Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 11/01/2025 22:45 (GMT +7)
Hội thảo về Biển Đông tại Ấn Độ
Thứ 5, 25/02/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Hội thảo “Biển Đông: Những tác động về an ninh và kinh tế” đã diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc tế Ấn Độ (IIC) ở thủ đô New Delhi sáng 24/2.
Phiên đối thoại thứ nhất. |
Hội thảo này do Viện ML Sondhi về các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương (MLSIAPA), Quỹ hàng hải quốc gia (NMF) và Trung tâm phân tích và chiến lược Trung Quốc (CCAS) phối hợp tổ chức. Hội thảo chia làm hai phiên thảo luận về chủ đề “Các chính sách của Ấn Độ đối với Biển Đông” và “Động lực an ninh khu vực” đã thu hút được sự tham dự của đông đảo học giả có uy tín ở Ấn Độ và đại diện ngoại giao đoàn từ các nước như Nga, Nhật Bản, Australia và Singapore.
Phát biểu khai mạc, cựu Bí thư đối ngoại Ấn Độ Kanwal Sibal nhấn mạnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, mối đe dọa đối với an ninh hàng hải, nhất là ở Biển Đông, sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu….
Ông Sibal cho rằng “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ đổi thành chính sách “Hành động phía Đông” đã tạo động lực mới thúc đẩy sự hợp tác trong khu vực, nhất là trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa Ấn Độ với Mỹ, Nhật Bản, Australia cùng với các quốc gia liên quan khác như Việt Nam, Philippines sẽ giúp tạo ra sự cân bằng quyền lực, thúc đẩy hình thành cấu trúc an ninh toàn diện, cân bằng, minh bạch và cởi mở, có lợi cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á –Thái Bình Dương.
Đại sứ Tôn Sinh Thành phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam Tôn Sinh Thành khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông là của Việt Nam, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền ở khu vực này. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền ở những quần đảo này, đồng thời sẵn sàng hợp tác với các bên có tuyên bố chủ quyền để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ ở Trường Sa và Hoàng Sa một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế.
Đại sứ kêu gọi tất cả các bên cần phải giữ nguyên trạng, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, kiềm chế tránh làm căng thẳng thêm tình hình ở khu vực này. Các bên cần phải nghiêm túc và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông.
Đại sứ tuyên bố Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền 200 hải lý và thềm lục địa theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam quyết tâm bảo vệ quyền và duy trì các hoạt động thường xuyên tại vùng lãnh hải chủ quyền, tiếp tục hợp tác với các nước khác, trong đó có Ấn Độ, để thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ UNCLOS và sẽ không ngừng nỗ lực biến khu vực Biển Đông trở thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển.
Đại sứ cũng bày tỏ quan ngại về tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông đang đe dọa tới hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Đại sứ nêu rõ Việt Nam rất quan ngại về hành động này của Trung Quốc bởi hành động này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn đe dọa đến hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, làm giảm lòng tin chiến lược và gây ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài tới hòa bình, an ninh, phát triển và hợp tác ở khu vực Ấn – Á – Thái Bình Dương.
Các học giả và đại biểu tham gia hội thảo. |
Tại cuộc hội thảo, nhiều học giả Ấn Độ đã bày tỏ sự quan ngại đối với các hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, kêu gọi sự tăng cường hợp tác giữa các cường quốc ở khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Australia… và các bên liên quan nhằm duy trì sự cân bằng quyền lực trong khu vực, tìm kiếm các giải pháp hòa bình giải quyết các tranh chấp và thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Giáo sư G.V.C Naidu, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Đại học Jewaharlal Nehru (JNU) cho rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải đóng vai trò chủ đạo trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và phải thúc đẩy các bên liên quan đàm phán, sớm hoàn tất COC mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, qua đó đảm bảo an ninh, hòa bình và ổn định ở khu vực.
Ý kiến ()