của ngành du lịch quốc tế, khiến lượng khách quốc tế giảm khoảng 1 tỷ lượt, tương đương giảm 74% so với năm 2019. Thiệt hại do đại dịch gây ra cao gấp trên 11 lần so với thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, ảnh hưởng tới 120 triệu việc làm toàn cầu, trong đó châu Âu là nạn nhân lớn nhất.
Những nền kinh tế trông chờ nhiều vào ngành du lịch ở châu Âu theo đó cũng thất thu đáng kể, ảnh hưởng không chỉ tới nguồn thu nhà nước mà còn tác động trực tiếp tới các công ty du lịch, lữ hành, khách sạn, nhà hàng, bảo tàng, hàng không,…. Ví dụ như tại CH Síp, ngành du lịch nước này năm 2018 đóng góp tới 14% GDP, Hy Lạp khoảng 9% GDP, Áo khoảng 5% GDP.
Riêng tại Đức, từ tháng 3-12/2020, ngành du lịch nền kinh tế đầu tàu châu Âu đã thiệt hại tới 68,7 tỷ euro, tương đương trung bình khoảng 1,7 tỷ euro/tuần. Các công ty lữ hành và đại lý du lịch ở Đức đã ghi nhận mức giảm doanh thu 80% trong năm ngoái, thậm chí hơn 90% trong tháng 1/2021.
Ở hầu hết các nước châu Âu, hoạt động trong ngành du lịch gần như tê liệt và tình trạng này đã kéo dài hơn 1 năm nay. Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đồng loạt triển khai chương trình tiêm chủng vaccine, ý tưởng “hộ chiếu vaccine” được đưa ra, kết hợp với việc đẩy nhanh các xét nghiệm, như khiến ngành du lịch bừng tỉnh với hy vọng vào những ngày tháng “dễ thở” hơn phía trước. Các công ty lữ hành Đức đang kỳ vọng vào một mùa du lịch Hè khởi sắc, bất chấp làn sóng lây nhiễm đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.
Theo Hiệp hội Du lịch Đức (DRV), những tổn thất do đại dịch COVID-19 gây ra ngày càng khiến các công ty lữ hành gặp khó khăn do tình trạng phong tỏa kéo dài. Tuy nhiên, các xét nghiệm nhanh cùng kế hoạch đưa vào thực hiện thẻ tiêm chủng kỹ thuật số được cho sẽ tạo sự chuyển mình cho ngành du lịch sau một năm bết bát vì khủng hoảng. Hãng lữ hành TUI hoàn toàn tự tin có thể đi lại ở châu Âu trong mùa Hè này “một cách an toàn và có trách nhiệm“. Giám đốc TUI Fritz Joussen nhấn mạnh: “Không có gì nghi ngờ rằng chứng nhận tiêm chủng của châu Âu có thể giúp khôi phục việc tự do đi lại”. TUI cũng đang phối hợp chặt chẽ với Tây Ban Nha, Hy Lạp và CH Síp cho một mùa Hè sôi động phía trước.
Giám đốc công ty du lịch DER Touristik Deutschland, ông Mark Tantz, cũng coi chứng chỉ tiêm chủng số là “phao cứu sinh” cho ngành du lịch, đặc biệt với những chặng dài. Trong khi đó, đại diện hãng hàng không Đức Lufthansa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm được quốc tế công nhận trong nỗ lực khởi động lại giao thông hàng không.
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Essen, Đức, ngày 18/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Không chỉ ngành du lịch, hàng không,… ngóng chờ việc phát hành thẻ tiêm chủng số, chiếc thẻ có thể tự do thông hành trong đại dịch còn là chứng nhận quan trọng để nối lại hoạt động ở hầu hết các ngành khác khi số người được tiêm chủng tăng dần ở các quốc gia và khu vực trên thế giới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng tại châu Âu đang diễn ra hết sức chậm chạp, một phần do thiếu vaccine, việc đưa ra một chứng nhận tiêm chủng số như vậy cũng gây ra những ý kiến trái chiều. Không ít ý kiến cho rằng điều đó sẽ là không công bằng với những người chưa được tiêm chủng. Hơn thế, một chứng nhận tiêm chủng mà những đối tượng được tiêm cho tới nay phần lớn là người cao tuổi, có vẻ chưa nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của những người trẻ, kể cả với nhiều chính trị gia. Ngay cả Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng không tỏ ra nóng vội với ý tưởng này, khi mới có quá ít dân số Đức cho đến nay được tiêm chủng (gần 9% được tiêm 1 mũi, 4% đủ 2 mũi). Bên cạnh đó, trẻ em hiện không thể được chủng ngừa COVID-19 vì chưa có vaccine phù hợp.
Tuy nhiên, bà Merkel cũng ủng hộ kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) phát hành thẻ tiêm chủng số vào mùa Hè tới, cũng như giao cho các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai kế hoạch phát triển thẻ chứng nhận tiêm chủng số tại Đức. Theo kết quả một cuộc khảo sát do YouGov thực hiện, chỉ có 16% số người Đức được hỏi ủng hộ một thẻ tiêm chủng như ở Israel; 44% ý kiến cho rằng chỉ nên áp dụng khi tất cả mọi người ở Đức đều có thể tiêm chủng, trong khi 35% số người được hỏi từ chối chiếc thẻ tiêm chủng này.
Giới chức EU thông báo, chứng nhận tiêm chủng số sẽ hoàn tất và sẽ được vận hành từ ngày 1/6 tới, giúp tạo thuận lợi cho người dân châu Âu trong kỳ nghỉ Hè. Đây không hẳn là một chứng nhận tiêm chủng thuần túy, mà là một chứng nhận y tế, bởi nó đi kèm 3 loại dữ liệu gồm thông tin đã được tiêm chủng, kết quả xét nghiệm PCR/kháng nguyên nhanh và những trường hợp đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 do đã có kháng thể trong máu. Đây sẽ là một dạng ID kỹ thuật số, tức là một ứng dụng dành cho điện thoại thông minh chứ không phải hộ chiếu thực để thu thập tem tiêm chủng. Mặc dù chứng chỉ chủ yếu được sử dụng dưới dạng số hóa, nhưng chúng có mã QR được cá nhân hóa và cũng được in trên giấy. Ngoài ra phải có chữ ký điện tử để làm bằng chứng chống giả mạo.
Theo Ủy viên Tư pháp châu Âu Didier Reynders, do không chỉ có thông tin về tiêm chủng nên chứng nhận này không mang tính “phân biệt đối xử” giữa những người đã tiêm và chưa tiêm. Theo đề xuất hiện tại, các nước EU buộc phải công nhận chứng chỉ tiêm chủng từ các quốc gia khác với những vaccine đã được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt, còn với loại chưa được châu Âu phê duyệt, các nước có thể tùy chấp nhận hoặc không.
Bên cạnh đó, vẫn còn lo ngại liệu những người đã được chủng ngừa còn có nguy cơ lây lan cho người khác hay không. Theo ông Reynders, vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng về khả năng bảo vệ của các loại vaccine khác nhau sẽ kéo dài trong bao lâu và liệu những người được tiêm chủng có thực sự không thể lây truyền virus hay không. Ông cho rằng các nước sẽ tính toán mức độ rủi ro khác nhau và do đó các quy định ở từng quốc gia có thể khác nhau. Chẳng hạn người đã có chứng nhận vaccine vẫn có thể phải làm xét nghiệm nhanh khi nhập cảnh một nước này, trong khi nước khác thì không cần. Ông cũng cho rằng nếu quy định được đề xuất là bắt buộc thì kế hoạch chứng nhận vaccine có nguy cơ bị các quốc gia thành viên EU phong tỏa.
Tại Đức, Bộ Y tế liên bang đã giao cho đơn vị trúng thầu là tập đoàn IBM của Mỹ chủ trì, phối hợp với hai công ty của Đức gồm hãng công nghệ Bechtle ở Neckarsulm và Ubirch ở Köln (công ty chuyên về bảo mật dữ liệu bằng công nghệ chuỗi khối blockchain) phát triển chứng chỉ tiêm chủng kỹ thuật số. Theo yêu cầu đấu thầu công khai, các công ty cần cung cấp một ứng dụng có thể ghi lại hồ sơ tiêm chủng một cách an toàn thông qua điện thoại thông minh, trong đó có thể lưu lại thời gian tiêm chủng, tên vaccine và tên người được tiêm. Chứng nhận kỹ thuật số về tiêm chủng cũng phải có chức năng kiểm tra và được tích hợp vào dữ liệu của các cơ sở y tế và trung tâm tiêm chủng. Người vận hành có thể sử dụng ứng dụng để tạo mã, cho phép bên thứ ba kiểm tra trạng thái tiêm chủng COVID-19 tuân theo quy định bảo vệ dữ liệu.
Dù tới thời điểm này EU mới quyết định phát triển thẻ tiêm chủng số thì ngay từ cuối tháng 1/2021, huyện Altötting thuộc bang Bayern đã là nơi đầu tiên ở Đức phát hành thẻ chứng nhận tiêm chủng COVID-19. Tuy nhiên, việc phát hành thẻ được thực hiện một cách tự nguyện, độc lập và riêng biệt, bởi thời điểm đó, châu Âu cũng như Đức chưa ủng hộ việc phát hành thẻ như vậy. Thẻ chứng nhận tiêm chủng được viết bằng tiếng Đức và tiếng Anh, một mặt có mã QR và mặt sau xác nhận tên, tuổi, địa chỉ người được tiêm chủng cũng như ngày tiêm chủng mũi 1 và mũi 2 cùng tên vaccine. Việc phát hành thẻ ở Altötting đơn giản xuất phát từ ý tưởng kêu gọi mọi người dân vượt qua sự miễn cưỡng để đi tiêm chủng khi Đức vừa có vaccine, đồng thời giúp người được tiêm thuận tiện chứng minh việc tiêm chủng sau này của bản thân.
Chứng nhận tiêm chủng điện tử đang được kỳ vọng là công cụ quan trọng nhằm dần khôi phục các ngành kinh tế, du lịch. Tuy trước mắt mới chỉ có ít thông tin được cập nhật vào chứng nhận tiêm chủng, song về lâu dài, thẻ tiêm chủng điện tử được cho cũng sẽ lưu trữ tất cả các lần tiêm chủng, từ sơ sinh đến cuối đời. Trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến nghiêm trọng trong khi tốc độ tiêm chủng diễn ra chậm chạp, chứng nhận tiêm chủng hiện được coi là một lối thoát khả dĩ đối với nhiều ngành kinh tế. Các chuyên gia nhận định chứng nhận tiêm chủng số đặc biệt hữu ích với những nước kiểm soát tốt dịch bệnh, bởi nó cho phép nền kinh tế dần mở cửa trở lại một cách an toàn.
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ho-chieu-vaccine-lieu-co-tro-thanh-phao-cuu-sinh-20210323121852395.htm
Ý kiến ()