Chiều 3/8, tại thủ đô Vientiane, Lào, các quan chức kinh tế 10 nước ASEAN, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 (AEM48 ). Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị này.
Năm 2016 là năm đầu tiên sau khi ASEAN quyết định thành lập Cộng đồng Kinh tế, hướng tới hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng vào năm 2025. Bởi vậy, trọng tâm hợp tác của năm là xây dựng nền tảng triển khai Lộ trình tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2025.
Do đó, tại Hội nghị AEM 48, các quan chức kinh tế ASEAN đã điểm lại những nét nổi bật của kinh tế ASEAN trong năm 2016. Tuy tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng ASEAN vẫn tiếp tục xây dựng một Cộng đồng kinh tế vững mạnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế thế giới.
Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tập trung xem xét các khuôn khổ cho tăng cường hợp tác kinh tế nội khối ASEAN, gồm có Khuôn khổ Thuận lợi hóa thương mại ASEAN; Khuôn khổ Quản lý an toàn thực phẩm ASEAN; Khuôn khổ thể chế ASEAN về tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; Chương trình làm việc về khởi nghiệp trong ASEAN.
Chỉ dẫn phát triển và phối hợp về đặc khu kinh tế; Kế hoạch hành động chiến lược để thực hiện Lộ trình tổng thể xây dựng AEC 2025 của các nhóm công tác trong các lĩnh vực: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, tiêu chuẩn và tuân thủ, hải quan, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ, thống kê.
Kế hoạch làm việc về Chuỗi giá trị toàn cầu; Khuôn khổ giám sát và đánh giá thực hiện Lộ trình tổng thể xây dựng AEC 2025, Tài liệu quản lý và cơ cấu thực hiện Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF).
Việc tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác cũng là một trong các trụ cột quan trọng trong Lộ trình tổng thể xây dựng AEC 2025. Bởi vậy, trong khuôn khổ Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Bộ trưởng các đối tác cũng đã tổ chức các phiên đối thoại với nhiều nội dung quan trọng.
Theo số liệu của ban thư ký ASEAN, năm 2015, tổng GDP của ASEAN là 2,43 nghìn tỷ USD, trở thành nền kinh tế đứng thứ 6 trên thế giới (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh). Tổng kim ngạch thương mại ASEAN đạt 2,28 nghìn tỷ USD, trong đó thương mại nội khối ASEAN đạt 547,2 tỷ USD (chiếm 24%).
Các đối tác thương mại lớn nhất hiện nay của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản EU, Hoa Kỳ. Đầu tư vào ASEAN tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ và lĩnh vực chế tạo. EU tiếp tục là đối tác đầu tư lớn nhất vào ASEAN, chiếm 16,4% tổng FDI, kế tiếp là Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc
Đây là tín hiệu đáng mừng từ sự hội nhập kinh tế của ASEAN và cũng là dịp để quảng bá hình ảnh của khu vực để trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trên thế giới. Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển kinh tế của ASEAN, trong năm 2015, ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong và ngoài khu vực. Do vậy, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cam kết sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện các nghĩa vụ trong hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, xây dựng cộng đồng kinh tế vững mạnh tiến tới sự phát triển nhanh, bền vững toàn diện.
Đặc biệt, tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hoan nghênh nước chủ nhà Lào với cương vị Chủ tịch đã cùng với các nước thành viên đạt được 8 ưu tiên của trụ cột kinh tế ASEAN trong năm 2016, đây là một phần quan trọng để thúc đẩy hội nhập ASEAN nhằm hiện thực hóa Lộ trình tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025./.
Ý kiến ()