Các quan chức của Triều Tiên và Mỹ hôm qua (8/5) bắt đầu tổ chức cuộc đàm phán không chính thức tại thành phố Oslo, Na Uy. Đây là lần đầu tiên diễn ra kiểu đối thoại như vậy giữa hai bên kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Cuộc đàm phán được đánh giá là một tín hiệu lạc quan nhằm làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc đàm phán có tên gọi “Kênh 2” , diễn ra trong hai ngày 8 – 9/5. Phái đoàn Triều Tiên do người chịu trách nhiệm các vấn đề nước Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, bà Choe Son-hui dẫn đầu. Bà Choe Son-hui vốn không phải là người xa lạ với Mỹ vì từng tham gia vòng đàm phán hạt nhân 6 bên cũng như các cuộc đối thoại không chính thức trước đây. Trong khi đó, phái đoàn Mỹ do giám đốc viện chính sách New America, bà Suzanne DiMaggio dẫn đầu.
Theo kênh truyền hình Asahi của Nhật Bản, hai bên thảo luận về vấn đề hạt nhân và tên lửa, cũng như quan hệ tương lai. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác nhận cuộc họp nêu trên và khẳng định “đây là hoạt động thường lệ, bàn về nhiều vấn đề trong khu vực và trên thế giới”.
Đứng từ quan điểm của chính quyền Tổng thống Donald Trump, các cuộc đàm phán không chính thức sẽ là cơ hội để khám phá bất cứ khả năng nào liên quan đến việc Triều Tiên trở lại đàm phán về phi hạt nhân.
Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho rằng “với Triều Tiên, đây có thể là cơ hội để đánh giá chính sách của Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc nhằm đưa ra các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên”.
Lâu nay, cánh cửa đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên hầu như bị khóa chặt bằng những biện pháp mà cả hai bên dựng lên theo kiểu “ăn miếng trả miếng”, từ phía Mỹ là cấm vận kinh tế, trừng phạt và cô lập, triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc và nhiều khí tài quân sự để đối phó với Triều Tiên.
Từ phía Triều Tiên là những “thách thức và khiêu khích” bằng thử hạt nhân và tên lửa, bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Thậm chí nước này còn tuyên bố “tấn công phủ đầu hạt nhân đối với Mỹ”.
Vì thế cuộc đàm phán lần này, dù không chính thức song là một tín hiệu lạc quan hiếm hoi cho thấy cánh cửa đối thoại giữa các bên vẫn luôn được hé mở giữa lúc căng thẳng leo thang đến đỉnh điểm.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cho biết các phương án, trong đó có một cuộc tấn công quân sự, đang được cân nhắc nhằm tìm cách kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, song không loại trừ cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu một môi trường thích hợp được tạo ra.
Yêu cầu của phía Mỹ đưa ra là Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Trong khi đó, Triều Tiên cũng nhiều lần khẳng định là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và không giấu diếm sự sẵn lòng trở lại bàn đàm phán với Mỹ.
Trung Quốc ngay lập tức hoan nghênh các động thái tích cực từ phía Mỹ và Triều Tiên, bày tỏ hy vọng các bên có thể tăng cường tiếp xúc, cùng xây dựng niềm tin để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Bắc Kinh hôm 8/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ: “Trung Quốc hối thúc Mỹ đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể tăng cường tiếp xúc với Triều Tiên, tìm kiếm sự đồng thuận và xây dựng lòng tin dựa trên các nguyên tắc đã được đặt ra. Trung Quốc mong muốn phối hợp với Mỹ và các quốc gia khác tiếp tục những nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề này”.
Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên gần đây đã trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi Triều tiên được cho là đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mới, còn Mỹ đã cử nhóm tàu tấn công cùng tàu sân bay USS Carl Vinson tới vùng biển ngoài khơi khu vực này.
Tuy nhiên, giữa những thông điệp và bước đi cứng rắn vẫn có những tín hiệu hiếm hoi về một cơ hội đối thoại. Giới quan sát cho rằng nếu cuộc đàm phán theo kiểu “Kênh 2” diễn ra tốt đẹp, chúng có thể mở đường cho các cuộc đối thoại chính thức giữa hai bên./.
Ý kiến ()